Ngành kỹ xảo điện ảnh trong nước những năm qua cho thấy tiềm năng phát triển đáng kể, khi nhân lực Việt góp mặt trong “bom tấn” nước ngoài ngày càng nhiều. Thế nhưng với phim Việt, kỹ xảo lại không phải là thế mạnh.
Có nội lực, nhưng…
Xem hết phần giới thiệu thành phần làm phim Black Panther 2: Wakanda Forever, nhiều fan điện ảnh tinh mắt phát hiện loạt tên người Việt xuất hiện bên cạnh nhiều cái tên quốc tế. Được biết, các nhân sự Việt tham gia thực hiện khâu kỹ xảo hình ảnh (Visual Effects hay VFX) cho bộ phim này đến từ A Virtuos Studio.
Hàng loạt tên người Việt góp mặt trong bom tấn Black Panther 2: Wakanda Forever
10 năm trở lại đây, Việt Nam dần trở thành nguồn thuê ngoài đáng tin cậy trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh của nhiều sản phẩm bom tấn nước ngoài. Một số studio có nhân sự Việt được các nhà sản xuất phim uy tín giao thực hiện phần hậu kỳ phức tạp cho các phim lớn như The Avengers: Infinity World (Marvel), Sweet Home, Squid Game, All of us are dead (Netflix), Maya and the last dragon, Encato (Disney).
Việt Nam sắp có phim đầu tiên bối cảnh ngoài không gian Bên lề hội thảo “Xây dựng nền công nghiệp VFX và hoạt hình vững mạnh tại Việt Nam, Thái Lan, Pháp”, ông Charlie Nguyễn hé lộ việc sắp tới sẽ sản xuất phim Trên quỹ đạo – bộ phim Việt đầu tiên lấy bối cảnh ngoài không gian. “Kịch bản do biên kịch Hàn Quốc viết, dự kiến bấm máy vào tháng Năm năm sau, và ra rạp vào năm 2024. Giai đoạn chuẩn bị đã tiến hành 2 năm nay. Với phim có nhiều kỹ xảo, khâu hậu kỳ được làm trước khi bấm máy. Đây sẽ là bộ phim độc đáo, mới lạ về bối cảnh, cách kể, âm nhạc”. Theo đạo diễn Huy Anh, phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, tình cảm, xoay quanh mối quan hệ giữa một chàng trai làm việc trên trạm không gian và một cô gái yêu âm nhạc sống ở mặt đất |
Nói để thấy, ngành kỹ xảo trong nước có thừa nội lực, nhưng nghịch lý là kỹ xảo lại không phải là thế mạnh trong phim Việt. Số phim Việt được đánh giá cao khâu kỹ xảo như những tác phẩm kể trên đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều bị chê sơ sài, lạc hậu. Nhiều phim Việt ra rạp khiến người xem ngán ngẩm, vì kỹ xảo như thời thập niên 2000. Kinh phí là lý do cho sự yếu kém này.
Đạo diễn – nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn cho biết: “Kinh phí thấp so với cái muốn làm, nên nhà làm phim phải tự giới hạn sáng tạo, vì nghĩ ra mà không đủ tiền làm thì cũng như không. Ngân sách phim nước ngoài có thể chi cả trăm triệu đô cho kỹ xảo, còn phim Việt kinh phí chỉ có 1 triệu đô cho cả phim, thì khó đòi hỏi. Kỹ xảo cho 1 shot hình vài giây có thể phải cả trăm người làm, tiền lương tính theo giờ, nhân lên rất tốn”.
Kinh phí dành cho phim có hạn cũng có nguyên nhân do thị trường Việt Nam nhỏ. Phim Việt thắng lớn phòng vé rất hiếm, đa phần là thua lỗ, may mắn mới hòa vốn. Do đó, ít nhà làm phim nào dám mạo hiểm chịu chi, nói gì đến đầu tư lớn cho khâu kỹ xảo. Thể loại khoa học viễn tưởng – đất dụng võ của kỹ xảo – cũng không phải là gu của khán giả Việt. Dù vậy, ngành này vẫn có tiềm năng phát triển, vì hiện nay, bất cứ phim thể loại nào cũng dùng kỹ xảo, dù ít hay nhiều.
Đông tay mới vỗ nên kêu
Tiềm năng có thừa, nhưng ngành kỹ xảo điện ảnh Việt chưa đủ mạnh vì còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Anh Thierry Nguyễn – đồng sáng lập Bad Clay Studio – chỉ ra điểm mạnh và hạn chế của ngành này: “Lợi thế là có nguồn nhân lực giỏi, trẻ, năng động, dễ dàng thích ứng và làm quen với các công nghệ mới. Tuy nhiên, khâu đào tạo chưa mạnh. Thiếu nhiều trường lớp và thiếu những sự kiện để ngành này được nhiều người biết đến và chọn học. Bản thân các studio cũng cần có sự liên kết với nhau. Hiện nay, mọi thứ chỉ dừng ở mức chia sẻ các dự án trong phạm vi các studio đã quen biết sẵn. Nếu có hiệp hội, các studio sẽ được kết nối tốt hơn, từ đó có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước”. Ông Charlie Nguyễn cũng nói thêm: “Các studio, nhà trường và những người làm phim cần gắn bó với nhau hơn để tiếng nói tạo được sức ảnh hưởng đến Chính phủ. Có vậy mới mong được Nhà nước hỗ trợ”.
Hành trình các studio bắt tay nhau và sau đó được chính phủ tiếp sức ở các nước khác thực ra cũng không hề dễ. Điều này được đại diện Hiệp hội VFX Pháp – ông Yann Marchet, và đại diện Hiệp hội Đồ họa vi tính và hoạt hình Thái – cô Cherry Onmadee Purapati tiết lộ tại hội thảo “Xây dựng nền công nghiệp VFX và hoạt hình vững mạnh tại Việt Nam, Thái Lan, Pháp” (Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với cộng đồng Việt Nam VFX & hoạt hình, Học viện MACC và AIOI Studio tổ chức) diễn ra cuối tuần qua.
Theo đó, thời gian ban đầu, các studio không được chính phủ quan tâm, cho đến khi những người làm nghề tự kết nối với nhau, và chung tay tổ chức nhiều sự kiện chuyên môn để gây chú ý. Hiện nay ở Thái, các sự kiện trong ngành kỹ xảo, hoạt hình được nhiều đơn vị nhà nước hỗ trợ, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao. Chính sách thuế cũng là yếu tố quan trọng giúp xây dựng ngành kỹ xảo lớn mạnh.
Ông Yann Marchet cho biết: “1 trong những điều quan trọng cần làm là cho phép hoàn thuế đối với hoạt động sản xuất quốc tế với mức 10%. Tỉ lệ hoàn thuế sẽ lên đến 30% hoặc 40% nếu số tiền được nhà sản xuất quốc tế chi để làm VFX ở Pháp nhiều hơn 2 triệu euro”.
Qua rồi thời các nhà làm phim Việt phải đem phim sang nước ngoài làm hậu kỳ. Trình độ làm kỹ xảo trong nước đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng để phát triển tương xứng với tiềm năng vẫn còn cần thêm thời gian. Có điều, thời gian ấy mất bao lâu, thì ngay cả người trong cuộc cũng khó đoán định!
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)