90 quốc gia và tổ chức đăng ký tham gia hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine tại Thụy Sĩ
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo Đức, Ý, Anh, Canada và Nhật Bản nằm trong số khách mời dự kiến đến Thụy Sĩ trong ngày 15 và 16-6.
Ấn Độ, nước góp phần giúp Moscow vượt qua cú sốc trừng phạt kinh tế, cũng sẽ cử một phái đoàn. Tương tự là sự có mặt của đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, những quốc gia duy trì quan hệ gần gũi với Nga. Ở châu Á, Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đông Timor, Indonesia… đã xác nhận tham dự trong khi Malaysia và Campuchia vắng mặt.
Trước hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đạt được một số hậu thuẫn, nổi bật nhất là việc ông ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Ý hôm 13-6.
Ý tưởng về hội nghị thượng đỉnh nói trên được đưa ra sau khi ông Zelensky trình bày kế hoạch hòa bình 10 điểm vào cuối năm 2022.
Đề xuất này ban đầu thu hút được sự quan tâm của Trung Quốc và một số nước lớn từ nhóm quốc gia "Global South" (tạm dịch: Nam bán cầu) vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, cuộc xung đột Gaza nổ ra vào tháng 10 cùng năm đã khiến động lực này vơi đi.
Cảnh sát tại một trạm kiểm soát gần khu nghỉ dưỡng Buergenstock – Thụy Sĩ hôm 14-6. Ảnh: Reuters
Bất chấp nhiều tháng vận động tích cực của Ukraine, một số nước không có mặt tại Thụy Sĩ, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ chính của Nga và là nhà cung cấp hàng hóa giúp Moscow duy trì sản xuất.
Trung Quốc cùng với Brazil đang thúc đẩy một kế hoạch hòa bình riêng cho Ukraine, kêu gọi sự tham gia của cả Kiev và Moscow. Trả lời câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết quan điểm của họ về hội nghị Thụy Sĩ là "công bằng, chính đáng và cởi mở".
"Trung Quốc đã liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm Thụy Sĩ và Ukraine, đồng thời khuyến khích sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên tại hội nghị cũng như thảo luận công bằng về mọi kế hoạch" – người phát ngôn Lin Jin cho biết hôm 14-6.
Bên cạnh việc bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của Trung Quốc, Nga đồng thời tuyên bố hội nghị ở Thụy Sĩ là "vô giá trị".
Tại cuộc họp ngày 14-6 với Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu các điều kiện để bắt đầu đàm phán hòa bình với Ukraine. Quan trọng nhất trong số đó, theo ông chủ Điện Kremlin, là Ukraine "phải rút quân ra khỏi các khu vực mới của Nga", bao gồm các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye.
Ngoài ra, đài RT dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định Ukraine phải "chính thức thông báo với Nga rằng họ không còn kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Ukraine đang trải qua những "cơn gió ngược", bao gồm khó khăn nơi tiền tuyến và sự hỗ trợ từ các đồng minh bị chậm lại khi xung đột đã kéo sang năm thứ ba. Theo Reuters, hội nghị tại Thụy Sĩ dự kiến không tập trung nhiều vào vấn đề lãnh thổ, thay vào đó là các phần khác trong kế hoạch của ông Zelensky như bảo đảm an ninh lương thực, an toàn hạt nhân, tự do đi lại và trao đổi tù nhân.
Một nội dung bàn thảo quan trọng khác là địa điểm và thời gian tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo. Phía Thụy Sĩ cho biết họ muốn hội nghị thượng đỉnh Buergenstock mở đường cho "tiến trình hòa bình trong tương lai" mà Nga sẽ tham gia.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)