Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lạc vào Tây Yên Tử

Tạp Chí Giáo Dục

Những cơn mưa xứ Kinh Bắc thật kỳ lạ, có khi đuổi theo phía sau xe, có lúc lại chặn trước mặt. Lúc bên đông mưa, còn phía tây lại hửng nắng… Những chiếc xe máy “chiến” ì ạch nuốt từng kilômet đường đất đá lởm chởm trên tỉnh lộ 293.

Nhưng rồi vẻ đẹp kỳ thú của Tây Yên Tử gần như bù lại bao nỗi vất vả của chúng tôi.

Vượt thác

Sau những phút lặng im hành lễ trong hương khói nghi ngút tại khu đền Thượng, đền Hạ dưới chân suối Mỡ, chúng tôi nghỉ ngơi dưới gốc cây lan cổ thụ đã hơn 200 năm tuổi chuẩn bị chinh phục thử thách. Chúng tôi quyết “giải mã” lời nhận xét của hầu hết dân phượt: “Về Bắc Giang mà không đi suối Mỡ thì coi như chưa biết Bắc Giang. Những đã lên đến suối Mỡ mà không chinh phục thác Thùm Thùm thì uổng phí một chuyến đi…”.

Tây Yên Tử là một vùng núi hoang dã rộng lớn với nhiều thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Khu vực này thuộc các huyện Yên Dũng, Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam của tỉnh Bắc Giang. Trải dài trên một hành trình cả trăm kilômet, nhưng có lẽ nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp kỳ thú nhất là vùng đất Lục Nam với địa danh sông Lục, núi Huyền.

Xe chúng tôi đã phải về số 1 để leo dốc trên đường toàn đất đá lởm chởm. Có lúc cơn mưa ngâu bất chợt đổ xuống xối xả khiến đoàn người chẳng ai kịp mặc áo mưa. Sau những phút giây phải tập trung cao độ, chúng tôi cũng đến được địa danh thác Thùm Thùm. Nhiều bạn quyết định cởi giày lội theo con suối nhỏ để tiến về phía thác. Chàng trai người dân tộc Cao Lan bán kem dọc đường cho biết phải đi bộ hơn 1km theo dòng suối, hoặc đường mòn xuyên rừng mới đến được chân thác. Một cảnh báo nữa dành cho mọi người là khu vực suối thác này rất nhiều vắt.

Hồ nước trong vắt nhìn rõ tận đáy – Ảnh: Thành Công

Nằm ở đỉnh núi Huyền Đinh nên nước ở thác chảy rất mạnh, trong vắt, hệ động thực vật vô cùng phong phú. Những vũng nước do thác đổ xuống tạo thành các “buồng tắm” thiên nhiên rất tuyệt diệu. Nhiều chàng trai, cô gái không chút suy nghĩ lao cả người xuống dòng nước dưới chân thác. Dòng thác xối xả, ầm ầm mát rượi đổ xuống cơ thể mệt mỏi, cuốn phăng đi những giọt mồ hôi, bụi đường.

Đường từ tầng đáy lên các tầng trên của thác Thùm Thùm rất hiểm trở, trơn trượt. Mọi người phải bám tay nhau, rồi vịn vào những thân cây, dây leo để lên tầng thác thứ hai. Tầng thác này được đặt tên là thác Trơn, đúng như những gì mà mọi người vừa chinh phục cảm nhận về nó. Nước ở tầng thứ ba của thác Thùm Thùm trong vắt, nhìn rõ cả những viên sỏi nhỏ ở đáy. Dòng nước mát lạnh cùng những phiến đá khổng lồ trở thành điểm nghỉ chân thư giãn kỳ diệu.

Để chinh phục tầng trên cùng của thác Thùm Thùm, mọi người phải vượt qua những phiến đá lớn, rồi băng qua tán cây rừng rậm rạp. Leo lên tầng thác thứ tư không cao lắm, chỉ khoảng 3-4m. Những chàng trai trẻ khỏe có thể bám vào đá đu người vượt thác. Lên được đến đây coi như bạn đã chinh phục được toàn bộ thác Thùm Thùm hiểm trở và hoang sơ.

