Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành thủy sản thì việc áp dụng giá sàn có thể dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”.
Những bức tranh tối
Hiện nay, ngoài việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tới 130% đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường này, theo VASEP, hàng loạt các quốc gia khác cũng có những động tác kiểm soát nghiêm ngặt cá tra Việt Nam.
Việc DOC ra thông báo về kết quả sơ bộ lần này, có thể nói không nằm ngoài chính sách của chính quyền Mỹ hiện giờ, là nỗ lực đem công ăn việc làm trở lại cho người Mỹ. Cụ thể ở đây là bảo vệ những nhà sản xuất và chế biến cá da trơn của Mỹ.
Chính phủ Brazil sẽ có biện pháp về kỹ thuật nhằm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và thắt chặt việc nhập khẩu cá tra Việt Nam, mặc dù đã bác bỏ đề xuất của Bộ Thủy sản nước này về việc đưa cá tra vào chương trình đánh giá nguy cơ nhập khẩu và đề nghị tạm ngừng nhập khẩu thời gian dài với cá tra. Chính quyền bang Galicia ( thuộc Tây Ban Nha) thì đã thiết lập kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cá tra.
Người tiêu dùng, nhà nhập khẩu khối EU hoang mang, lo lắng về nguồn gốc cá tra nhập khẩu từ Việt Nam do nhiều phương tiện thông tin đại chúng khu vực này liên tục đưa tin bôi xấu. Trong khi đó, một số nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia lại đang triển khai nuôi cá tra với sự ủng hộ tài chính của chính phủ.
Tuy nhiên theo các DN, bức tranh tối của sản phẩm quốc gia chưa dừng lại. Hiện dù nhiều DN chế biến cá tra xuất khẩu đã đào ao nuôi cá nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng tối đa cũng chỉ đáp ứng 50% công suất và vẫn phải phụ thuộc vào người nuôi cá tra.
Về nguyên nhân người nuôi bỏ ao dẫn đến tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu, theo nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là do giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước và giá xuất khẩu cá tra thành phẩm liên tục giảm.
Trong giai đoạn 1997- 2006, giá cá tra nguyên liệu trung bình trong năm dao động khoảng 9.200- 12.500 đồng/kg, với giá thành sản xuất trong giai đoạn này là 8.500- 9.000 đồng/kg. Năm 2008, giá cá tra chỉ dao động trong khoảng 13.500- 14.500 đồng/kg, trong khi đó, giá thành sản xuất đến 15.000- 16.500 đồng/kg cá nguyên liệu, người nuôi lỗ hơn 1.000 đồng/kg.
Về giá cá tra xuất khẩu, vào những năm 1997- 1998, giá cá tra xuất khẩu bình quân ở mức đỉnh điểm. lên đến 4,93 USD/kg. Thế nhưng sau hơn 10 năm (năm 2008-2010), giá cá tra xuất khẩu tuột xuống còn 2,28 USD/kg và đến nay, với những nỗ lực của VASEP 2010 giá cá tra xuất khẩu có giá khoảng 2,7 USD/kg.
Giữa năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ đạt 1,5 tỷ USD. Nhưng mới đây, Bộ đã điều chỉnh dự báo kim ngạch giảm xuống còn hơn 1,3 tỷ USD.
Thua lỗ treo ao, cùng với những biến động thất thường từ thị trường nhập khẩu đã khiến nguồn nguyên liệu cá tra bấp bênh, nhà máy thiếu nguyên liệu. Thực tế đó khiến cho từ đầu tháng 10 đến nay, giá cá tra lại tăng vọt lên 18.500 đồng/kg, rồi lên 19.000 đồng/kg. Nhưng điều đáng lo là giá tăng cao như vậy nhưng doanh nghiệp cũng rất khó mua.
