Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỳ vọng vào lớp diễn viên cải lương trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các khâu từ sáng tác kịch bản, chuyển thể kịch bản cải lương, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu…

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2021 (từ ngày 5 đến 20-11-2022, lùi một năm do dịch COVID-19) vừa khép lại tại TP Tân An, tỉnh Long An, được giới chuyên môn đánh giá là liên hoan có chất lượng cao, nhiều sắc màu nhất từ trước đến nay.

Một thế hệ trẻ giàu nội lực

Liên hoan do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức, đã thu hút gần 1.000 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên múa đến từ 22 đơn vị, với 27 tác phẩm đủ các chủ đề, phong thái. Đáng chú ý, lực lượng nghệ sĩ của TP HCM tham gia liên hoan có tuổi đời rất trẻ, tất cả đều dưới 35 tuổi.

Theo các nhà chuyên môn liên hoan lần này là dịp để các đạo diễn "khoe" nghề, các diễn viên trẻ thi thố tài năng diễn xuất. Các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả Long An nhiều câu chuyện rất thú vị như: "Câu hò đất mẹ" và "Ngược gió" (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); "Một phút một thời" (Hội Sân khấu TP HCM); "Duyên kiếp" (Công ty TNHH Giải trí Sân khấu Kim Ngân); "Truyền thuyết chàng Sa Mộc" (Công ty TNHH Tổ chức Biểu diễn Song Việt); "Chân dung người mở cõi" (Công ty TNHH Sự kiện và Giải trí We); "Vua thánh triều Lê" (Sân khấu Sen Việt); "Người thiếu phụ Nam Xương" (Công ty TNHH Nghệ thuật Việt Star); "Huyền thoại gò Rồng ấp" và "Nguyễn Cầm Ca – Kiều" (Nhà hát Cải lương Việt Nam); "Thái sư Trần Thủ Độ" (Nhà hát Cao Văn Lầu); "Phận má hồng" (Nhà hát Cải lương Hà Nội); "Sứ mệnh" (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai); "Bên dòng Long Khốt" (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An)…

Những người trong cuộc cho rằng liên hoan lần này đã trình làng nhiều tài năng trẻ, dự báo sẽ là nguồn lực chính của sân khấu cải lương trong thời gian tới. Chẳng hạn như khả năng ứng biến tài tình của nghệ sĩ Bình Tinh trong vai Hạ Kiều (vở "Vương đạo – Vua thánh triều Lê"). Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thanh Toàn vai Nguyễn Lê cũng trong vở "Vương đạo – Vua thánh triều Lê" là hình ảnh của một vai kép lão tinh tế. Nghệ sĩ Võ Minh Lâm với vai chàng Sa Mộc xuất sắc từ hình thể đến phong cách ca diễn đầy sức hút.

"Đông đảo khán giả đã đến xem, các nghệ sĩ cũng đã thể hiện niềm đam mê cháy bỏng để được cống hiến, mong muốn được đóng góp cái mới cho nghệ thuật. Có thể thấy đã lộ diện một thế hệ diễn viên trẻ giàu nội lực kế thừa di sản cải lương" – NSND Thoại Miêu vui mừng bày tỏ.

Kỳ vọng vào lớp diễn viên cải lương trẻ - Ảnh 1.

NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Võ Minh Lâm (phải) trong vở “Truyền thuyết chàng Sa Mộc” của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt – vở diễn được dư luận đánh giá cao. Ảnh: Thanh Hiệp

Những điều cần thay đổi

Các nhà chuyên môn cũng thẳng thắn cho rằng bên cạnh lớp diễn viên trẻ nhiều hứa hẹn, Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2021 cũng bộc lộ một số hạn chế cần sớm thay đổi.

Đầu tiên là khâu kịch bản về đề tài đương đại khá khan hiếm, có đoàn nỗ lực dàn dựng nhưng làm chưa tới. Có đoàn bê gần như nguyên xi cách dàn dựng cũ của 2 thập niên trước, rồi lồng vào đó cảnh phục hiện (vở "Một thời để nhớ"). Hoặc vở "Dạ cổ hoài lang" chuyển thể từ kịch sang cải lương đã làm mất đi ít nhiều tính nhân văn vốn có của cố tác giả Thanh Hoàng.

Thứ đến là nhiều vở chuyển tải những câu chuyện về nhân vật lịch sử nhưng lại rơi vào cách kể chuyện dông dài, có vở diễn kéo dài gần 2 giờ 45 phút, khiến khán giả "sốt ruột" bỏ về khi chưa hết vở.

Dù ban tổ chức liên hoan đã đề ra 3 tiêu chí cho các vở diễn tham gia là phải bảo đảm tính tư tưởng, tính nghệ thuật, tính quần chúng song vẫn có không ít vở diễn không chú trọng vào 3 tiêu chí này. Có nhiều vở còn nặng tính tư tưởng chỉ để tham gia dự thi, tính nghệ thuật và quần chúng không cao, do vậy những vở diễn này sẽ rất khó công diễn bán vé sau khi kết thúc liên hoan.

Các vở: "Huyền thoại gò Rồng ấp"; "Nguyễn Cầm Ca – Kiều", "Truyền thuyết chàng Sa Mộc", "Vương bạo – Vua thánh triều Lê", "Câu hò đất mẹ"… đã có sự đột phá trong âm nhạc, có sự đầu tư để giới thiệu một hình ảnh âm nhạc cải lương mới vừa mang tính hiện đại, vừa giữ được nét truyền thống dân tộc.

Tiếc rằng những sự cách tân âm nhạc này chưa được quan tâm nhiều, đa phần các vở diễn đều dùng âm nhạc theo lối mòn cũ.

Nhiều nhà chuyên môn kỳ vọng sau liên hoan, đội ngũ nghệ sĩ các khâu sáng tác, đạo diễn, diễn viên, thiết kế, âm nhạc… sẽ tiếp tục cùng chung tay góp sức để mang lại cho sàn diễn những tác phẩm chất lượng cao, bán được vé, qua đó thiết thực giúp bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống cải lương.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)