Hòa mình vào dòng thác để “gột rửa bụi trần” – Ảnh: Hải Dương

Suối nước của Phật

Mảnh đất tận cùng của Lục Nam là xã Lục Sơn, nơi mà ngày quang trời có thể phóng tầm mắt nhìn thấy chùa Đồng trên non thiêng Yên Tử. Đây là điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Ngày xưa màu vàng tượng trưng cho vua chúa. Sau khi vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lên dãy Phật Sơn tu luyện đã trở thành câu chuyện huyền diệu trong Phật giáo Việt Nam nói chung, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Từ đỉnh núi Phật Sơn linh thiêng, nơi Phật hoàng mở thiền viện, tu luyện có chảy ra một dòng suối rất đặc biệt với màu nước vàng óng như mật ong rừng.

Đi theo con đường đất xấu tệ hại đến cả chục kilômet vẫn thấy dân bảo: “Đây là Lục Sơn rồi, nhưng chưa đến suối nước vàng đâu”. Khi xe chúng tôi lao dốc xuống một dòng suối đang chảy xiết không thể qua được, cũng chính là lúc gặp mấy thanh niên Cao Lan đang bê đá làm cầu cho biết: “Đây là suối nước vàng rồi!”.

Nước ở suối có màu vàng làm nên những câu chuyện ly kỳ – Ảnh: T.G.

Suối nước vàng chạy dọc theo dãy núi Phật Sơn cao 800-900m so với mực nước biển, tạo ra những biến tấu thú vị, có chỗ nước chảy ào ào, chỗ róc rách, chỗ nước trôi êm đềm. Có nhiều giả thiết khác nhau về màu vàng của dòng suối ở đây. Các nhà khoa học cho rằng do suối chảy ra từ một mỏ than lớn của Quảng Ninh hoặc có thể do quá trình phân hủy và kết tụ của cây cối hàng ngàn năm. Còn dân bản địa cho rằng do nước đọng trên những phiến đá cát nhãn màu vàng nên mới có màu như thế. Dân gian thì truyền miệng nhau rằng nước có màu vàng vì nguồn xuất phát từ Phật.

Cứ đi được một quãng chúng tôi lại bắt gặp dòng suối nước vàng óng ánh như mật ong. Thả đôi chân trần xuống dòng nước để cảm nhận sự miên man, mát lạnh, chạm chân vào những viên sỏi tạo nên những âm điệu trầm bổng của bản nhạc núi rừng. Điểm tận cùng của con suối là thác Giót huyền ảo, cao đến gần 50m, với những tia nước màu lấp lánh tuôn chảy.

Vượt qua thác Giót, mọi người sẽ chính thức chạm đỉnh núi Phật Sơn cao gần 1.000m so với mực nước biển. Những bãi cỏ xanh mướt lung linh trong nắng, gió mùa thu tuyệt diệu. Dân địa phương gọi đây là Sân Trời hay Lái Cỏ. Cảnh sắc nơi đây làm cho bất kỳ ai một lần đến cũng phải xao xuyến.

Vượt đèo rồi lội suối… sá chi – Ảnh: Hải Dương

Từ Hà Nội về TP Bắc Giang theo quốc lộ 1A, rồi rẽ vào quốc lộ 31 đến thị trấn Đồi Ngô – Lục Nam gần 100km. Từ thị trấn Đồi Ngô qua cầu Lục Nam, đi thác Thùm Thùm rồi men theo con đường 293 gần 40km sẽ đến suối nước vàng chinh phục đỉnh Phật Sơn. Đây là cung đường ngắn nhất. Xe cần được bảo dưỡng trước hành trình và mang theo dụng cụ sửa chữa cần thiết.

Sau khi đã chinh phục thác Giót, đỉnh Phật Sơn, mọi người nên chọn cách đi về theo con đường bêtông chạy từ trung tâm xã Lục Sơn đến thị trấn Chũ (Lục Ngạn) rồi về TP Bắc Giang theo quốc lộ 31, tránh đi lại con đường 293 nhiều bất trắc. Hoặc chạy theo con đường nhựa về thị trấn Đông Triều – Quảng Ninh, rồi ngược quốc lộ 18 qua Bắc Ninh về Hà Nội.

HẢI DƯƠNG – HƯỜNG NGUYỄN

(TTO)

Bình luận (0)