Người Trung Quốc có câu: “Ngũ nhạc quy lai bất khán sơn. Hoàng Sơn quy lai bất khán nhạc”, có nghĩa là đã đến được Ngũ nhạc (năm ngọn núi đẹp nổi tiếng của nước này) thì không cần đi xem các núi khác, nhưng nếu đã nhìn thấy núi Hoàng Sơn thì cũng không cần phải đến Ngũ nhạc nữa, đơn giản vì Hoàng Sơn được coi là ngọn núi đẹp nhất của Trung Quốc.
Từ khi nghe câu “tiếp thị” hùng hồn đó, tôi bắt đầu mơ chinh phục Hoàng Sơn. Rồi tôi cũng thu xếp được công việc, vác balô bay sang Thượng Hải, sau đó lên chuyến xe bus cuối cùng từ Thượng Hải tới thành phố nhỏ Đồn Khê, điểm dừng chân bắt buộc của du khách trước khi lên núi Hoàng Sơn.
Sáng sớm hôm sau, tôi cùng với ba người bạn mới quen trong nhà trọ bắt xe tới chân núi Hoàng Sơn. Từ chân núi có ba đường để lên núi. Chúng tôi quyết định chọn đường phía Đông, và đi lên bằng cáp treo để tiết kiệm thời gian và sức lực. Ngay khi cáp treo rời bến, tất cả chúng tôi đều reo lên thích thú trước bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ đang mở ra trước mắt.
Tuyệt tác sáng tạo của thiên nhiên
Hoàng Sơn – ngọn núi đẹp nhất Trung Quốc |
Vẻ đẹp khác thường của Hoàng Sơn là sự kết hợp hoàn hảo của ba yếu tố là thông, đá và mây, vốn được ca ngợi là “tam tuyệt”: thông kỳ, đá quái và biển mây. Nét đặc sắc nhất của Hoàng Sơn là rừng thông kỳ lạ có tuổi đời trên 100 năm mọc trên các đỉnh núi, vươn dài mấy trăm dặm núi non. Theo các nhà khoa học thì thông Hoàng Sơn mọc cao hơn mực nước biển từ 800m trở lên, đỉnh cây phẳng, lá mọc ngược, rất dễ hấp thụ nước và dinh dưỡng trong không khí.
Trong rễ cây có thể tiết ra một loại axít hữu cơ, khi dung hòa với nham thể hoa cương ở vùng núi Hoàng Sơn sẽ sản sinh ra một loại phân hữu cơ giúp nuôi dưỡng cây. Nhờ vậy mà thông Hoàng Sơn dù sinh trưởng trong các kẽ đá hiểm hóc nhưng rễ cây cứ chằng chịt bám vào vách đá thẳng đứng, dáng hiên ngang sừng sững.
Cây thông chào khách – biểu tượng nổi tiếng của Hoàng Sơn |
Nét đặc biệt thứ hai của Hoàng Sơn là đá. Theo các nhà địa chất thì hệ thống núi đá Hoàng Sơn đã được hình thành do những chuyển động của bề mặt Trái đất trong kỷ Jura cách đây hơn 100 triệu năm. Ngoài 72 đỉnh núi chính có hình thù và tên gọi riêng như Liên Hoa, Thủy Tín, Sư Tử, Bạch Vân, Quang Minh… Hoàng Sơn còn có muôn vực, ngàn khe và những đỉnh nhỏ không đếm xuể.
Khe cao vực sâu |
Phong cảnh Hoàng Sơn quyến rũ, thông cuốn lấy đá, đá lẫn vào thông, mỗi ngóc ngách đều mở ra những góc nhìn kỳ thú, cho phép trí tưởng tượng của con người tha hồ bay bổng. Trong suốt gần hai ngày ở trên núi, chúng tôi cứ miên man đi theo những con đường quanh co khi chạy sát bên mép núi, lúc dốc đứng đến thót tim.
Đối với dân du lịch balô thì bình minh và hoàng hôn là hai thời khắc quý nhất trong ngày. Không thể dậy sớm vào buổi sáng hôm sau để ngắm bình minh sau một ngày leo núi quá mệt, nhưng tôi vẫn có được một buổi chiều hoàng hôn tuyệt đẹp vào ngày đầu tiên.
Từ trên đỉnh Phi Thạch (hòn đá bay) nổi tiếng, chúng tôi đã lặng người chiêm ngưỡng khoảnh khắc tuyệt đẹp khi Mặt trời chiếu những tia sáng rực rỡ cuối cùng trong ngày trước khi lặn hẳn. Những vách đá vôi ban ngày màu trắng dần chuyển sang màu vàng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn. Sương mù từ dưới các khe núi kéo lên làm cho khung cảnh càng mờ ảo quyến rũ.
