Là giáo viên phải biết kiềm chế và kiên nhẫn, dùng phương pháp giáo dục đúng đắn để giáo dục học sinh chứ không nên có hành vi bạo lực với học sinh vì bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Trương Đình Mậu – Phó Cục trưởng, phụ trách Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở Bộ GD-ĐT về vấn đề giáo viên đánh học sinh hiện nay.
Trong thời gian vừa qua, dư luận đã rất bức xúc về nhiều trường hợp giáo viên xúc phạm học sinh rất nghiêm trọng như “Thầy đánh trò như tra tấn” tại trường THPT Tư thục Hồng Đức, cơ sở tại quận Tân Phú, TPHCM; cô giáo nhéo vào chỗ kín của học sinh nam; cô giáo tát, cấu tai học sinh…Khi biết những thông tin này thì ông suy nghĩ gì?
Tôi buồn!. Nhưng đây chỉ là vài trường hợp cá biệt trong hơn 1 triệu giáo viên đang giảng dạy cho trên 22 triệu học sinh trên cả nước. Dư luận cũng đừng hiểu vì một số trường hợp cá biệt trên mà nghĩ sai cho cả đội ngũ giáo viên. Rất dễ có ấn tượng rằng đội ngũ nhà giáo đang hỏng hết. Bên cạnh đó, có hàng ngàn giáo viên đã hy sinh bản thân mình vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục. Chúng ta nên hướng tới vấn đề nhân bản hơn.
Theo quy định của Luật giáo dục, giáo viên không được xâm phạm đến thân thể, tinh thần của học sinh, bất kể những hành động nhỏ như cấu véo, mắng mỏ… học sinh đều vi phạm quy định đạo đức nhà giáo.
Nhiều thầy cô giáo quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên họ cứ theo đó để làm, ông nghĩ thế nào?
Đó là quan niệm ngày xưa, đã trở thành tiềm thức trong dân gian, không chỉ trong nhà trường mà cả trong gia đình nên không thể một sớm một chiều thay đổi.
Bây giờ nhà trường của thế kỷ 21 nên có khác với nhà trường thế kỷ trước nhưng thiên chức cơ bản của nhà trường vẫn được bảo tồn: trao truyền các giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại, đào tạo dạy dỗ, hình thành nhân cách cho con người và bồi dưỡng lực lượng lao động xã hội, đội ngũ kế tiếp cho tương lai. Do vậy, trong quan hệ giữa người với người, cùng với sự phát triển của xã hội theo hướng ngày một văn minh hơn, thì bạo lực không thể chấp nhận được, mà phải phát huy bản tính tốt đẹp của con người, sự hướng thiện của con người bằng con đường giáo dục.
Một số giáo viên đánh học trò vì không làm bài, vì không tôn trọng thầy, cô. Đây là cách hành xử kiểu của bố mẹ trong gia đình với con cái. Nhưng lại không đúng trong cách cư xử ở trong nhà trường. Bộ đã ban hành Quy định đạo đức nhà giáo và phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, điều này đã mang lại thay đổi đáng kể trong cách cư xử trong nhà trường, nhưng để thay đổi quan niệm “thương cho roi, cho vọt” thì phải có thời gian.
Đối với gia đình, tôi nghĩ rằng đừng phó mặc con cho nhà trường dạy bảo tất cả và từ bỏ suy nghĩ “trăm sự nhờ thầy”, con em họ hư, thầy cứ trách phạt, cứ đánh đòn, gia đình không có ý kiến gì. Như thế có nghĩa là đổ hết trách nhiệm lên nhà trường. Nhưng thực ra, trách nhiệm của nhà trường chỉ có một phần. Trong giáo dục học sinh, mô hình gia đình – nhà trường – xã hội luôn gắn liền với nhau. Nhưng vai trò gia đình cực kỳ quan trọng. Giáo dục hằng ngày thông qua việc làm, nói chuyện giữa con cái với bố mẹ. Bố mẹ phải là tấm gương cho con noi theo. Chứ không thể để nhà trường cứ ra đòn roi đi là học sinh sẽ nên người. Như thế là không được.
Với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ xử lý như thế nào thưa ông?
Luật giáo dục đã quy định giáo viên không được quyền đánh học trò dưới bất cứ hình thức nào. Không được xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của học trò. Nhưng phải căn cứ vào trường hợp cụ thể, phải nắm chắc bản chất, tình tiết của sự việc để xử phạt đúng người đúng mức độ vi phạm.
Những trường hợp cá biệt quá thì phải xử lý nghiêm minh để làm gương.
Ông có lời khuyên gì đối với giáo viên để không xảy ra tình trạng đánh học trò như hiện nay?
Học sinh trong độ tuổi phát triển nên tâm, sinh lý đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó, có những học sinh do hoàn cảnh xuất thân, cá tính đặc biệt, khó giáo dục nên gia đình phải hỗ trợ rất nhiều, giáo viên phải hết sức kiên nhẫn. Bố mẹ và giáo viên đều phải là tấm gương tốt để các em thấy hành vi không đúng của mình là không nên lặp lại.
Là giáo viên phải biết kiềm chế và kiên nhẫn, dùng các phương pháp giáo dục đúng đắn, đừng để bực tức bộc phát lên, có hành vi bạo lực, vì bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Học sinh sẽ dùng hành vi đó để hành xử tiếp với người khác, kể cả trong nói năng.
Nếu giáo viên nào không rèn luyện được đức tính kiên nhẫn thì rất khó trở thành nhà giáo tốt.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh / Dan Tri
Bình luận (0)