Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lạc quan chiến đấu với bệnh tật

Tạp Chí Giáo Dục

Mang nhiều căn bệnh trong người nhưng nhiều năm nay Trần Quang Duy (sinh năm 1994, quê ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), học viên đang học nghề tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM vẫn sống lạc quan và tìm mọi cách để trở thành một công dân hữu ích trong xã hội.

Trần Quang Duy (phải) cùng cô Thu Hương tại buổi giao lưu

Người lành… mang bệnh

Trong chương trình giao lưu đầy xúc động nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước năm 2016 do Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM, Hội Cựu giáo chức và Hội Khuyến học TP.HCM phối hợp tổ chức, bên cạnh những gương mặt khuyết tật vượt khó, các đại biểu chú ý đến một thanh niên nhìn bề ngoài bình thường như bao con người khác. Thế nhưng, khi được các cô giáo trong Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM giới thiệu, mọi người mới thật sự xúc động khi biết với dáng vẻ bề ngoài bình thường đó em đang mang trong người nhiều trọng bệnh…

Là một học sinh chăm ngoan có tiếng, suốt 12 năm học phổ thông Duy luôn được thầy yêu bạn mến. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cha mẹ em vẫn chắt chiu cơm áo để cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đến năm 2012, khi đang học lớp 12, Duy cảm thấy trong người khác lạ với triệu chứng đau nhức và khó chịu. Đó là những cơn đau đột ngột và kéo dài một cách bất thường bắt đầu từ vùng bụng rồi sau đó lan dần ra sau lưng. Không chỉ lúc đói mà cả khi ăn và lúc nằm nghỉ ngơi cũng đau thắt ruột. Chính những cơn đau đã làm cho em cảm thấy mệt mỏi và không thể làm được gì do sức yếu dần. Nhiều hôm cha mẹ cho nghỉ học nhưng vì còn gắng gượng được và quan trọng hơn là tiếc mất bài nên em vẫn nhờ cha chở đến lớp. Có những hôm đến trường chưa đau nhưng học nửa buổi mặt mày xây xẩm nên Duy phải xuống phòng y tế học đường để dưỡng sức. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm tụy, nhờ thuốc thang kịp thời đã giúp em gắng gượng đứng dậy được. Thế nhưng, bệnh tật vẫn không buông tha một cơ thể đang ở tuổi ăn tuổi lớn khi Duy mắc thêm căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Duy nhớ lại: “Ban đầu nhức ở vùng cổ, em nghĩ cũng chỉ là mỏi mệt bình thường. Tuy nhiên mỗi lần quay đầu qua lại trong cổ em như có kim đâm dao cứa vì quá đau. Gia đình đưa em vào bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán là thoái hóa đốt sống cổ”. Theo lời kể của Duy, mặc dù em vẫn đi lại bình thường nhưng không thể lao động chân tay và làm việc nặng được. Như chim non bị nhốt trong chiếc lồng kín, đây chính là nỗi bứt rứt của một thanh niên vốn chăm chỉ việc nhà và say mê việc học. Do sức khỏe quá yếu nên thời gian học lớp 12 đối với Duy dài đằng đẵng.

Không đầu hàng số phận

Niềm vui tốt nghiệp THPT mới kịp đến thì nỗi buồn không được đến trường đã làm cho Duy thêm suy sụp tinh thần. Trong lúc các bạn cùng lứa được học lên cao thì Duy phải ở nhà để dưỡng bệnh. Nhìn cha mẹ đuối sức vì phải chăm sóc mình, nhiều lần Duy rơi nước mắt nhưng đành bất lực im lặng nuốt nỗi buồn. Duy chỉ cần có một sức khỏe bình thường như bao người khác để học hành, làm việc và khỏi làm khổ cha mẹ nhưng ước mơ giản dị đó cũng quá xa xôi với em.

Mặc dù không muốn cho con đi xa nhà khi thiếu người thân chăm sóc, nhưng 2 năm sau ngày tốt nghiệp THPT, cha mẹ Duy đành phải cho em vào TP.HCM học nghề tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Đó cũng là quyết định đúng đắn của chàng trai 21 tuổi muốn mình học một cái nghề để sau này khỏi phiền lòng cha mẹ. Vốn đam mê công nghệ nên Duy đã đăng ký theo học khóa tin học với ước muốn khám phá thế giới công nghệ thông tin mới mẻ này. Dù sức khỏe đau ốm bất thường nhưng việc học của em đều được các thầy cô khen ngợi và khâm phục. Em phải chiến thắng những cơn đau bằng ý chí và cả niềm tin mạnh mẽ nhất.

Duy chia sẻ, không chỉ đau nhức cơ thể do bệnh thoái hóa đốt sống cổ và viêm tụy hành hạ, bữa ăn của em cũng phải chọn lựa thực phẩm phù hợp vì em thường xuyên bị dị ứng thức ăn, nhất là các món lạ. Ngoài tập thể dục, Duy còn có “thói quen” rất đáng quý là sống lạc quan yêu đời hơn. Bởi theo em, đau yếu như thế này chỉ cần một phút bi quan là sẽ làm cho người ta dễ đi đến chán nản. Không làm được việc nặng nhưng em lúc nào cũng biết giúp bạn những công việc nhẹ nhàng hơn. Mặc dù được thầy cô, bạn bè can ngăn và khuyên bảo, nhưng theo Duy, đó cũng là niềm vui mà em góp nhặt được trong cuộc sống. Duy đang nuôi dưỡng ước mơ giản dị là sau khi học xong sẽ có một công việc phù hợp với sức khỏe của mình để cha mẹ ấm lòng. Cô Thu Hương, giáo viên tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, nhận xét: “Với sức khỏe có nhiều hạn chế, em Duy thật sự là một tấm gương đầy nghị lực để vượt qua hoàn cảnh éo le của mình mà nhiều thanh niên khác cần phải học tập, nhất là những ai còn nản chí trên con đường lập nghiệp”.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Bình luận (0)