Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỳ vọng mới của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM đang gấp rút tu sửa khán phòng và chuẩn bị để ra mắt 2 vở mới là Anh hùng và Hoàng đế Lê Đại Hành ngay trước tết Nguyên đán, như là sự khởi đầu đầy kỳ vọng của nhà hát trong năm mới.

Mở rộng hợp tác

Cả 2 tác phẩm mới – Anh hùng (kịch bản: Vương Huyền Cơ, chuyển thể hát bội: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Danh, đạo diễn: Hoàng Vũ) và Hoàng đế Lê Đại Hành (kịch bản: Đăng Minh, chuyển thể hát bội: NSƯT Linh Hiền, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoài Huệ) – đều được đánh giá tích cực khi khai thác đề tài lịch sử và thể hiện nỗ lực trong việc tìm tòi cái mới, mang đến cảm giác mới mẻ cho người xem.

Vở Hoàng đế Lê Đại Hành tạo nhiều đất diễn cho các diễn viên mới

Vở Hoàng đế Lê Đại Hành tạo nhiều đất diễn cho các diễn viên mới

Trong đó, vở Hoàng đế Lê Đại Hành đánh dấu sự hợp tác giữa nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM với NSND Hoài Huệ – một tượng đài của ca kịch bài chòi miền Trung, đồng thời là một đạo diễn rất thành công trên sân khấu tuồng (hát bội) và dân ca kịch. 

“Các vở diễn do NSND Hoài Huệ dàn dựng đều đậm chất truyền thống của loại hình, thể hiện rất rõ qua âm nhạc và vũ đạo. Trên tinh thần đa dạng hóa phong cách biểu diễn, đồng thời cũng tạo cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm cho nghệ sĩ, nhất là lớp diễn viên trẻ” – Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết. Cũng trên tinh thần mở rộng quan hệ hợp tác nhằm học hỏi kinh nghiệm các nơi, ông đã mời NSƯT – nhạc sĩ Nguyễn Thành Nam từ Hà Nội vào, phụ trách âm nhạc cho vở.

Hoàng đế Lê Đại Hành kể chuyện thập đạo tướng quân Lê Hoàn được thái hậu Dương Vân Nga của triều Đinh trao long bào lên ngôi hoàng đế, mở ra triều đại mới bằng chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược nhà Tống trên sông Bạch Đằng. Với sự góp mặt của những nhân tố mới trong thành phần thực hiện, tuy kể câu chuyện quen thuộc theo sử sách, vở diễn vẫn mang đến cảm giác khá mới lạ qua sự giao thoa giữa phong cách hát bội miền Nam và miền Trung.

Trước đó, đội ngũ thực hiện vở Anh hùng – về hình tượng người anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực – cũng có sự góp mặt của NSƯT, nhạc trưởng Trần Vương Thạch – nguyên Giám đốc nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM – phụ trách âm nhạc.

“Sự nghiệp của NSƯT Trần Vương Thạch gắn với âm nhạc hàn lâm, nhưng ông am hiểu sâu sắc và từng hợp tác thực hiện nhiều tác phẩm sân khấu truyền thống. Mời ông tham gia vở Anh hùng, tôi cũng muốn có thêm sự mới mẻ cho âm nhạc của vở, nhất là phần hòa âm. Qua hợp tác với một nhạc trưởng dạn dày kinh nghiệm, dàn nhạc của chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều và nâng cao tay nghề”, ông Võ Hồ Hoàng Vũ – cũng là đạo diễn vở Anh hùng – chia sẻ.

Trẻ hóa đội ngũ

Với Anh hùng và Hoàng đế Lê Đại Hành, nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM tiếp tục thể hiện định hướng trẻ hóa đội ngũ. Trong đó, Anh hùng khẳng định sự trưởng thành của lớp nghệ sĩ được nhà hát đào tạo tại chỗ trong nhiều năm. Những Bảo Châu, Kiều My, Ngọc Giàu, Anh Thi… đã thực sự vững vàng để các đàn anh đàn chị an tâm lùi lại. 

Hoàng đế Lê Đại Hành thì có sự xuất hiện những gương mặt rất mới. Sau vai Hoàng tôn Đán trong vở Vương quyền, Hà Trí Nhơn tiếp tục được rèn luyện và thử thách với một vai diễn khá nặng vũ đạo và nội tâm. Còn Hoàng Duy là cái tên hoàn toàn mới, đã có được vai diễn chính thức đầu tiên với đất diễn đầy đặn, có điểm nhấn để thể hiện khả năng ca diễn. Thái Điền và Trí Luân cũng có vai diễn phù hợp…

“Hiện nhà hát có 12 diễn viên trẻ đang được tích cực truyền nghề. Với nghề này, cách học hiệu quả nhất là từ thực tế sàn diễn. Chúng tôi chủ trương tạo điều kiện cho các bạn học và hành ngay, từ các suất diễn phục vụ, hát chầu đến sân khấu lớn, để mau chóng tiến bộ” – ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết.

Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM sẽ phục dựng chương trình nghệ thuật Sắc ấn ngọc Nam phương trong năm 2024.

Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM sẽ phục dựng chương trình nghệ thuật Sắc ấn ngọc Nam phương trong năm 2024.

Dự định mới

Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM cho biết, từ tháng 11/2023, nhà hát tu sửa nhiều hạng mục bị xuống cấp. Trong đó có việc thay mới ghế ngồi, làm mới không gian khán phòng rạp Thủ Đô. “Chúng tôi dự kiến công diễn vở Anh hùng và Hoàng đế Lê Đại Hành nhằm chào mừng năm mới tại khán phòng mới. Việc tu sửa khán phòng đang gấp rút tiến hành ở giai đoạn cuối để kịp ra mắt khán giả với diện mạo mới trước tết Nguyên đán” – ông Võ Hồ Hoàng Vũ tiết lộ. Cũng theo ông, trong năm 2024, nhà hát tiếp tục sửa lại trần và các vách. Với cơ sở biểu diễn được tu sửa chỉn chu, nhà hát sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả và hướng đến biểu diễn phục vụ du lịch.

“Năm nay, chúng tôi đã lên kế hoạch phục dựng chương trình nghệ thuật Sắc ấn ngọc Nam phương. Sẽ điều chỉnh nhiều để phù hợp lực lượng biểu diễn cơ hữu của nhà hát hiện nay, cũng như sắc gọn lại nội dung và thể hiện thông điệp rõ hơn về việc tôn vinh và giữ gìn bản sắc nghệ thuật hát bội. Nhà hát đang rất nỗ lực để đưa chương trình nghệ thuật đặc sắc này trở lại và đến được với du khách” – ông Võ Hồ Hoàng Vũ bộc bạch.

Ngoài ra, kịch bản hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975-2025) cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng, chờ ngày lên sàn tập và hoàn thành trong năm 2024. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)