Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến: Khám phá vườn thú Đại Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với khuôn viên rộng 12.5 ha, rộng rãi xanh mát, vườn thú trong khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2008 đã thu hút đông đảo khách tham quan không chỉ vì đây là vườn thú được thiết kế và xây dựng theo hướng mở đầu tiên tại Việt Nam, mà còn giúp du khách có thể tiếp cận gần hơn với đời sống các loài động vật hoang dã, quý hiếm được chăm sóc chu đáo trong môi trường thiên nhiên gần gũi.
Dạo bước trên những lối mòn vào vườn thú, khách tham quan có cảm giác như đang lạc vào một cánh rừng thực sự và được chiêm ngưỡng những loại thú quý hiếm có thể thấy lần đầu tiên tại Việt Nam như: Sư tử trắng, Cọp trắng, Linh dương sừng xoắn, Khỉ sóc Nam Mỹ, Tê giác trắng, Công trắng, Báo lửa, Hồng Hoàng… Tất cả chúng đều được tự do di chuyển trong những khoảng đất và ao hồ rộng rãi, được thiết kế gần giống như môi trường của chúng ngoài tự nhiên. Các chuồng thú ở Đại Nam thường không nuôi một loài thú đơn điệu mà là một tổ hợp các loài chim – thú – bò sát có cùng tập tính sinh hoạt và chung sống hài hòa với nhau trong một môi trường sinh thái đa dạng. Hiện nơi đây sở hữu hơn 100 loài động vật có vú, chim chóc, bò sát và các loại cá cảnh với một thiết kế hệ thống chuồng trại đặc biệt, do đó du khách có thể quan sát sinh hoạt của các loài thú một cách gần gũi nhất. Không chỉ ngắm nhìn, du khách còn có thể trực tiếp tham gia những hoạt động thú vị như vuốt ve, chụp hình lưu niệm với Hổ Đông Dương hay cho Tê giác ăn…
Đặc biệt một điểm mới ở vườn thú này là du khách có thể xem các sinh hoạt của thú vào ban đêm. Với hệ thống đèn ánh trăng phát ánh sáng tạo khung cảnh vườn thú về đêm lung linh, huyền ảo, du khách tự do khám phá những tập quán sinh hoạt, những hoạt động săn mồi về đêm của các loài động vật. Chúng thoát ẩn thoát hiện dưới ánh sáng kỳ ảo luôn mang lại sự bất ngờ và vui thích cho du khách.
Đến với vườn thú Đại Nam, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy những cánh đồng, rừng cây, thác nước, dòng suối, ao hồ, thung lũng, vách đá hay những ngọn đồi được bố trí hài hòa cùng với chim thú, tạo nên một không gian tuyệt vời cho muông thú, không chỉ để mọi người thư giãn mà còn có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với trẻ em – thế hệ cần khám phá thiên nhiên và được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Hầu hết tất cả trẻ em đến đây cũng đều thích tham quan vườn thú. Qua những chuyến tham quan này, bạn có thể khuyến khích con bạn quan tâm đến thế giới tự nhiên và giới thiệu cho con bạn những loài vật thú vị, giúp con bạn hiểu hơn về các loài vật, hay giúp trẻ học cách tổ chức qua việc quan sát những con vật cùng họ, so sánh kích thước, hình dáng chân tay, tai, móng vuốt, lông vũ hoặc vẩy của chúng…
Kết thúc một vòng tham quan đầy màu sắc, bạn và gia đình có thể thưởng tự thưởng một bữa ngon miệng hấp dẫn tại khu nhà hàng tại đây với những món ăn cũng không kém phần hấp dẫn. Khu nhà hàng này được thiết kế xen kẽ với các lồng kính của vườn thú, mọi người có thể vừa thưởng thức món ăn vừa có thể tiếp tục ngắm các loài thú trong một cảm giác thật lạ.
Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân, trên khắp mọi miền quê hương đất nước đang vào mùa lễ hội. Thể hiện lòng thành kính, tri ân, hiếu nghĩa của con cháu Lạc Việt nhớ về cội nguồn tổ tiên đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ non sông đất nước, phát triển nền văn hoá văn minh của dân tộc; báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu tiếp đến bạn đọc một số tác phẩm của Huỳnh Uy Dũng, viết về những thắng cảnh của Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
VỊNH TƯỢNG QUANG TRUNG CHÙA THIÊN PHÚC
Một Thiên Phúc tự đẹp trùng tu
Gò Đống Đa xưa đuổi giặc thù
Trúc chẻ ngói tan, cờ đại nghĩa
Vàng phai đá nát, mộ thiên thu
Thắt đai nạm ngọc, oai vương giả
Mặc áo thiêu rồng, khí trượng phu
Hỏi tượng Đức Ông ai dựng đó
Thưa rằng thế sự khéo du du.
