TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị, trong đó có một số dự án sẽ tiến hành xây dựng trong năm 2021.
Metro là một trong 4 nhóm dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, giai đoạn 2021-2025 sẽ chi hơn 590 tỷ đồng để xây dựng các dự án đầu tư trong lĩnh vực đô thị thông minh. Cụ thể, kinh phí này sẽ đầu tư thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Đây là trung tâm đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý điều hành giao thông. Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang thực hiện các chức năng chính của hệ thống giao thông thông minh bao gồm: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; Giám sát, theo dõi tình hình giao thông; Cung cấp thông tin giao thông trực tuyến; Phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và mô phỏng dự báo giao thông…
Buýt nhanh BRT
UBND TP vừa chính thức ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư phát triển giao thông xanh (buýt nhanh BRT). Theo đó, TP sẽ xây dựng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao số 1 dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ có đặc trưng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ tương tự loại hình BRT light trên thế giới. Tuyến buýt nhanh BRT này đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh như thẻ vé, có cả vé thanh toán bằng điện thoại di động (NFC) và kiểm soát vé, tiếp cận, nối kết, thông tin, vận hành và quản lý, tổ chức giao thông đều theo hình thức thông minh. Chiều dài toàn tuyến chính của buýt nhanh BRT là 26km, bổ sung đoạn kết nối vào Bến Thành và Chợ Lớn, tăng khả năng kết nối với hệ thống xe buýt hiện hữu. Điểm đầu tuyến từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tuyến là ga Rạch Chiếc. Giai đoạn tiếp theo, khi Bến xe Miền Tây mới hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến Bến xe Miền Tây mới).
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cảng biển
Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT, TP sẽ bắt đầu thu phí cảng biển từ đầu năm 2021. Giai đoạn 1 (năm tháng đầu năm 2021), sẽ tổ chức thu phí tại cảng Cát Lái, thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác thu phí. Giai đoạn 2 (từ 6-2021) sẽ tổ chức thu phí toàn bộ cảng biển. Theo Sở GTVT TP, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 đã được UBND TP, Thường vụ Thành ủy thông qua. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành GTVT là 970.654 tỷ đồng (vốn ngân sách là 477.704 tỷ đồng, vốn khác là 492.950 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2026 chỉ đáp ứng 24,6%, trong khi đó các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút, việc huy động tài trợ nguồn vốn ODA hạn chế nên việc có thêm nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cảng biển là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, các khu cảng biển của TP hiện trải dài qua các quận 2, 4, 7, 9 và huyện Nhà Bè. Các cảng này được kết nối bởi các tuyến đường trục chính và đường nhánh như Huỳnh Tấn Phát, liên cảng A5, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định… hiện đang bị quá tải.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Tháng 11-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ – TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Thời gian thực hiện dự án là từ 2020-2025. Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng với mục tiêu xây dựng một cảng hàng không quốc tế cấp 4F gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách; các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/ năm trên diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm. Thời gian thực hiện dự án là từ 2020 đến 2025.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan (hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT…
Xây dựng hạ tầng giao thông phía Đông
Trong 10 năm tới, TP cần hơn 300.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông tại khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, trong đó ngân sách TP hơn 83.000 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn khác như Trung ương, xã hội hóa, ODA… Sở GTVT TP cho biết, có 4 nhóm dự án cần được tập trung phát triển ở khu Đông TP – TP.Thủ Đức trong tương lai từ nay đến năm 2030. Bốn nhóm dự án gồm: Chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ, metro, xe buýt nhanh (BRT), đường thủy; bến bãi và vận tải công cộng. Được biết, trong kế hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, UBND TP cũng đã ban hành những nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thành lập trung tâm thông tin giao thông đô thị; Xây dựng hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu; Phát triển hỗ trợ giao thông công cộng để từng bước phát triển; Lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu Đông TP phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo…
Đường song hành Võ Văn Kiệt
Ông Đoàn Văn Tấn – Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP cho biết, sẽ xây dựng đường song hành Võ Văn Kiệt vào quý I/2021 với vốn đầu tư 54 tỷ đồng, thời gian thi công 12 tháng. Theo đó, chiều dài tuyến đường khoảng 615m, điểm đầu giao với đường Võ Văn Kiệt tại khu vực nút giao Võ Văn Kiệt – Nguyễn Thái Học. Điểm cuối gần nút giao với đường Pasteur.
Dự án này khắc phục tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn giao thông khi các xe muốn rẽ trái tại giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con. Hiện nay, lượng xe dừng chờ rẽ trái tại giao lộ này rất lớn, gây choán mặt đường, chiếm qua cả làn đường dành cho phương tiện đi thẳng, nhất là xe 2 bánh, ảnh hưởng đến các loại xe đang đi thẳng vào hầm. Dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông của khu vực, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ nói chung cũng như nút giao thông tại cầu Calmette nói riêng.
Anh Trần
Bình luận (0)