Y tế - Văn hóaThư giãn

Lại bàn cách giải cứu phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

 Đến năm 2015 thể loại phim nhựa 35mm bị xóa sổ và nguy cơ tụt hậu rất lớn, cảnh báo này thêm gánh nặng cho nền điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.
Chung số phận nhiều phim nhà nước khác, “Mùi cỏ cháy” ra rạp nhưng không trụ được lâu.
Máy chiếu phim 35mm sắp thành đồ lưu niệm
Thời gian qua, các chuyên gia và nghệ sĩ điện ảnh dự không biết bao hội thảo, tọa đàm về chất lượng, rồi tìm hướng phát triển điện ảnh nước nhà.
Hội nghị “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành, phổ biến phim giai đoạn 2012-2015” ngày 25-7 tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, cùng TS. Ngô Phương Lan, Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh chủ trì, lại một lần nữa nhằm tìm giải pháp cho điện ảnh.
Giới điện ảnh vừa kịp mừng vì chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh giúp nhiều địa phương có máy chiếu phim nhựa 35mm, máy chiếu lưu động trong hơn chục năm qua.
Vậy mà chương trình này vừa bị cắt, lại thêm dự báo: Chỉ ba năm nữa thôi hình thức làm phim nhựa 35mm không còn đất sống. Khi ấy một loạt máy chiếu 35mm, kể cả những máy đầu tư cả đống tiền chưa được bao lâu sẽ được lưu kho, nhường chỗ cho máy chiếu kỹ thuật số 2D, 3D.
TS. Ngô Phương Lan cho biết, bây giờ nhiều LHP quốc tế từ chối nhận bản phim 35mm.
“Phim nhựa của ta sau ba tháng chiếu rạp ở trong tình trạng “nước dưa, sọc dừa”, trầy xước hết cả, trong khi bản phim kỹ thuật số vẫn đẹp long lanh”, ông Trần Văn Hùng, TGĐ Cty CP Đầu tư Điện ảnh VINA (Vinacinema) chia sẻ bên lề.
Bất cập khác trong hệ thống phát hành, phổ biến phim lại một dịp được hâm nóng, khi hầu như chỉ các thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng mới có cơ hội tiếp cận phim đặc sắc của Việt Nam và thế giới.
“Ở các tỉnh, thành phố khác hệ thống rạp chiếu phim cũ, không được đầu tư theo tiêu chuẩn, việc thu hút khán giả đến rạp khó khăn. Khán giả chỉ được xem một lượng hạn chế phim, và sau các thành phố lớn từ 1- 2 tháng, khiến họ không mặn mà gì”, đại diện Thiên Ngân phát biểu, với tư cách đơn vị vừa sản xuất, phát hành phim.
Giải cứu phim Việt
Năm 2011, điện ảnh Việt có 17 phim, chủ yếu là phim tư nhân. Phim nhà nước đếm trên đầu ngón tay, thường được xếp vào dạng không ăn khách, trụ được trong thời gian rất ngắn ở rạp.
Nhưng phim truyện sản xuất ra dẫu sao còn có cơ hội phát hành, ít nhất ở các dịp chiếu phim kỷ niệm được chiếu đi chiếu lại. Còn phim hoạt hình, tài liệu mới thực gian nan. Dịp vừa rồi, cộng đồng mạng rộ lên trào lưu xem, ủng hộ phim Việt nhất là những tập phim lịch sử, đầy hơi thở thời cuộc.
May mắn là trong hơn chục tham luận, ý kiến tại hội nghị, ông Trần Văn Hùng đến từ Vinacinema-đơn vị phát hành, sản xuất thiết bị chiếu phim công nghệ số-mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho phim hoạt hình, tài liệu nói riêng, phim Việt nói chung.
“Chúng tôi đã làm việc với hãng phim Hoạt hình Việt Nam, sẽ phát hành toàn bộ phim hoạt hình Việt Nam trong và ngoài Việt Nam dưới nhiều hình thức. Sắp tới, sẽ phát hành lần đầu tiên Hào khí Thăng Long phim hoạt hình Việt Nam trên toàn hệ thống rạp có đầu tư thiết bị chiếu HD của Vinacinema”, ông Hùng nói.
Có nhiều hình thức phát hành phim, ra rạp là hình thức cao nhất. Thời gian tới, hãng phim hoạt hình rà soát, phân loại các hình thức như làm đĩa, chiếu rạp cho kho phim hiện có. Dịp hè vừa rồi, nhờ hệ thống máy chiếu kỹ thuật số lưu động, Vinacinema phục vụ hơn 100 suất chiếu miễn phí cho thiếu nhi TPHCM.
Lào Cai phát hành phim vượt biên giới
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai phát biểu: “Chúng ta có 60 vạn người Mông sống tiếp giáp Lào Cai- biên giới Trung Quốc. Tại sao không cung cấp băng đĩa cho họ.
Chúng tôi thử phân phối qua các quầy đĩa tại chợ, và hiệu quả tốt đến bất ngờ. Khi sang cơ quan văn hóa bên Trung Quốc, họ có nhiều phim của ta từ Vợ chồng A Phủ, cho đến những chương trình ca nhạc dành cho người Mông. Như vậy, tuyên truyền biên giới chúng ta còn thiếu chủ động.
Hãy tuyên truyền bằng những bộ phim cổ tích, truyền thuyết Mông bằng tiếng dân tộc thì hiệu quả sẽ rất cao”, ông Trần Hữu Sơn nói.

Theo TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)