Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỳ vọng sắc màu mới của sân khấu kịch TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Thiên Đăng – “ngôi nhà mới” mà Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc gầy dựng sau khi chia tay sân khấu IDECAF đang thu hút mọi ánh nhìn. Với nhiều người yêu kịch TPHCM, đây vừa là sự nuối tiếc lại vừa là tín hiệu đáng mừng, đáng kỳ vọng đối với sân khấu kịch.

Chờ đợi sự khác biệt 

Không phải là “khán giả ruột” của sân khấu kịch nhưng thời gian qua, chị Tô Ái Liên (quận 1) không bỏ sót tin tức nào về sân khấu Thiên Đăng. Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chị Ái Liên đánh giá cao công tác truyền thông cực kỳ bài bản của sân khấu này. Đáng ngạc nhiên là đến giờ, mọi thông tin chỉ được cập nhật từ Facebook cá nhân của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc, vốn giới hạn trong vòng bạn bè và fanpage sân khấu Thiên Đăng, mà cũng chỉ dừng lại ở thông tin cơ bản nhất. Còn lại, mọi chi tiết đều được bảo mật rất tốt từ chính NSƯT Thành Lộc và các cá nhân xác nhận tham gia sân khấu Thiên Đăng.

Vở nhạc kịch Ai là hung thủ? có sự trở lại của Nghệ sĩ ưu tú Hồng Ánh,  cũng là một gương mặt quen một thời của sân khấu IDECAF

Vở nhạc kịch Ai là hung thủ? có sự trở lại của Nghệ sĩ ưu tú Hồng Ánh, cũng là một gương mặt quen một thời của sân khấu IDECAF

Mới đây, Thiên Đăng công bố sẽ ra mắt với vở Giáng Hương – bản dựng thoại kịch của kịch bản kinh điển Sân khấu về khuya (nguyên gốc là Trong bóng tối hậu trường) của tác giả Nguyễn Thành Châu – Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Năm Châu. Đạo diễn Hồng Dung (con gái NSND Năm Châu, đại diện gia đình giữ bản quyền kịch bản) cũng từ chối tiết lộ thông tin với báo giới, hẹn dịp ra mắt chính thức.
Điều này càng tăng thêm tâm lý tò mò chờ đợi và kỳ vọng của mọi người.

“Tôi nhớ trong một talk show, NSƯT Thành Lộc chia sẻ rất nhiều hoài bão của người nghệ sĩ mà nếu chỉ là “người làm công” thì khó có thể thực hiện được. Cho nên, tôi rất trông chờ những gì Thành Lộc sẽ làm cho sân khấu, khi anh không còn là “người làm công” mà tự chủ trên mảnh đất sáng tạo của mình” – chị Tâm Chiến – một khán giả lâu năm của sân khấu kịch TPHCM – cho biết.

Điều khán giả chờ đợi hơn là với những NSND Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, các nghệ sĩ Tuấn Khôi, Hương Giang, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Tuấn Khải, Phương Dung, Phi Phụng, Trương Hạ, Ngọc Xuyên, Hoàng Giang, Đông Hải, Don Nguyễn, Trang Tuyền… – gần như toàn bộ lực lượng biểu diễn chủ lực trên sân khấu IDECAF trước đây – thì sân khấu Thiên Đăng sẽ mang diện mạo thế nào để không phải là IDECAF 2? 

Dòng chảy sân khấu xã hội hoá vẫn luân chuyển

Đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – hoàn toàn lạc quan khi cho rằng sân khấu kịch xã hội hóa TPHCM vẫn phát triển ổn định từ trước đến nay, dù lúc rầm rộ lúc âm ỉ. Việc nở nồi sàn diễn là đáng mừng khi khán giả có thêm sự lựa chọn. “Như trước đây, chỉ có 5B cho các tài năng trẻ tụ về. Khi đủ lực để theo đuổi con đường riêng thì các anh chị tách ra để có sân khấu IDECAF, có kịch Hồng Vân, kịch Sài Gòn… Sau này, từ IDECAF có Thành Hội – Ái Như ra lập sân khấu Hoàng Thái Thanh, NSƯT Trịnh Kim Chi rời sân khấu Hồng Vân làm sân khấu riêng. Đến nay, NSƯT Thành Lộc chia tay IDECAF lập sân khấu Thiên Đăng, hay nghệ sĩ Xuân Trang cũng từ sân khấu Hồng Vân mà có Xóm kịch cho riêng mình…” – ông Tôn Thất Cần nói.

Sân khấu Thiên Đăng có sự góp mặt của nhiều gương mặt gắn bó lâu năm với sân khấu IDECAF

Sân khấu Thiên Đăng có sự góp mặt của nhiều gương mặt gắn bó lâu năm với sân khấu IDECAF

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thái Dương, “ông bầu” của sân khấu IDECAF và nhà hát Thanh Niên – cho biết, tâm huyết của ông đối với sân khấu vẫn không thay đổi. Nhà hát Thanh Niên được ông thành lập hướng đến một “nhà hát mở” có thể thử nghiệm nhiều loại hình, hình thức sân khấu mới lạ và dành cho người trẻ.

Hiện tại, nhà hát hoạt động khá ổn định với các vở diễn đậm tính giải trí là Thanh xà – Bạch xà: ngàn năm tỉnh mộng, Tình một đêm và Chạy trốn hồn ma. Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý và khá thành công trong việc phát hiện các gương mặt trẻ tiềm năng cho sân khấu, đạo diễn Hồng Ngọc được ông Huỳnh Anh Tuấn đặt nhiều kỳ vọng khi mời về làm quản lý nhà hát Thanh Niên.

Riêng sân khấu IDECAF, bên cạnh các vở diễn mới: Bí mật giếng làng Khủm, Ai là hung thủ? (tên cũ là Em em chị chị), Bất ngờ chưa bà già?, các vở Thuốc đắng giã tật, Sắc màu, Tơ duyên được phục dựng với nhiều đổi mới cũng được đón nhận. Lực lượng diễn viên cũng khá mạnh với Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Trung Dân, Hồng Ánh, Bảo Trí, Ngọc Trinh, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Phạm Yến… “Qua 26 năm, sân khấu IDECAF sở hữu nguồn kịch bản khá phong phú, trong đó có nhiều vở hay mà khán giả hôm nay chưa xem được. Chúng tôi đang xem xét để dựng lại” – ông Huỳnh Anh Tuấn nói đồng thời cho biết dù có xáo trộn thì sân khấu vẫn phải vượt qua và có hướng đi cho mình.

Theo tác giả Vương Huyền Cơ, càng thêm người nhiệt huyết làm sân khấu thì càng mừng. Hy vọng khi nở nồi, các sân khấu phải thể hiện được chất lượng tương xứng, cho thấy được sự tươi mới trong tư duy nghệ thuật, có được lượng khán giả mới với yêu cầu cao hơn chứ không đơn thuần di chuyển khán giả từ điểm diễn A sang điểm diễn B. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)