Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ vọng chương trình mới giải quyết mọi thứ nhưng thực tế… thiếu mọi thứ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 19.10, tại phiên họp lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu đều nêu thực tế đổi mới giáo dục phổ thông đang thực hiện trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ.

Thiếu giáo viên, gánh nặng chuyển sang vai phụ huynh ?

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế hầu hết các địa phương không giao đủ chỉ tiêu giáo viên (GV)/lớp đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện tối thiểu để dạy học. “Để dạy tốt, học tốt thì có rất nhiều giải pháp khác nhau nhưng cái gốc là phải đủ GV, khi gốc không đảm bảo thì nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay đang làm từ ngọn”, ĐB Nga nhận định và cho rằng cần phải làm rõ ngành nội vụ đã giao đủ chỉ tiêu GV cho các địa phương chưa, nếu không giao đủ mà vẫn giảm biên chế ngành giáo dục thì phải chứng minh là tỷ lệ GV/lớp hiện nay không phù hợp nữa. Theo bà Nga, các địa phương hiện vẫn rất tùy tiện khi thường xuyên giao thiếu chỉ tiêu GV mà vẫn đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục, phải dạy tốt học tốt.

Kỳ vọng chương trình mới giải quyết mọi thứ nhưng thực tế... thiếu mọi thứ - ảnh 1

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho biết ngay tại TP.HCM mà không tuyển được giáo viên tiếng Anh và tin học. NGỌC THẮNG

ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho biết thêm hiện tỉnh bà thiếu hơn 900 GV mầm non dẫn tới tình trạng có điểm trường mà không có GV nên xây trường xong bỏ không; có điểm trường quá xa nhà dân nên không có trẻ đến học. ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chỉ ra thực tế số trường không đạt chuẩn ở địa phương ngày càng tăng do thiếu GV, các trường phải dồn lớp để đảm bảo tỷ lệ GV/lớp.

Tại TP.HCM, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM), lấy ví dụ thông báo tuyển 500 GV chỉ có hơn 400 ứng tuyển và cũng chỉ tuyển được khoảng 70% trong số đó. “Ở ngay tại TP.HCM mà không tuyển được GV tiếng Anh và tin học chứ chưa nói đến mỹ thuật, âm nhạc cấp THPT. Cử nhân sư phạm 2 ngành học này ra trường không chọn làm GV mà làm ở bên ngoài vì lương mỗi tháng có thể là 15 triệu đồng hoặc hơn nữa”, ĐB Tuyết nói và đề nghị cần bố trí đủ nguồn lực cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Kỳ vọng chương trình mới giải quyết mọi thứ nhưng thực tế... thiếu mọi thứ - ảnh 2

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chỉ ra thực tế số trường không đạt chuẩn ở địa phương ngày càng tăng do thiếu GV. NGỌC THẮNG

Với việc dạy tiếng Anh, tin học, bà Tuyết cũng cho rằng dù Bộ GD-ĐT có định hướng tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế nhưng khi nhà nước không đảm bảo nguồn lực, không đầu tư kịp cho các trường thì sẽ chuyển gánh nặng cho phụ huynh (PH). Các trường liên kết với trung tâm này, trung tâm kia để dạy cho học sinh (HS) và toàn bộ chi phí đó chuyển hết cho HS. Họp PH nhà trường nói nếu không đồng ý thì không cho con học nhưng cả khối, cả trường học không lẽ một số PH vì không đồng ý đóng tiền mà để con mình không được học môn đó? “Trách nhiệm của nhà nước sao lại chuyển gánh nặng cho PH HS”, ĐB Tuyết đặt vấn đề.

Tương tự, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng nêu do thiếu GV nên ở cấp tiểu học dù quy định là được miễn học phí nhưng nhà trường không có kinh phí trả lương GV hợp đồng nên HS phải đóng tiền học tiếng Anh để nhà trường lấy tiền đó trả lương cho GV.

Kỳ vọng chương trình mới giải quyết mọi thứ nhưng thực tế... thiếu mọi thứ - ảnh 3

Các đại biểu tham gia phiên họp lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức. NGỌC THẮNG

Đề nghị Bộ thành lập hội đồng rà soát chỉnh sửa SGK

Liên quan đến sách giáo khoa (SGK) mới, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho biết đến thời điểm này, cử tri vẫn rất phàn nàn về SGK. Thứ nhất, thiếu SGK, thứ hai một số nội dung trong SGK chưa chuẩn và đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng rà soát, thẩm định lại để sửa chứ không thể kéo dài tình trạng này. “Dù chúng ta vẫn nói khi có nhiều bộ SGK thì SGK không phải pháp lệnh như trước nhưng nhiều GV và PH, HS vẫn bám rất chặt vào SGK để dạy và học. Do đó, đề nghị Bộ cần giám sát chỉnh sửa để có SGK hoàn chỉnh”.

