Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ vọng tạo sức bật vượt trội cho TP.HCM trong năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2024-2025, TP.HCM có trên 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 24.000 học sinh so với năm học trước. Dù còn nhiều khó khăn song năm học 2024-2025 được đánh giá là năm học mà ngành giáo dục thành phố có nhiều lợi thế để tạo ra sức bật vượt trội.

Năm học mới, nhiều công trình trường học thuộc Đề án 4.500 phòng học về đích. Trong ảnh là phòng học mới khang trang của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Bình Tân)

Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng khép lại 1 vòng Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở cả 12 khối lớp từ tiểu học đến THPT. Đây được xem là năm học bản lề để ngành giáo dục đánh giá lại quá trình thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới SGK theo NQ29 của Quốc hội, đồng thời thực hiện theo Kết luận số 91/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đề án 4.500 phòng học về đích

Mỗi năm, TP.HCM dành từ 20-25% ngân sách thành phố đầu tư cho giáo dục. Chính vì thế, hiện nay cơ sở vật chất trường lớp của thành phố từ nội thành đến ngoại thành đều khang trang, sạch đẹp. Tỷ lệ phòng học tạm gần như bằng không.

Riêng trong năm học 2024-2025 là năm mà hàng loạt các công trình, dự án trường học mới thuộc Đề án 4.500 phòng học của ngành giáo dục thành phố “về đích” được đưa vào sử dụng, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2025).

Cơ chế chính sách đặc thù riêng của TP.HCM sẽ tạo thêm sức bật cho ngành giáo dục thành phố trong năm học mới

Theo tính toán, mỗi năm thành phố ước tính tăng thêm 25.000 học sinh, tỷ lệ học sinh không có hộ khẩu thành phố là trên dưới 21%. Do đó, Đề án 4.500 phòng học trở thành cú hích trước nhất để thành phố, đặc biệt là các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh giải bài toán về áp lực học sinh, giảm tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày…, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bình Tân là “điểm nóng” về sĩ số học sinh hàng năm, thế nhưng ngày khai giảng năm học 2024-2025, địa phương này cùng lúc đưa vào sử dụng 7 dự án công trình trường học mới. Trong số đó có tới 5 dự án là trường tiểu học…

“Năm học mới Bình Tân sẽ không còn trường tiểu học “siêu to khổng lồ” với hơn 100 lớp và trên 5.000 học sinh nữa. Thay vào đó, những trường học mới sẽ san sẻ áp lực sĩ số học sinh, làm giảm áp lực cho thầy cô. Được dạy và học trong những ngôi trường còn thơm mùi sơn mới, ai cũng phấn khởi về một năm học với nhiều thắng lợi mới” – ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân phấn khởi.

Những cơ chế chính sách mạnh đặc thù của riêng TP.HCM

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên ngành giáo dục TP.HCM sẽ triển khai Nghị định 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trong đó, lần đầu tiên Chính phủ trao phân cấp cho UBND TP có thẩm quyền:

TP.HCM có nhiều điểm sáng trong tuyển dụng giáo viên

“Phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp thực hiện trong liên kết giáo dục với nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, bảo đảm tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ, bảo đảm các tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Xây dựng thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố”.

Như vậy, với việc nghiên cứu áp dụng Nghị định 84 về thí điểm phân cấp đối với giáo dục trong năm học 2024-2025 được kỳ vọng không chỉ giúp thành phố tạo thêm những điểm sáng, những mô hình đột phá trong giáo dục mà còn là cơ chế để ngành giáo dục thành phố gỡ những điểm nghẽn của giáo dục bấy lâu nay như liên kết giáo dục, hợp tác đầu tư, thu hút và tuyển dụng…

Năm học mới, TP.HCM tiếp tục kế thừa thành quả xây dựng trường học hạnh phúc

Đặc biệt, năm học 2024-2025 cũng là năm đầu tiên mà TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thữ 2, tiên phong trong cả nước theo Kết luận số 91/2024 của Bộ Chính trị.

Với lợi thế là địa phương sớm đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở trường tiểu học và sự đa dạng trong các loại hình giảng dạy, hiệu quả của Đề án 5695… TP.HCM không thiếu những điều kiện thuận lợi để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học đã “chạm” đến việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 khi tỷ lệ học sinh đạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế lên đến 70%; có nhiều trường THPT tỷ lệ học sinh lớp 12 có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS từ 4.5 trở lên lên đến 90%…

Tuy vậy, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền – chuyên gia giáo dục – cho rằng, khi xây dựng các tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, TP.HCM cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ việc dạy tiếng Anh là ngoại ngữ với việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.

Đồng thời, quan tâm xây dựng tiêu chí đối với các trường có điều kiện, lợi thế và các trường vùng xa, ngoại thành, để làm sao không dẫn đến tình trạng “nước chảy chỗ trũng”…

Điểm sáng trong tuyển dụng giáo viên

Năm học 2024-2025, lần đầu tiên TP.HCM tuyển dụng được gần 97% giáo viên so với nhu cầu cần tuyển. Trong đó, có nhiều môn hàng năm rất khó tuyển, thậm chí không có ứng viên dự tuyển như mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh, tin học.

Năm nay, TP.HCM tiếp tục mở rộng phân cấp tuyển dụng thêm cho 9 trường THPT ở huyện ngoại thành và TP.Thủ Đức, tăng số đơn vị tự chủ lên đến 29 đơn vị; Đồng thời tiếp tục phân cấp đến hơn 2.000 đơn vị trường học toàn thành phố. Điều này giúp thành phố tự chủ trong tuyển dụng giáo viên…

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, sự khởi sắc trong công tác tuyển dụng của ngành giáo dục đến từ rất nhiều yếu tố, phần nhiều trong đó là chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc. TP.HCM là địa phương duy nhất có Nghị quyết 08/2023 (từ năm 2018 là Nghị quyết 03) về chi thu nhập tăng thêm, cùng hàng loạt nghị quyết đặc thù dành cho giáo dục mầm non; Nghị quyết 02/2021 về khen thưởng giáo viên…

Hiện, ngành giáo dục đang tiếp tục đề xuất nghị quyết cơ chế đặc thù dành cho giáo viên tiểu học ở các bộ môn khó tuyển dụng.

Đối với môi trường làm việc, TP.HCM trao quyền tự chủ, sáng tạo cho đội ngũ, tạo điều kiện để giáo viên trẻ được thể hiện năng lực, đáp ứng yêu cầu về đổi mới.

Kế thừa những thành quả của năm học 2023-2024

Lợi thế của TP.HCM trong năm học 2024-2025 còn đến từ việc kế thừa những thành quả mà ngành giáo dục thành phố đã làm rất tốt trong năm học vừa qua.

Đó là việc xây dựng trường học hạnh phúc; xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bao trùm trong mọi hoạt động giáo dục mỗi nhà trường; việc đổi mới đồng bộ về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá; đặc biệt là chuyển đổi số giáo dục…

Trên hết, một dấu son không thể không nhắc tới đó là việc TP.HCM được UNESCO vinh danh là thành phố học tập toàn cầu vào tháng 2-2024.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, những thành quả trong năm học vừa qua trở thành nền tảng để ngành giáo thành phố tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện trong năm học 2024-2025. Mở ra nhiều lợi thế hơn nữa, trong đó không chỉ đảm bảo quyền học tập cho mọi học sinh thành phố mà ở đó còn là môi trường giáo dục mỗi ngày học sinh, giáo viên đến trường đều là mỗi ngày vui, mỗi ngày hạnh phúc…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)