Theo dự kiến, với tình trạng bỏ ao thời gian qua thì sang năm 2011 sản lượng cá phải giảm tới 30%, với sản lượng chỉ có thể đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó, công suất chế biến cá tra toàn ngành hiện trên 2 triệu tấn nguyên liệu.
Giá sàn- làm không dễ
Để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu bằng cách tạo ra lợi nhuận hợp lý cho các bên tham gia trong chuỗi giá trị, VASEP đề xuất sẽ xây dựng giá sàn xuất khẩu vào từng thị trường. Như vậy, các doanh nghiệp phải đăng ký xuất khẩu vào từng thị trường cụ thể và phải cam kết thực hiện đúng giá sàn. Trước mắt áp dụng cho mặt hàng cá phi lê xuất sang châu Âu, Mỹ và Trung Đông, sau đó tùy tình hình sẽ quyết định mở rộng thêm ở các thị trường khác.
Theo đề xuất VASEP, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc VASEP) theo định kỳ 3 tháng (hoặc đột xuất) sẽ triệu tập cuộc họp với 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, cùng đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), xem xét lại mức giá sàn công bố cũng như rà soát các trường hợp bán dưới giá sàn để lập danh sách, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rộng rãi trong cộng đồng. Nếu doanh nghiệp nào tiếp tục vi phạm cam kết giá sàn, VASEP sẽ đề nghị NAFIQAD tạm ngưng cấp chứng thư xuất khẩu có thời hạn.
Tuy nhiên, một chuyên gia tư vấn ngành thủy sản cho rằng, dù trong hoàn cảnh hiện nay, việc áp dụng giá sàn là cần thiết nhưng có một vấn đề cần xem xét là việc áp dụng giá sàn có trái với quy định trong Luật Cạnh tranh?
Khi đã quyết định áp dụng giá sàn thì cơ quan nào sẽ đảm trách phần kiểm soát giá của doanh nghiệp, Nafiqad hay hải quan? Theo đề xuất của một lãnh đạo doanh nghiệp, việc này nên giao cho hải quan vì lâu nay mọi hợp đồng xuất khẩu vẫn đều thông qua cơ quan này.
Còn nếu giao cho Nafiqad, thì công việc sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ giao hàng, bởi vì, chỉ với chức năng cấp chứng thư chất lượng đã phải mất hết 10 ngày kể từ khi lấy mẫu kiểm tra.
“Dù giao cho ai thì doanh nghiệp “vất vả” hơn, bởi phải qua thêm một cửa ải từ các cơ quan công quyền”,-ông này nói.
Và rắc rối hơn, nếu áp dụng giá sàn được thì tốt, nhưng các doanh nghiệp cũng rất nhiều đắn đo! Bởi đặc thù ngành thủy sản, cụ thể là cá, sản phẩm rất đa dạng. Chỉ với con cá da trơn nguyên liệu, nhưng các nhà máy cho ra hàng chục sản phẩm khác nhau. Nào là cá tra nguyên con, cá tra cắt khúc hay phi lê, hoặc đã qua chế biến thành sản phẩm cao cấp…
Chỉ với sản phẩm phi lê, cũng đã có rất nhiều sản phẩm khác nhau bởi kích cỡ, màu, tỷ lệ mạ băng… không hề đồng nhất mà phụ thuộc vào yêu cầu của từng khách hàng”. Với hàng chục sản phẩm đa dạng như vậy, khó có cơ quan nào có đủ năng lực để kiểm soát hiệu quả giá xuất khẩu. Còn nếu rà soát kỹ, ban hành giá sàn cho từng sản phẩm cụ thể chỉ khiến doanh nghiệp thêm thiệt hại khi thời gian làm thủ tục xuất khẩu bị kéo dài.
Vì vậy, thiết nghĩ để giải quyết những khó khăn này cùng với việc kiểm soát giá cá tra xuất khẩu được tốt và hạn chế thiệt hại cho doanh, nên chăng chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có “tiền sử” bán phá giá và có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Nguồn NOIT
Bình luận (0)