Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lạ lùng chuyện nhậu online!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhậu nhẹt dường như là một phần không thể thiếu của nhiều người trẻ. Đôi khi vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu. Nhưng thật lạ nếu ta thấy họ nhậu online!
Nhậu online để tìm niềm vui /// Ảnh: Tấn Hiệp
Nhậu online để tìm niềm vui. ẢNH: TẤN HIỆP
Uống và không quên livestream
Việc đi nhậu, livestream là chuyện dễ bắt gặp trên mạng xã hội. Có người ngồi nhậu buồn quá nên lấy điện thoại livestream, tìm chút không khí. Có người vì thói quen việc gì cũng livestream, nên đi nhậu cũng là lúc đưa khung cảnh trên bàn nhậu lên mạng xã hội để bạn bè xem và bình luận, trò chuyện. Vấn đề này đôi lúc lợi thì ít nhưng thiệt thì lại nhiều. Một số người từng bị trách cứ “đi mà không rủ”, “suốt ngày ăn nhậu”, hay việc những sinh viên, học sinh đi nhậu bị người thân nhìn thấy trên mạng trách móc “học hành không lo mà bia rượu”
Trong một lần “chè chén”, N.N.T.T, nữ sinh Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, livestream khoe với bạn bè. Nhưng không may người hàng xóm ngoài quê T. nhìn thấy rồi “mắng vốn” với bố T. Ngay lập tức, bố T. gọi điện thoại vào chửi T. một trận xối xả, còn dọa rằng sẽ cho nghỉ học nếu còn tái diễn việc nhậu nhẹt. “Sau lần đó mình tởn tới già, chẳng dám dại dột mà đưa những hình ảnh nhậu nhẹt lên mạng nữa. Mình là con gái nên ba mẹ mình quản chặt, và từ đó đến giờ ai cũng nghĩ mình ngoan không biết nhậu, nhưng từ lúc đó mình đã làm mất niềm tin của ba mẹ”, T. chia sẻ.
Cũng vì chuyện nhậu suốt ngày đăng lên mạng xã hội, nên Phan Thanh Nguyên, cựu sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), bị cô bạn gái mới quen từ chối tình cảm vì cho rằng “rượu chè bê tha”. Không chỉ vậy, trong lần ứng tuyển vào một công ty, Nguyên cũng bị từ chối chỉ vì anh suốt ngày đăng trên Facebook hình ảnh nhậu nhẹt.
Nguyên trầm ngâm kể: “Tôi chỉ nghĩ livestream cho vui chứ chẳng nghĩ đến hậu quả, ai ngờ mối tình vụt bay. Vì có những hôm thấy tôi livestream trực tiếp đi nhậu 4, 5 tăng, ai trong bàn cũng đi đứng loạng choạng, giọng cà lăm. Nên bạn gái chia tay, sợ sau này trở thành sâu rượu không lo làm ăn”.
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip, các cô gái nhỏ tuổi trong lúc nhậu say đã đứng trên bàn quán karaoke nhảy rồi livestream. Tình cờ bố của một cô gái nhìn thấy hình ảnh con mình, đến tận địa điểm đánh và lôi con mình về, khiến người xem không khỏi oán trách việc dại dột khi dùng mạng xã hội…
Gọi video để “nhậu chung”
Tận dụng mạng xã hội, nhiều người tạo tài khoản, kết bạn trên Facebook, Zalo,… rồi gọi video cho nhau vừa nhậu vừa tám chuyện… cho đỡ buồn!
Nhiều người từng là bạn rất thân, từng lê la khắp các hàng quán cùng nhau, nhưng vì mưu sinh mà mỗi người một phương trời. Khi buồn, nhớ về nhau họ chọn cách nhậu, tâm sự online…
