Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỳ vọng điện ảnh TP HCM bứt phá

Tạp Chí Giáo Dục

Với nhiều kế hoạch được triển khai cùng các đề án nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, nhiều kỳ vọng về sự bứt phá xứng tầm của điện ảnh TP HCM trong tương lai gần.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, đã thông tin nhiều kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển điện ảnh thành phố tại "Hội nghị phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH, ngày 15-6-2022 của Quốc hội và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP, ngày 31-12-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh".

Theo kế hoạch, TP HCM sẽ tổ chức Liên hoan phim ngắn lần đầu tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 5-2023. Đây là bước khởi động cho Liên hoan phim quốc tế TP HCM đúng chuẩn, được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2024 với kỳ vọng sẽ tạo nên thương hiệu riêng của thành phố, trở thành điểm đến thường kỳ, qua đó, phát triển du lịch và kinh tế – xã hội của TP HCM.

Bên cạnh xúc tiến quảng bá điện ảnh, liên quan đến phát triển cơ chế, chính sách cho điện ảnh, Sở Văn hóa – Thể thao đã tham mưu cho UBND TP HCM về chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và đã được UBND TP HCM phê duyệt.

Để phát triển công nghiệp văn hóa ở địa bàn thành phố, trong đó có công nghiệp điện ảnh, phía sở cũng tham mưu xây dựng một phim trường hiện đại, địa điểm dự kiến tại Củ Chi rộng hàng trăm hécta. Đây sẽ là nơi vừa tổ chức sản xuất phim đồng thời là nơi giáo dục tuyên truyền, địa điểm du lịch TP HCM trong quá trình phát triển văn hóa thành phố.

Kỳ vọng điện ảnh TP HCM bứt phá - Ảnh 1.

Phim ngắn “Mây nhưng không mưa” của Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim Venice 2020. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Sở cũng đề xuất xây dựng bảo tàng điện ảnh, trung tâm chiếu phim hiện đại kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa giải trí khác và một trung tâm sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, tiền kỳ, hậu kỳ… Không chỉ phát triển cơ sở vật chất, để điện ảnh TP bứt phá một cách bền vững, thị trường cần có nguồn nhân lực giỏi nghề, nhiệt huyết.

Đề án phát triển nguồn nhân lực cho điện ảnh được kỳ vọng sẽ là một trong những cơ sở xúc tiến, là cơ chế chính sách quan trọng để TP HCM có cách nhìn thống nhất và một số bước đi nền tảng trong phát triển văn hóa nói chung cũng như phát triển điện ảnh nói riêng trong thời gian tới. Điện ảnh TP HCM trong thời gian qua có những bước phát triển, ghi nhận có trên 100 cơ sở đăng ký sản xuất phát hành phim, 30 cơ sở hoạt động thường xuyên.

Nếu các kế hoạch, đề án trên được từng bước thực hiện, điện ảnh TP HCM sẽ có bước bứt phá đúng nghĩa của một trung tâm điện ảnh cả nước nói chung. Thực tế, các hoạt động điện ảnh hiện tập trung nhiều ở khu vực TP nên rất cần có thương hiệu, có đội ngũ nhân lực, có cơ sở vật chất đúng nghĩa để đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Việc xây dựng trường quay, bảo tàng, trung tâm sản xuất… là cần thiết để chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất tác phẩm điện ảnh.

Việc tổ chức Liên hoan phim quốc tế và xây dựng thương hiệu riêng vô cùng quan trọng để vừa có thể quảng bá phim Việt ra quốc tế, vừa quảng bá con người, văn hóa Việt, thu hút công chúng trong và ngoài nước, thêm nét hấp dẫn thu hút du khách của thành phố…

Sự tôn vinh, xem trọng điện ảnh cũng là một trong những động lực giúp cho người làm nghề nhiệt huyết, phấn đấu hết mình cho đam mê. Nhiều người trong nghề kỳ vọng, sự quan tâm từ cơ quan quản lý sẽ tạo đà cho sự phát triển của điện ảnh TP nói riêng, cả nước nói chung trong tương lai gần.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)