Để dạy tốt, học tốt thì có rất nhiều giải pháp khác nhau nhưng cái gốc là phải đủ GV, khi gốc không đảm bảo thì nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay đang làm từ ngọn

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương bổ sung là vẫn có những phàn nàn về nội dung, kênh hình, kênh chữ chưa phù hợp và đề nghị Bộ không thể để kéo dài hay im lặng. Trong khi đó, ĐB Trần Thị Thu Hằng nói bản thân bà có con năm nay đang học lớp 10, nhưng đến nay vẫn có những bộ môn chưa mua được SGK để học.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết tiếp tục nêu những bức xúc khi dạy học tích hợp. Hiện nay, theo ĐB Tuyết, ngay trên địa bàn TP.HCM có trường 1 GV dạy 2 – 3 phân môn, có trường thì giờ của phân môn nào thì môn đó vào dạy. “Dù TP quy định GV phải được cấp chứng chỉ mới dạy tích hợp nhưng có trưởng phòng GD-ĐT phát biểu với đoàn giám sát: GV dạy tích hợp rất sợ HS hỏi sâu các môn không phải chuyên môn được đào tạo của mình, nhiều GV nói họ “thở phào” sau mỗi giờ dạy môn tích hợp rồi lại hồi hộp chờ đến giờ sau”, ĐB Tuyết phản ánh.

Ngành GD-ĐT nắm mọi thứ, trừ 2 thứ

Phát biểu sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng tất cả những bức xúc, những phản ánh của ĐB đều rất đúng, rất trúng. “Chúng ta đặt kỳ vọng vào chương trình GDPT mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ”, ông Kim Sơn nhấn mạnh thực tế. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ “cần sòng phẳng” khi chất vấn ngành GD-ĐT.

Sẽ thẩm định chặt chẽ SGK hơn nữa

Về vấn đề SGK, Bộ trưởng Kim Sơn hứa sẽ phải thẩm định chặt chẽ hơn nữa nội dung để tránh “sạn” như các ĐB phản ánh. Tuy nhiên, với việc thiếu SGK thì ông Sơn cho rằng Bộ GD-ĐT không thể chỉ đạo được hiệu sách trong khâu phát hành. Việc này, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải điều phối để làm thế nào sách đến được với các trường theo nhu cầu của họ. “Chúng tôi không thể chỉ huy hiệu sách này mang các sách a, b, c xuống các trường kia. Chúng tôi chỉ có thể khẩn khoản, nài nỉ chủ tịch UBND tỉnh hãy điều phối ngay để sách tới được với HS. Chúng ta phải cùng nhau tăng cường trách nhiệm chứ không phải thoái thác trách nhiệm, nhưng trách nhiệm phải đúng chứ không Bộ trưởng lại đi hứa và không thực hiện lại thuộc về người khác”, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.

“Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ trừ 2 thứ, một là GV, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi đều không khác gì mấy với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”, Bộ trưởng Sơn giãi bày. Về GV, theo Bộ trưởng Sơn, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản, sau vài năm Bộ tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 GV thì 2 năm vừa rồi đã bỏ việc gần 29.000. Không những thế, nhiều địa phương còn không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai nên thôi “giao cho em ít chỉ tiêu em để đấy em trừ dần thế là xong”.

Kỳ vọng chương trình mới giải quyết mọi thứ nhưng thực tế... thiếu mọi thứ - ảnh 4

“Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ trừ 2 thứ, một là GV, hai là tài chính", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. NGỌC THẮNG

Theo Bộ trưởng Sơn, việc thiếu GV phải trở thành một chuyên đề, các ĐB cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, sâu sắc hơn về vấn đề này để trở thành mục tiêu quốc gia. Bộ GD-ĐT không bổ nhiệm được hệ thống dọc, không điều động chỗ này chỗ kia được. Chỗ thiếu thì vẫn cứ thiếu mà chỗ thừa thì vẫn cứ thừa mà không điều động được. “Không phải Bộ đâu mà ông giám đốc sở GD-ĐT ở địa phương cũng không có quyền điều động GV từ huyện này sang huyện kia. Thế thì chúng ta sẽ phải làm thế nào trong khi chúng ta vẫn nói có HS phải có GV”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Về mặt tài chính, Bộ trưởng Sơn cho biết khi triển khai Chương trình GDPT năm 2018, ghi rõ trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để triển khai là của chủ tịch UBND các tỉnh, TP. Các tỉnh phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị T.Ư hỗ trợ. Nhưng hàng năm các địa phương làm việc với T.Ư về ngân sách, Bộ GD-ĐT không được biết là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu, nơi nào thừa. “Do vậy, không thể nói Bộ GD-ĐT lấy tiền đi mua cái máy tính cho địa phương để làm phòng học tin học được. Chúng tôi chỉ luôn luôn lưu ý, tha thiết yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho việc này và phải giám sát. Do vậy, mong Quốc hội khi giám sát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 các địa phương phải đảm bảo cho được nguồn lực về tài chính, đã kêu đến nơi đến chốn chưa”, ông Sơn đề nghị.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)