Ảnh: T.H. |
“Chúng tôi giải quyết bài toán về quản lý, sử dụng năng lượng một cách thông minh và hiệu quả trong việc nạp điện không những dành cho xe điện hai bánh, trong tương lai dành cho ôtô điện |
TS NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG |
Vượt qua 175 dự án đến từ nhiều quốc gia nói tiếng Pháp trên thế giới, mô hình thí điểm nhà xe sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời phối hợp hệ thống điện dùng sạc xe đạp và xe máy điện trở thành một trong năm dự án xuất sắc nhất của Chương trình dành cho các ý tưởng đổi mới và sáng tạo Innov’Ecolo promotion 2016.
Tác giả dự án này là nhóm nghiên cứu gồm ba giảng viên: TS Nguyễn Xuân Trường, TS Nguyễn Đình Quang (Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội) và TS Đặng Hoàng Anh (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) đã nhận được tài trợ của Tổ chức các trường ĐH Pháp ngữ (AUF).
Chương trình Innov’Ecolo là một giải thưởng nhằm khuyến khích ý tưởng nghiên cứu đổi mới, sáng tạo dành cho các bạn trẻ trong cộng đồng Pháp ngữ tham gia bằng các dự án cụ thể và thiết thực.
TS Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Xe điện được coi là phương tiện giao thông sạch, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, quá trình nạp điện cho hệ thống ăcquy của xe lấy nguồn điện từ lưới điện của các nhà máy điện có sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa và khí tự nhiên). Vì thế xe điện cũng gián tiếp phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính”.
Theo nhóm nghiên cứu, vấn đề khó khăn nhất cản trở sự phát triển của xe điện vẫn là ăcquy và hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện.
Hiện nay ở các nước phát triển có nhu cầu sử dụng xe điện cao, các trạm và nhà để xe ngoài trời tại các cơ quan, công sở hay trung tâm thương mại đều có xu hướng tích hợp hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch này, đồng thời giảm sự tiêu thụ điện từ hệ thống điện.
Trong những năm gần đây, số lượng ôtô điện trong dịch vụ du lịch, taxi, đặc biệt loại xe điện hai bánh (xe đạp, xe máy) tăng nhanh ở các đô thị Việt Nam vì tính tiện lợi, tiết kiệm và thân thiện với môi trường mà mẫu xe này mang lại.
Tuy nhiên phần lớn ăcquy của loại phương tiện này được sạc từ hệ thống điện. Việc thiếu hạ tầng trạm sạc là một nguyên nhân hạn chế sự phát triển của loại phương tiện “xanh” này.
Cung cấp năng lượng sạch để sạc miễn phí cho xe đạp điện và xe máy điện của học sinh tại trường học là mục tiêu trước tiên mà dự án của nhóm nghiên cứu hướng tới. Nhóm kỳ vọng từ đó có thể góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm cho giới trẻ.
Nghiên cứu từ năm 2015 đến nay, song song với việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nhóm nghiên cứu muốn tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức, nhất là nguồn vốn của các doanh nghiệp để tạo điều kiện triển khai mô hình thí điểm trạm nạp dành cho các trường với mong muốn nhân rộng mô hình trạm nạp xe đạp điện tại nhiều trường học sẽ tạo nên mạng lưới các điểm nạp.
Mục đích là khuyến khích việc sử dụng xe điện, góp phần thiết thực giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí.
Không dừng ở đây, ba giảng viên cũng chia sẻ kế hoạch từ những kinh nghiệm có được từ việc phát triển dự án và xu thế sử dụng xe điện xây dựng được, nhóm sẽ phát triển các sản phẩm thương mại hóa về các trạm sạc điện công cộng, ứng dụng năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Các khách hàng tiềm năng chính là người sử dụng xe điện, doanh nghiệp kinh doanh – sản xuất xe điện và EVN trong trường hợp bán điện năng tái tạo.
Bên cạnh các dự án về năng lượng tái tạo, nhóm nghiên cứu cũng đang triển khai song song các nghiên cứu về lưới điện thông minh (Smart Grid) và nhà thông minh (Smart Home).
THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)