Mỗi vụ án khép lại với hình phạt thích đáng dành cho thủ phạm là cả một hành trình dài với rất nhiều công sức và thời gian. Thế nhưng hơn 5 năm qua, các luật sư của Chi hội Luật sư (thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) vẫn âm thầm, tự nguyện đồng hành cùng hàng chục trẻ em bị xâm hại, bạo hành… đi đòi công lý.
Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3
Miệt mài đòi công lý cho trẻ
Nhanh tay ghi lại nội dung cuộc trò chuyện và địa chỉ của người gọi tới, cúp điện thoại, luật sư trực đường dây nóng lập tức báo lên nhóm trực tuyến của Chi hội Luật sư. Nội dung là lời kêu cứu của một bà mẹ có con gái mới 11 tuổi, bị người thân bên nội xâm hại dẫn đến có thai hơn 30 tuần tuổi, ở huyện Cần Giờ… Nhận được thông tin, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, lập tức phân công người liên hệ gia đình nạn nhân. Những luật sư nhận nhiệm vụ nhanh chóng đến gia đình nạn nhân ghi nhận thông tin, tư vấn, liên hệ địa phương, hỗ trợ thủ tục tố cáo, thu thập chứng cứ để chuẩn bị cho quá trình giúp bé đòi công lý.
Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ mà Chi hội Luật sư đã tiếp nhận và hỗ trợ trong những năm qua. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, các cuộc điện thoại gọi đến Chi hội Luật sư chủ yếu là kêu cứu. Khi là người mẹ, người bà gọi đến nhờ giúp con, cháu họ – một nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, bạo hành. Cũng có khi là lời kêu cứu của chính những người phụ nữ – nạn nhân của bạo lực gia đình. Mỗi năm Chi hội Luật sư nhận hơn 100 cuộc gọi như thế.
Có con được Chi hội Luật sư bảo vệ, đòi lại công bằng, chị M.T.T.H. (ngụ quận Tân Bình) trải lòng: “Các cô chú luật sư nhiệt tình với gia đình tôi như người thân ruột thịt. Cần gì, vướng mắc chỗ nào, tôi chỉ cần điện thoại là có người hỗ trợ liền mà không mất bất cứ khoản chi phí nào. Tấm lòng của các cô chú luật sư, gia đình tôi luôn ghi nhớ”.
Ở mỗi vụ án, dù đòi được công bằng cho các cháu nhưng đọng lại trong lòng những luật sư tham gia là sự tổn thương, là những mất mát mà họ đọc được trong ánh mắt của những đứa trẻ và gia đình, người thân, là sự trăn trở với những chuỗi ngày tháng sau này của các cháu. Chính sự trăn trở ấy đã thôi thúc các luật sư, dù khó khăn mấy cũng quyết không bỏ cuộc, phải đấu tranh đến cùng. Từ đó có những vụ việc phải huy động đến 4 luật sư tham gia, mất hàng năm trời và đi lại hàng chục lần nhưng các luật sư vẫn kiên trì đeo bám.
Theo Chi hội phó Chi hội Luật sư Nguyễn Sơn Lâm, chi hội không chỉ hoạt động ở TPHCM mà bất cứ nơi nào có trẻ em bị xâm hại, bạo hành tìm đến thì các luật sư sẽ lên đường hỗ trợ. Nhờ vậy mà nhiều trẻ em ở các tỉnh, thành lân cận đã được các luật sư hỗ trợ, đòi được công lý.
Nỗ lực bảo vệ các em
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết, trước nhu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền trẻ em, nhất là các vụ việc trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, bạo hành trên địa bàn thành phố, năm 2014, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã thành lập Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM. Hoạt động trọng tâm của chi hội là tư vấn, trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những trẻ em là nạn nhân của các hình thức bạo lực, ngược đãi, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Ban đầu, chi hội chỉ có 10 luật sư tham gia. Với tiêu chí hoạt động giàu tình nhân ái, chi hội thu hút thêm nhiều luật sư trẻ, luật sư lớn tuổi, thẩm phán về hưu giàu kinh nghiệm. Hiện chi hội đã có hơn 30 luật sư cùng chung tay bảo vệ trẻ em. Theo luật sư Nguyễn Sơn Lâm, các luật sư đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, bằng tấm lòng và kiến thức của mình để giúp trẻ em yếu thế. Không chỉ tư vấn, hỗ trợ tố tụng miễn phí, bỏ tiền túi trả chi phí ăn ở, đi lại, các luật sư còn hỗ trợ học phí cho những cháu có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường.
Gắn bó với chi hội từ những ngày đầu, tiếp xúc với hàng chục trẻ em bị xâm hại, bạo hành, luật sư Đỗ Ngọc Thanh nhận định, nạn nhân nhỏ tuổi của các vụ xâm hại, bạo hành chủ yếu là con em các gia đình khó khăn, sinh sống trong các khu dân cư lao động. Vì vậy, ngoài tuyên truyền cho các em biết cách tự bảo vệ mình thì việc tuyên truyền cho phụ huynh cũng là vấn đề cốt lõi mà chi hội hướng đến. Bởi lẽ, không ít phụ huynh thiếu hiểu biết, dù nhìn thấy những hành vi quấy rối tình dục trẻ nhưng do không nhận thức được nên thiếu cảnh giác.
Từ năm 2017 đến nay, ngoài tư vấn, hỗ trợ tố tụng, Chi hội Luật sư còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật như Luật Trẻ em và các kỹ năng phòng chống xâm hại tại các trường học, khu dân cư, khu nhà trọ. Hình thức tuyên truyền đa dạng, dễ hiểu, cụ thể hóa bằng những phiên tòa giả định. Đến nay, Chi hội Luật sư đã tổ chức gần 80 buổi tuyên truyền, trực tiếp can thiệp hơn 50 trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo hành. Ngoài ra, Chi hội Luật sư đã hỗ trợ 61 trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi làm giấy khai sinh, 64 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường…
Với những đóng góp của mình, Chi hội Luật sư được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tuyên dương điển hình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019-2020.
Chi hội Luật sư đã đứng ra làm cầu nối, chuyển các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bạo hành đến nơi tạm lánh an toàn như Ngôi nhà hạnh phúc (quận 9). Nhờ vậy, các em nhanh chóng quên đi quá khứ, được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và được đến trường. Chi hội Luật sư cũng vừa ký giao kết với Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tuyên truyền pháp luật, làm phiên tòa giả định về buôn bán người ở các vùng biên giới, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và cảnh giác của người dân.
|
PHƯƠNG UYÊN (theo SGGP)
Bình luận (0)