Hòn Phi Thạch (đá bay) nổi tiếng từng hiện diện trong bộ phim Hồng Lâu Mộng |
Có lẽ vì thế mà trong lịch sử Trung Quốc có biết bao nhà thơ, nhà nghệ thuật nổi tiếng như Lý Bạch, Giảo Bảo, Thạch Đào, Cung Tự Trân,… đã tìm đến Hoàng Sơn và sáng tác những tác phẩm bất hủ ca ngợi vẻ đẹp của nơi đây. Chỉ riêng những bài thơ còn lưu truyền đến ngày nay cũng đã có hơn 20 ngàn bài, tạo thành một di sản đồ sộ, góp phần đưa Hoàng Sơn vào danh sách di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới từ năm 1990.
Không những có giá trị cảnh quan và nghệ thuật, Hoàng Sơn còn giữ vị trí quan trọng trong lịch sử đạo giáo Trung Hoa với truyền thuyết về Hiên Viên hoàng đế – tổ sư của dân tộc Trung Hoa, người đã từng đến tu hành và thăng thiên tại đây.
Kỳ công bảo tồn của con người
Trạm cáp treo nằm cheo leo giữa núi rừng hiểm trở |
Trở lại phần đầu của chuyến đi, trước khi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Hoàng Sơn, chúng tôi đã phải ngỡ ngàng vì giá vé tham quan quá cao. Tính ra, mỗi người phải trả tới gần 800.000 ngàn đồng (khoảng 300 tệ) cho vé tham quan và cáp treo. Điều an ủi duy nhất là du khách có thể mua vé một lần và ở lại trên núi bao nhiêu ngày cũng được. David – một chàng trai người Anh chỉ tham quan đúng một ngày đã ca cẩm: “Nước Anh vốn đã nổi tiếng là chặt đẹp rồi mà vẫn còn thua Trung Quốc”.
Sau hai ngày tham quan nơi đây, chúng tôi mới thấy rằng giá vé cao như vậy vẫn rất hợp lý so với sức người, sức của bỏ ra để bảo tồn và phát triển khu di sản hùng vĩ này. Thật ngạc nhiên trước cách bảo tồn di sản rất chuyên nghiệp của nước bạn và cũng phải khâm phục ý chí của người Trung Quốc trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Một khu vực rừng núi, địa hình hiểm trở trải dài 40km từ Bắc xuống Nam và 30km từ Đông sang Tây được bảo tồn gần như hoàn hảo. Không nhìn thấy một mảnh rác, bao nilon hay chai nước nào vứt dọc đường. Cách vài chục mét lại có một thùng rác, còn tại các nhà vệ sinh công cộng, luôn có người phục vụ quét dọn, đảm bảo độ sạch sẽ như trong khách sạn. Hoàn toàn không có những người bán hàng rong hay quán xá dọc đường chèo kéo du khách.
Đường leo núi Hoàng Sơn có khi cheo leo bên vách núi |
…cũng có khi dốc đứng |
Ngoài bốn chiếc cáp treo vận chuyển khách một đoạn dưới chân núi, việc tham quan Hoàng Sơn chủ yếu là đi bộ. Hệ thống đường tham quan trên núi vô cùng cheo leo, hiểm hóc, nhưng được thiết kế hết sức khoa học và an toàn, giúp du khách chiêm ngưỡng được Hoàng Sơn ở những góc độ đẹp nhất.
Khi tận mắt thấy những người công nhân gánh vật liệu xây dựng đi lên núi mới thấy hết được giá trị của hệ thống đường khổng lồ này. Khi thử nhấc gánh đá của một công nhân lên vai, anh chàng David đã nhăn mặt lắc đầu: “Nặng quá, không nhấc nổi”. Vậy mà toàn bộ vật liệu xây dựng để làm đường, xây khách sạn và cáp treo ở đây đều được vận chuyển bằng sức người trong thời tiết hết sức khắc nghiệt của vùng núi cao.
Một trong 72 đỉnh núi ở Hoàng Sơn |
Bên cạnh nỗ lực đầu tư của chính phủ, cũng phải nhận thấy rằng người dân Trung Quốc có ý thức bảo vệ thiên nhiên rất cao. Không hề thấy hiện tượng khắc tên, vẽ hình lên đá như ở các khu di tích khác. Thay vào đó, những đôi tình nhân Trung Quốc có cách thể hiện rất hay là mua những chiếc khóa nhỏ, khắc tên hai người lên đó rồi khóa vào những lan can lên núi. Sau đó chiếc chìa khóa được vứt xuống khe núi vì người ta tin rằng làm vậy thì những người yêu nhau sẽ được ở bên nhau suốt đời.
Theo TẠ HẠNH LIÊN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)