Mấy hôm nay lũ trẻ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, để tháng sau thi vào đại học. Khổ, trời thì nắng, mấy hôm đi sờ đầu rùa chẳng biết có may mắn gì không? Thí sinh lo một, bố mẹ thí sinh lo mười, nhưng dù bố mẹ lo lắng lễ lạt đủ đường đủ nơi rồi, chợ phao vẫn cứ rộn ràng với con, cho chắc. Tình cảnh hoa phượng đỏ trời đối với phao rơi trắng đất mùa thi năm nào cũng vậy. Camera thực sự hoang mang lắm mỗi mùa thi.
Đến hẹn lại lên, "phao" thi được tung ra |
Thi năm nay, có chuyện gây dư luận từ lúc bắt đầu đăng ký hồ sơ tuyển sinh, là khối C chưa đến 5% số hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Người ta thống nhất rằng điều này bố cáo tình trạng mất cân bằng tinh thần trong xã hội. Một giáo sư khả kính đã coi đây là sự xuống cấp của văn hóa. Và đương nhiên là bất bình thường.
Một khi, như giáo sư phân tích: Chúng ta đang phải sống trong môi trường nhiễm độc bởi không khí kiếm tiền, làm giàu và tiêu tiền… Khi mà một vé xem ca nhạc là 4 triệu đồng, bằng 1 tháng lương hưu của một giáo sư đại học. Đó là sự bất công, là nghịch lý đến khó hiểu. Với một xã hội như thế tất yếu sẽ tạo nên tâm lý phải đi kiếm tiền. Vào tài chính, ngân hàng thì lương 10 – 20 triệu đồng/tháng, còn vào sư phạm với lương 2 – 3 triệu đồng mà xin việc lại khó thì tất nhiên chẳng ai muốn vào. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý không bình thường chút nào và nó hủy hoại tất cả những ước muốn lành mạnh và trong sáng. Mà một khi người ta không lành mạnh trong sáng, người ta không thi khối C!
Giáo sư chắc chắn… nhầm. Cực kỳ lành mạnh và hồn nhiên, chẳng cần khối C, thi hay là học. Làm như ở Việt Nam cứ phải học khối C mới có ước muốn lành mạnh và trong sáng, mới biết làm thơ viết văn… Nếu ông thử đặt chân đến một nơi gọi là Đại Nam Văn Hiến, ông sẽ thấy thơ, văn, câu đối tràn ngập nơi nơi. Phần lớn văn thơ ở đây… không cần vần điệu. Một tờ báo nhận định: sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng, Camera mới đọc vài bài tí nữa ngã lăn xuống ghế. Đại khái thế này: Về thăm văn hiến trầm hương, lung linh 18 đời vương Đại Hùng. Về thăm văn hiến Nhị Nùng, khi về chở cả trống đồng hạo nhiên”. Loại thơ này, viết chữ lớn, sơn son thếp vàng treo to tướng, rồi in thành sách, chép ra đĩa… Ông chủ ở đây chính là tác giả biển thơ này. Ông ta có thể học khối C hoặc không, nhưng ông ấy có tiền và ông ấy muốn làm gì thì làm, kể cả làm thơ!
Nữa, tấm bia thiêng liêng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Lũng Cú, cực Bắc Tổ quốc, còn viết sai chính tả. Người ta lên được Lũng Cú vất vả khó khăn để nhìn thấy một tấm bia có thể làm đỏ mặt nếu đi cùng một bạn nước ngoài. Tấm bia ấy cũng chỉ tương đương về độ thiêng liêng với tấm bia ghi tên doanh nghiệp gần đấy. Viết sai ở đâu chẳng viết, nhằm đúng bia chủ quyền để sai. Mà sai không bị sửa… Khối C có đóng vai trò gì ở đây không?
Nhìn trẻ con chen chúc khổ sở đi thi, tự dưng chẳng muốn nói gì!
Theo (TT&VH Cuối tuần)
Bình luận (0)