Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Lách luật” USD

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Doanh nghiệp mua USD của ngân hàng cao hơn giá niêm yết từ 40 – 100 đồng/USD.

Theo quy định, ngân hàng (NH) bán USD đúng giá niêm yết không quá 3% so với tỉ giá liên NH do NH Nhà nước công bố hằng ngày. Thế nhưng thực tế doanh nghiệp (DN) mua USD của NH cao hơn giá niêm yết.
Tỉ giá do ngân hàng niêm yết chưa phản ánh trung thực diễn biến thị trường ngoại tệ. Ảnh: HỒNG THÚY
Thu phí 40 – 100 đồng/USD
Ngày 16-7, NH Nhà nước tiếp tục duy trì tỉ giá liên NH 18.544 đồng/USD. Theo đó, các NH thương mại niêm yết giá bán USD ở mức trần 19.100 đồng/USD. Tuy nhiên, các DN cho biết họ mua USD của NH cao hơn giá niêm yết 40-100 đồng/USD, khoản chênh lệch giữa giá niêm yết với giá thực mua DN gọi là phí giao dịch ngoại tệ. Trên thị trường tự do, giá mua- bán ngoại tệ phổ biến 19.130 – 19.140 đồng/USD. Như vậy, giá ngoại tệ bán ra trên thị trường tự do cao hơn giá niêm yết của NH 40 đồng/USD nhưng lại ngang bằng hoặc thấp hơn so với mức giá DN thực mua từ NH là 19.140-19.200 đồng/USD.
Nhiều tiệm vàng cho hay rất ít khách hàng mua 20.000-50.000 USD; phần lớn số ngoại tệ tiệm vàng thu mua được đều bán lại cho các đầu mối lớn, trong đó có một đơn vị kinh doanh vàng ở Hà Nội thu mua USD không hạn chế số lượng. Một số chủ tiệm vàng còn cho rằng nhiều khả năng các đầu mối ngoại tệ thị trường tự do thu gom USD rồi bán lại cho NH với số lượng lớn, chỉ cần chênh lệch mua – bán 10 đồng/USD là đã có lời. Biểu hiện của mắt xích này là vào những thời điểm DN tăng sức mua USD trên thị trường chính thức, không ít nhân viên NH thường đặt mua của chủ tiệm vàng hàng trăm ngàn USD.
Hạch toán “chui”
Tuy tỉ giá ngoại tệ tự do thấp hơn mức giá thực mua USD từ NH song DN vẫn chấp nhận mua của NH để có chứng từ hợp lệ. Giám đốc một DN chuyên nhập khẩu nguyên liệu thép và bóng đèn xe hơi cho biết: Nếu DN mua USD bên ngoài sẽ tốn thêm chi phí, thời gian cho việc hợp thức hóa ngoại tệ, tính ra cũng bằng với giá thực mua USD của NH. Tuy vậy, chứng từ hợp lệ do NH cung cấp chỉ thể hiện mức giá 19.100 đồng/USD, còn chứng từ của số tiền bên mua phải trả thêm là biên nhận viết tay. Trao đổi với chúng tôi, các DN cho biết họ phải tìm mọi cách để hạch toán số tiền trả thêm cho NH. Đồng thời, NH cũng có hành vi hạch toán tương tự DN. Cơ quan quản lý gần như bó tay vì NH và DN giao dịch USD không phạm luật.
Gần đây, tại buổi gặp mặt với các DN xuất nhập khẩu, một quan chức của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết có thời điểm hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận từ thu phí ngoại tệ, các NH lúng túng không biết hạch toán vào địa chỉ nào. Tình trạng NH thu phí giao dịch USD khiến tỉ giá thực cao hơn tỉ giá niêm yết là chuyện nhỏ trên thị trường ngoại tệ. Báo cáo của NH Hồng Kông – Thượng Hải cũng nhận định: Tỉ giá USD/VNĐ bắt đầu tăng trở lại trong vài tuần gần đây. Nếu xu hướng này tiếp tục, tỉ giá USD/VNĐ sẽ cao hơn so với biên độ được phép.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM: Ngân hàng chớp thời cơ
Thực tế tỉ giá USD/VNĐ của NH niêm yết luôn thấp hơn thị trường tự do. Người dân có thu nhập từ kiều hối thường bán USD cho các tiệm vàng. Như vậy, số ngoại tệ NH bán cho DN chủ yếu thu mua từ các đơn vị xuất khẩu, dịch vụ du lịch, hàng không… Trong khi đó, DN có nguồn thu USD lại có xu hướng chờ NH nâng thêm giá thu mua hoặc thỏa thuận riêng; đồng thời cầu ngoại tệ bất ngờ tăng lên, NH nhanh tay tìm kiếm nguồn cung ngoại tệ, rồi tìm cách thu phí USD, bảo đảm kinh doanh có lãi là điều dễ hiểu. Việc cơ quan quản lý can thiệp quá sâu vào thị trường ngoại tệ, chưa phù hợp với thực tiễn làm nảy sinh giao dịch USD nửa thật nửa ảo.
Thy Thơ / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)