Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Kỷ vật thời kháng chiến” giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 21-11, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã khai mạc chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2005/23-11-2023).


Nghi thức khai mạc chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến”

Chuyên đề trưng bày 177 hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Các kỷ vật được chia thành 3 nhóm. Nhóm kỷ vật của các chỉ huy, lãnh đạo, tướng lĩnh thuộc các cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Nhóm kỷ vật là hành trang của người chiến sĩ trên các mặt trận khác nhau như: Nhà báo, phóng viên chiến trường, văn công quân giải phóng miền Nam, các chiến sĩ quân giải phóng, nữ chiến sĩ miền Nam, đội ngũ y, bác sĩ. Cuối cùng là nhóm kỷ vật những cựu binh, cựu tù chính trị.

Trong những kỷ vật ấy, công chúng bắt gặp được bức tranh “Chùa Một Cột” của bà Võ Thị Út Bé thêu trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo (1969-1974). Bên cạnh đó là chiếc khăn tay được bà Phạm Kim Lệ may và thêu trong thời gian bị giam giữ tại khám đường Long An (1970-1973) để làm quà mừng cưới tặng em gái. Hay chiếc áo gối được bà Mai Hồng Hạnh may và sử dụng  trong thời gian từ 1954-1960…


Du khách tham quan chuyên đề

TS. Trần Xuân Thảo – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – khẳng định, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vô cùng anh dũng, kiên cường nhưng cũng cực kỳ gian khổ, khốc liệt. Trong những khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi những chiến sĩ cách mạng đã viết lên những trang thư, những bài thơ tha thiết, vẽ lên những bức tranh đầy xúc động hay sáng tạo ra những vật dụng gửi về cho gia đình với biết bao niềm nhớ thương, hy vọng.

Sau chiến tranh kết thúc, những kỷ vật thiêng liêng của nhiều chứng nhân lịch sử đã được trân trọng gìn giữ. Từ đó được kết nối để chúng ta thấy được một thời máu lửa trong đó có cả sự yêu thương, tình đồng chí, đồng đội cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, những nỗi nhớ khôn nguôi, lòng hiếu thảo của những người con đối với bậc sinh  thành, tình cảm thủy chung son sắt của vợ chồng. Và ở đó có cả máu, nước mắt, sự hy sinh cùng những hoài bão, ước mơ và nghị lực phi thường của một thời tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như hôm nay.


Khách nước ngoài thích thú chụp ảnh trong không gian trưng bày chuyên đề

“Mỗi kỷ vật là một câu chuyện giúp công chúng có cái nhìn chân thực về những giá trị lịch sử, nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo ẩn chứa sau mỗi kỷ vật. Khách tham quan như một lần nữa cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Dù trong hiểm nguy hay lao tù họ vẫn son sắt một tình yêu cao đẹp với Tổ quốc”, TS.Thảo chia sẻ.

Đặc biệt, chuyên đề còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.


Những kỷ vật thời kháng chiến

Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – cho biết, thời gian qua ngành văn hóa của TP.HCM nói chung và hoạt động của bảo tàng nói riêng đã không ngừng linh hoạt, tổ chức nhiều hoạt động phục vụ du khách. Trong đó, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn thu hút sự tham quan đông đảo của du khách trong nước và quốc tế.

“Với chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến”, tôi tin rằng, nội dung trưng bày sẽ lan tỏa sâu rộng đến công chúng, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam trong và sau chiến tranh”, ông Thuận nhấn mạnh.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)