Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kỳ vọng “chợ” mua bán nợ

Tạp Chí Giáo Dục

Sàn giao dịch nợ của VAMC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình xử lý, mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu sẽ thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa cho biết sàn giao dịch nợ VAMC sắp đi vào hoạt động. Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh đã được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Ngân hàng dồn dập rao bán nợ
Theo các chuyên gia, đây là bước tiến tiếp theo của quá trình mua bán nợ xấu ở Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khiến khả năng trả nợ vay ngân hàng (NH) bị ảnh hưởng.
Hiện các NH thương mại đẩy mạnh rao bán khoản nợ có tài sản thế chấp của khách hàng cá nhân, DN ngày càng nhiều. Đáng lưu ý, xu hướng NH rao bán toàn bộ tài sản thế chấp của DN ngày càng phổ biến, thay vì chủ yếu là thanh lý bất động sản như trước đây.
Một dự án tại huyện Nhà Bè, TP HCM đang được ngân hàng rao bán
NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo xử lý tài sản thế chấp của 3 DN bất động sản, với tài sản thế chấp là hơn 200 căn biệt thự, villa tại một dự án ở quận 7, TP HCM, sau khi khách hàng không trả được nợ. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang phát mại tài sản bảo đảm của nhiều DN trong lĩnh vực dược, nhựa, may mặc, sản xuất nông nghiệp, xây dựng…
NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng rao bán nhiều tài sản thế chấp với giá khởi điểm từ vài tỉ đồng đến cả ngàn tỉ đồng. Trong đó, một khoản nợ ngàn tỉ đồng vừa được BIDV Chi nhánh Phú Tài rao bán đấu giá là của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Khoản nợ này có tổng dư nợ trên 1.035 tỉ đồng, gồm nợ gốc và lãi vay, với nhiều tài sản bảo đảm từ trung tâm tiệc cưới, máy móc thiết bị, ôtô các loại…
Nhiều NH thương mại khác cũng đẩy mạnh rao bán ôtô trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải gặp khó khăn; không ít người vay tiền mua ôtô chạy xe công nghệ nhưng không trả được nợ…
Chia sẻ về kết quả hoạt động của ngành NH 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NH Nhà nước, nhận định khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần 3 và 4, đã tác động nhất định đối với hoạt động tín dụng NH. Khả năng trả nợ của khách hàng – nhất là trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không và du lịch – bị ảnh hưởng rất lớn.
Minh bạch để cải thiện
Các NH dồn dập rao bán các khoản nợ, thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Dù vậy, không phải khoản nợ nào, tài sản thế chấp từ máy móc thiết bị, nhà xưởng, tàu cá, bất động sản… nào cũng đều hấp dẫn người mua. Không ít khoản nợ được NH thương mại rao bán nhiều lần, thậm chí "đại hạ giá", vẫn chưa tìm được chủ mới. Thị trường mua bán nợ hiện chủ yếu giữa các tổ chức tín dụng, VAMC với một số đơn vị khác, trong khi nhu cầu tham gia của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn.
Chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực nhận định Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ. Từ đó, làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.
Việc sàn giao dịch nợ VAMC sắp đi vào hoạt động có góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xử lý nợ? Trong thông báo mới nhất, VAMC cho biết sàn giao dịch nợ ra đời với hoạt động trọng tâm cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới mua bán nợ và tài sản của tổ chức, cá nhân; đề xuất giải pháp liên quan đến hoạt động mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Sàn giao dịch này cũng đóng vai trò làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên…
Sàn giao dịch nợ VAMC hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu; góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với VAMC đóng vai trò trung tâm. VAMC đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động, kỳ vọng tạo môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa Ngân hàng – Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận việc đưa vào hoạt động sàn giao dịch nợ VAMC là bước chuyển tiếp để chuyên nghiệp hơn, hội nhập với thế giới trong phát triển thị trường mua bán nợ. Sàn giao dịch là trạm trung chuyển, từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường, từng bước với vai trò VAMC là trung tâm. Do đó, việc thành lập sàn này là tất yếu.
"Loại hàng hóa nào được giao dịch mua bán trên thị trường này, không chỉ là nợ xấu cũng cần được quy định rõ. Ở những thị trường mua bán nợ phát triển, hàng hóa trên thị trường bao gồm cả những khoản không phải nợ xấu. Đặc biệt, giá mua bán nợ phải theo đúng giá thị trường. Bởi lẽ, nhiều DN tham gia mua bán muốn chuyển nợ thành vốn cổ phần đóng góp để tái cấu trúc, dần từng bước nắm giữ quyền sở hữu, chi phối DN đó…" – TS Nguyễn Quốc Anh phân tích.
Ngoài ra, các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng hiện nay cũng cần được phân loại, trích lập đúng, đầy đủ và minh bạch để những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm có cơ hội tham gia. Bởi theo TS Nguyễn Quốc Anh, nếu phân loại nợ đầy đủ, rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần nhìn vào khoản nợ sẽ biết có khả năng khôi phục, mua lại rồi có thể tái cấu trúc để phục hồi hay không…
Sớm luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị để thị trường mua bán nợ ở Việt Nam phát triển bền vững, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.
TS Cấn Văn Lực cho rằng thực tế đã chứng minh Nghị quyết 42 mang lại nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi nghị quyết có hiệu lực (tháng 8-2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành NH, đặc biệt do ảnh hưởng dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Nghị quyết 42 cũng hết hiệu lực trong hơn một năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn.
 
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)