Anh Phì kể, chính anh là người đã bị nhầm lẫn khi được vợ giao cho việc đi vớt bánh đá về nhà. Dạo đó anh đã đi đến đúng khu vực vợ mình đã cất bánh đá nhưng mò mãi không thấy chiếc bánh nào, đi xa cách đấy chừng chục mét thì thấy hình thù hai chiếc bánh xù xì như viên đá nên sung sướng ôm cả hai chiếc về nhà rồi cả hai vợ chồng hì hụi lấy xơ mướp cạo rêu, chuẩn bị thưởng thức một bữa bánh đá thịnh soạn.
Cạo mãi mà chưa thấy lớp gạo trắng ngần hiện ra, chỉ thấy một màu xam xám. Gọi chồng vào với ánh mắt ngạc nhiên pha chút thất vọng, chị bảo anh: “Hay bánh nhà mình làm sai khâu nào đấy, bị hỏng mất rồi”. Anh Phì lúc này mới giật mình tự hỏi: “Hay anh vớt nhầm cục đá”. Rất may là sau vài phút cạo rêu, cuối cùng lớp gạo trắng ngần cũng hiện ra. Hai vợ chồng cùng hân hoan thưởng thức món bánh truyền thống của đồng bào.
Ban đầu người dân trộn hai loại gạo với nhau, sau đấy mang đi ngâm khoảng 4-5 tiếng, ngâm xong rồi lại phơi khô. Chờ cho gạo ngâm đã khô, bà con sẽ mang đi nghiền. Sau đó đồ bột gạo lên, chín nhừ thì mang ra giã, giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch. Nhưng thao tác nặn phải thật nhanh vì nếu để bột nguội thì chúng không dính quyện được vào nhau. Người nào khéo tay thì có chiếc bánh đẹp, vuông vức, nếu không thì bánh sẽ hụt trước, hụt sau. Mỗi chiếc bánh đá nặng khoảng 1kg.
Theo Pháp luật Việt Nam
Bình luận (0)