Ô QUANG CHƯỞNG
Từ “hai mươi mốt cửa” Long đô
Còn lại bây giờ mỗi một Ô
Quan Chưởng vươn mây chào thắng lợi
Nhĩ Hà dậy sóng thách vinh khô
Long lanh dấu ấn pho Nam sử
Rạng rỡ khuyên son bức Việt đồ
Tây đến, Tàu đi, trăm biến dịch
Mãi còn phiến gạch đỏ san hô.
GÒ ĐỐNG ĐA
Gò Đống Đa xưa dấu chập chùng
Loa Sơn còn mãi đất Thăng Long
Mồ chôn nghịch lỗ kình nghê quán
Sử chép anh hùng đại chiến công
Trúc chẻ ngói tan oai Nguyễn Huệ
Rồng vươn hổ dậy đức Quang Trung
Một Trung Liệt Miếu từ bao thuở
Còn giữ anh hồn của núi sông.
CẦU LONG BIÊN
Long Biên cầu cũ một thời Tây
Người đã đi, còn vật ở đây
Thuở nọ,” cái đanh” đùng “nổ lửa”
Tàu kia, ống khói ngút tuôn mây
Văn minh cơ khí xuyên trời đất
Truyền thống tâm linh dấu mặt mày
Biết mấy máu xương người thợ Việt
Trăm năm ai dựng để mình xây.
HỎA LÒ
Hỏa lò: địa ngục của trần gian
Chở cả đau thương, cả đá vàng
Thế kỷ vong nô chìm ảnh tượng
Tinh thần bất khuất tỏa hào quang
Tâm tư dân tộc cam xiềng xích
Chí nguyện anh hùng vững thép gang
Quyết tử cho trường sinh tổ quốc
Nét son nhất thắm giữa Tràng An.
NHÀ SÀN BÁC HỒ
Một nhà sàn nhỏ chẳng son tô
Giản dị nằm ngay giữa thủ đô
Ươm nụ, cành sen, hương phảng phất
Đớp mồi, ao cá, sóng lô xô
Hai gian phòng ốc: pho Nam sử
Muôn dặm non sông: bức Việt đồ
Thân dẫu đi, thần còn ở lại
Nghe tim đập mãi nhịp đồng hồ.
LĂNG BÁC
Sừng sững nguy nga giữa Quảng Trường
Nơi ngày nao vọng “tiếng quê hương”
“Tuyên ngôn độc lập” rền ba cõi
“Chí khí Ba Đình “ dậy bốn phương
Thọ đức xum xuê cành vạn tuế
Lăng đài lộng lẫy đá hoa cương
Thi hài Chủ Tịch tồn lưu mãi
Để lại nghìn sau một tấm gương.
KỲ ĐÀI HÀ NỘI
Một kỳ đài dựng giữa Thăng Long
Để nói lên cùng với núi sông
Rằng đất trời Nam tròn tự chủ
Và nòi giống Việt mãi hanh thông
Qua bao tuế nguyệt, bền gan sắt
Trải bấy phong ba, vững dạ đồng
Tháp dựng ba tầng : vuông, bát giác
Tổng trì Nam Bắc lẫn Tây Đông.
LÀNG LỤA HÀ ĐÔNG
Làng lụa Hà Đông dấu ấn truyền
Ngàn năm Văn Hiến nõn nà duyên
Thủ công truyền thống phơi hồn mộng
Châu ngọc thi ca đượm vẻ huyền
Bao triệu thước tơ thêu dáng phượng
Hàng trăm gái thợ dệt vần tiên
Thành hoàng Lã Thị, công dung vẹn
Nhất tự vi sư : đạo thánh hiền.
LÀNG GỐM BÁT TRÀNG
Từ những trăm năm buổi thịnh Trần
Bát Tràng thể nét thiên chân
Cơ man trí óc vần khai bút
Ngần ấy tâm tư điệu xuất thần
Bình rượu, ấm trà chăm cải tiến
Đỉnh trầm, chân nến khéo canh tân
Nghìn thu ghi tạc hồn Âu Lạc
Dấu ấn vuông tròn chữ Vạn Xuân.
NĐ (thực hiện)
Mời bạn đọc kỳ tiếp theo – Số 789 thứ 4 ngày 24/02/2010

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)