Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lại chuyện tiền đang ở đâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giới tài chính đang đau đầu trước câu hỏi tiền đồng ở đâu. Cho đến tuần thứ hai của tháng 5/2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào 1 tỉ đô la Mỹ, theo nguyên tắc hơn 20.600 tỉ đồng được đưa ra thị trường. Những tưởng có thêm nguồn, nhu cầu tiền đồng ở các ngân hàng sẽ bớt căng thẳng.

Tuy nhiên, sự bớt ấy chỉ tồn tại được vài ngày. Lãi suất thị trường liên ngân hàng dịu lại, song nhu cầu tiền đồng không vì thế mà giảm đi. Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng vẫn tiếp tục đứng ở mức 18-20%/năm cho những khoản gửi vài trăm triệu đồng trở lên.

Về phía mình, NHNN cũng không dám đối mặt rủi ro để một nguồn tiền lớn từ mua ngoại tệ trong hệ thống. Kênh được NHNN sử dụng tích cực vẫn là thị trường mở. Lượng tiền hút về ròng từ kênh này đang tăng lên để trung hòa khối lượng bỏ ra mua ngoại tệ.
Có thể thấy tiền gửi của dân cư vào ngân hàng giảm; đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ không phải là lựa chọn tốt hiện nay nếu không muốn nói là cả bất động sản lẫn chứng khoán đang bị “ghẻ lạnh”; tiền không được NHNN bơm ra, bằng chứng là tổng phương tiện thanh toán bốn tháng đầu năm tăng có 0,98% so với cuối năm 2010. Vậy tiền đang ở đâu?
Cần nhìn nhận tổng phương tiện thanh toán đang bị bóp rất chặt, chặt hơn nhiều mức cần thiết.
Trước khi trả lời câu hỏi này, cần nhìn nhận tổng phương tiện thanh toán đang bị bóp rất chặt, chặt hơn nhiều mức cần thiết.
Hàng năm, tổng phương tiện thanh toán được tính toán dựa trên lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng của năm trước và tổng lượng tiền gửi trong ngân hàng bao gồm cả đồng Việt Nam lẫn ngoại tệ.
Để xác định nhu cầu tiền tăng thêm cho nền kinh tế là bao nhiêu phần trăm, NHNN lập kế hoạch tổng phương tiện thanh toán căn cứ vào mức dự kiến tăng trưởng GDP và lạm phát. Giả sử năm 2011 tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 15%, thì tổng phương tiện thanh toán ước tăng 21%.
Đấy là lý thuyết. Trên thực tế nếu có một luồng vốn gián tiếp, trực tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam, số ngoại tệ này được đưa vào ngân hàng, được đổi ra tiền đồng, thì nó là một nhân tố làm tăng tổng phương tiện thanh toán.
Ngoài ra vòng quay trung bình của đồng tiền có thể tác động đến xu hướng biến động tổng phương tiện thanh toán. Thí dụ lãi suất cao, tiền đồng có giá, người ta giữ tiền lại gửi tiết kiệm, chi tiêu ít đi khiến tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm. Còn khi lãi suất thấp xu hướng ngược lại diễn ra.
Năm nay NHNN dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng 16% so với năm ngoái. Năm tháng đầu năm lạm phát đã ở mức 11,85% so với cuối năm 2010, tăng trưởng GDP khoảng 5,5% và mặt bằng lãi suất cao vọt. Vậy mà tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng chưa đầy 1%. Thử hỏi làm sao nền kinh tế không thiếu thanh khoản triền miên? Cung cầu tiền đồng căng như dây đàn.
Tuy nhiên vấn đề chính yếu của tiền đồng không chỉ dừng ở đấy.
Những năm trước tăng trưởng tín dụng rất cao: năm 2009 38%, năm 2010 31%, các ngân hàng cho vay nhiều. Trên giấy tờ, các khoản vay đến hạn đều được thu hồi, hạch toán lợi nhuận, nợ xấu thấp.
Trên thực tế không có một sự thanh tra, kiểm tra, xác minh đầy đủ, đích thực chất lượng các khoản nợ. Trong giới tài chính đang dấy lên mối nghi ngờ tỷ lệ đảo nợ cao trong thu hồi nợ, và chỉ các ngân hàng mới hiểu rõ bản chất câu chuyện này.
Việc đảo nợ có thể làm sạch bảng kế toán của ngân hàng doanh nghiệp, nhưng dòng tiền ngân hàng thu về không xuất hiện bởi nó không có thực. Tiền đồng đã và đang đọng vào vốn liếng các khoản vay trước đây.
Các khoản vay này ngày một phình to (tín dụng vẫn tăng trưởng hàng tháng bất chấp lãi suất cao) và hiện nó đang “ngốn” một lượng tiền đồng đáng kể trong tổng lượng tiền đồng mà xã hội tìm kiếm.
Ở một khía cạnh khác, khi lạm phát cao, giá cả tăng, người dân cần một lượng tiền lớn hơn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (giả sử nhu cầu tiêu dùng không tăng hơn năm trước). Nếu thu nhập không tăng hoặc tăng chậm, người dân sẽ phải rút bớt tiết kiệm.
Vì thế tiền dân cư gửi vào ngân hàng không những không tăng, mà còn giảm. Ngân hàng lúc này phải đảm bảo có tiền trả cho dân để họ chi tiêu. Ngân hàng vừa bị đọng vốn trong tín dụng đảo nợ, vừa phải tăng chi trả cho dân, làm sao không “đói” thanh khoản?
Không phải báo chí, người dân, doanh nghiệp hay bất kỳ một cơ quan quản lý nhà nước nào khác có thể trả lời câu hỏi tiền đồng đang ở đâu. Giải đáp câu hỏi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của NHNN. Hơn nữa, một khi lời giải đã có, xã hội kỳ vọng một hành động đúng hướng, thích hợp để tháo gỡ vấn đề.
Nguồn: TBKTSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)