Đỗ Đào Tấn An, 23 tuổi, hiện là đầu bếp ở một nhà hàng tại Hội An (Quảng Nam), cho biết An sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nhưng vì hoàn cảnh, An phải tìm cơ hội ở vùng đất khác. Lưu luyến tình cảm, những cuộc vui với bạn bè cũ, nên mỗi dịp sinh nhật của người bạn thân nào, An lại nhờ chiếc màn ảnh nhỏ để “nhậu chung”. “Bên này trăm phần trăm thì bên kia cũng cạn sạch. Cũng khí thế lắm. Tôi và bạn bè ở cách nhau cả ngàn cây số thì biết làm cách nào khác”, An cho biết.
Lạ lùng chuyện nhậu online! - ảnh 2
Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu. ẢNH: TẤN HIỆP
An kể thêm mỗi cuộc nhậu online thường kéo dài từ 1 – 2 giờ. Đôi lúc việc nhậu online của An cũng có một kế hoạch sẵn. Hẹn tối mấy giờ thì An và những người bạn mình mua bia về hoặc đến hàng quán để nhậu rồi mở mạng lên gọi tâm sự và “nhậu chung” qua màn ảnh nhỏ. “Tuy có thể tìm những người bạn mới để ngồi uống với nhau, nhưng tôi luôn nhớ những người bạn nghĩa tình lúc xưa, chọn nhậu online cùng họ và vẫn thấy ấm áp”, An nói.
Nguyễn Ngô Ngọc Phương (30 tuổi, quê Hà Nam), chủ cửa hàng sữa ở đường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM, thì kể vô tình một lần đám giỗ, anh thuê màn hình chiếu để hát karaoke. Rồi ý tưởng kết nối mọi người ở ngoài quê lẫn trong này lại bằng Facebook. Nên anh đã gọi video và chiếu lên màn hình để nhìn không khí ăn uống ở hai đầu cầu. Về sau, Phương dần có thói quen đi nhậu hay gọi video cho bạn bè mình. Có lần anh và một người bạn của mình nhậu online đến say. “Cứ mỗi lần cụng ly là cầm lon bia đưa vào màn hình, dzô dzô đến quắc cần câu luôn”, Phương nhớ lại.
Theo Phương việc nhậu online có cái hay là sẽ kết nối nhau làm tình cảm gần hơn, khó cãi vã khi nhậu. Nhưng nhìn nhận thực tế thì Phương cũng thấy rất dễ bị lệ thuộc và bỏ qua những mối quan hệ ngoài cuộc sống thật.
Còn với Tấn An thì nghĩ vấn đề nào cũng có hai mặt, nhưng nhậu online đối với An như một cách giúp đỡ nhớ nhà và những người bạn cũ.
Bạn đã từng nhậu online chưa? Và bạn nghĩ sao về vấn đề gọi video hay livestream khi nhậu? 
 
 
Nhậu mà livestream hay gọi video thì ảo quá
Phan Thanh Tùng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bày tỏ bức xúc khi thấy bạn bè nhậu nhẹt thường livestream. Theo Tùng nhậu nhẹt là một hình ảnh không hẳn tốt: “Nếu quá nhiều hình ảnh như vậy trên trang cá nhân thì những người xung quanh sẽ nói mình suốt ngày ăn chơi…”. Tùng nói thêm: “Nếu nhậu mà gọi video cho bạn bè để tâm sự thì được vì chỉ có hai người hoặc một nhóm người biết. Nhưng livestream cho toàn thiên hạ thấy thì thật không ổn”.
Trương Thị Hoàng Ngọc, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thì bày tỏ: “Mình ngán nhất cảnh con gái nhậu mà livestream, đôi khi mình còn thấy vào quán bar, vừa nhậu vừa nhảy nhót, liệu người khác nhìn vào sẽ nghĩ sao. Có phải là con gái ăn chơi quá không? Mình nghĩ nhậu mà livestream hay gọi video thì ảo quá”.
Ngô Ngọc Liễu, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, nói: “Đừng biến mạng xã hội thành chợ nhậu”.

Tấn Hiệp/TNO

 

Bình luận (0)