Lá mơ là một loại rau ăn – vị thuốc dễ kiếm giúp trị các bệnh đường ruột.
Lũ lụt, triều cường luôn là nguyên nhân góp phần làm phát sinh nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với người dân vùng lũ. Do nguồn nước sinh hoạt và thực phẩm dễ bị ô nhiễm nên bà con có thể dễ bị mắc các bệnh đường ruột (lỵ, đầy bụng…). Lá mơ là một loại rau ăn – vị thuốc dễ kiếm giúp trị các bệnh trên. Sau đây là một số cách dùng cụ thể.
Mơ lông – thực phẩm và thuốc
Mơ lông là loại thân thảo, dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Khi còn non, thân hơi dẹt, về sau lại tròn, màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài đến 10 cm, gốc lá tròn hoặc hình tim, đầu lá nhọn, có gân nổi rõ ở mặt phía trên. Hai mặt lá đều có màu lục. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn, có màu trắng điểm tím nhạt. Dùng mơ lông – trứng gà để đề phòng các bệnh trướng bụng, đầy hơi, đau bụng:
Lấy khoảng 50g lá mơ lông tươi, rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều với 2 quả trứng gà tươi, đôi khi chỉ dùng lòng đỏ. Một mặt đun chảo nóng già (không cho mỡ) rồi đổ hỗn hợp mơ lông – trứng vào, dàn đều thành một lớp dày khoảng 1 cm, đậy vung cho chín đều. Sau đó lật mặt dưới lên, tiếp tục cho đến khi cả hai mặt chín đều, có màu hơi vàng, cho mùi thơm mơ lông – trứng gà, vị bùi ngậy, là được.
Cũng có thể làm như trên, song không đem áp chảo mà nướng bằng cách đổ hỗn hợp mơ lông – trứng gà vào một mảnh lá chuối tươi đã hơ cho hơi héo, mềm, rồi gói lại. Đặt gói mơ lông – trứng gà lên lò nướng, đến khi bên ngoài lá chuối cháy xém là được. Cách làm này cũng có thể áp dụng để trị bệnh lỵ lâu ngày không khỏi, song mỗi lần làm chỉ cần 1 quả trứng gà và số lần ăn trong ngày sẽ tăng lên 2 – 3 lần, số ngày điều trị là 7 – 8 ngày.
Thường dùng lá mơ lông tươi để làm thuốc chữa các bệnh đường ruột như:
Thường dùng lá mơ lông tươi để làm thuốc chữa các bệnh đường ruột như:
Bệnh lỵ amip: Lá mơ lông tươi 50g, cỏ nhọ nồi tươi 150g, lá đại thanh (lá bọ mẩy) 30g, hạt cau (khô, sao vàng) 16g, bách bộ 12g, vỏ cây đại (cạo bỏ vỏ ngoài, sao vàng) 8g, sắc uống, ngày một thang, uống 3 lần, sau bữa ăn 30 phút đến 1 giờ. Uống liền 2 tuần lễ. Nếu đi ngoài nhiều thì bỏ vỏ đại.
Chữa lỵ trực khuẩn: Có thể dùng lá mơ lông, lá trâu cổ (lá vẩy ốc), mỗi vị 20g; lá lốt, nụ sim, mỗi vị 10g, sắc uống ngày một thang; hoặc dùng lá mơ lông, cỏ sữa, mỗi vị 30g; hạt cau, măng cụt (vỏ quả), mỗi vị 10g; thổ phục linh, bạch thược, mỗi vị 6 g, mỗi ngày một thang, dưới dạng thuốc sắc, cũng có thể tán bột, uống 3 lần trong ngày, mỗi lần 10 – 12g. Khi uống thuốc, kiêng ăn các thức ăn tanh, sống, lạnh. Trường hợp mắc lỵ lâu ngày, có thể dùng rễ mơ lông, cỏ seo gà (cây phượng vĩ thảo), mã đề, mỗi vị 20g, sao qua, sắc uống ngày một thang, uống liền 2 – 3 tuần lễ.
Chữa ho gà cho trẻ em: Mơ tam thể 150g; bách bộ, rau má, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, cỏ mần trầu, mỗi vị 250g; trần bì 100g, cam thảo dây 150g, gừng tươi 50g, sắc đặc, thêm đường kính chế dưới dạng si rô, ngày uống 2 – 3 lần, tùy theo tuổi.
Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, mỗi lần uống 5 – 10ml; từ 1 – 2 tuổi, mỗi lần 10ml, ngày 4 lần.
Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Bee.net.vn
Bình luận (0)