Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lại đề xuất bỏ ‘phao cứu sinh’ xét tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo  công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh. Theo các chuyên gia, 30% điểm học bạ được coi là “phao cứu sinh và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp như hai năm nay, đã đến lúc cần loại bỏ phao này.

Lại đề xuất bỏ ‘phao cứu sinh’ xét tốt nghiệp THPT

Theo các chuyên gia khảo thí, giả sử một thí sinh trình độ chỉ đúng được 1/3 số câu trong đề thi các môn trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 2/3 số câu còn lại thì áp dụng giải pháp chọn ngẫu nhiên (sẽ chọn A, B, C, hay D). Theo lý thuyết xác suất, thí sinh này sẽ được 1/4 số điểm của 2/3 số câu còn lại. Như vậy em sẽ đúng được (1/3) + (2/3)x(1/4) = 0.5 số câu, tức vừa đạt điểm 5/10 đủ để tốt nghiệp.

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thực tế, có tâm lý để phao cứu sinh 30% điểm học bạn THPT vì e ngại tỷ lệ tốt nghiệp thấp. Năm 2021, nếu bỏ phao cứu sinh thống kê từ nhóm chuyên gia phân tích của Tiền Phong, tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc sẽ là 88.51%. Địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất là Bình Dương (99,28%), thứ 2 là Vĩnh Phúc (98,22%), thứ 3 là Nam Định (97, 61%).

Có 27/63 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp từ 90% trở lên. Có 21/63 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp từ 80% đến dưới 90%.

Có 9/63 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp từ 75% đến dưới 80%. Có 3/63 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp từ 70% đến dưới 75%.

Có 3 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp không cao: Hòa Bình (64,77%), Cao Bằng (62,47%) và Hà Giang (51,49%). Như vậy, bức tranh ổn, phản ánh khá thực chất thực trạng dạy và học của các địa phương.

Lại đề xuất bỏ ‘phao cứu sinh’ xét tốt nghiệp THPT ảnh 1

Nguồn:LTT

Trong khi đó, năm 2020, với việc dùng phao cứu sinh, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,34%. Nếu không dùng phao, năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước sẽ giảm 10%.

Con số này theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trường ĐH FPT là chấp nhận được. Từ năm 2020, TS. Lê Trường Tùng cũng đã đề xuất bỏ phao cứu sinh.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp cao có phần đóng góp không nhỏ của điểm trung bình lớp 12. Thậm chí, nhiều trường ngầm định, học sinh chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ tốt nghiệp bởi vì quy định hiện nay kết quả xét tốt nghiệp phụ thuộc vào học bạ khá lớn. Học bạ trở thành “phao cứu sinh” trong xét tốt nghiệp đối với nhiều học sinh. Nếu đối sánh điểm trung bình lớp 12 của các trường THPT với điểm thi THPT quốc gia của chính trường đó, sẽ thấy có những trường chênh lệch đến 3-4 điểm. Ở trên bình diện một tỉnh, vừa qua, theo kết quả đối sánh của Bộ GD&ĐT công bố giữa điểm trung bình thi và điểm trung bình học bạ, có địa phương chênh lệch lên đến gần 1,7 điểm.

Đánh giá của Bộ GD&ĐT cũng khẳng định trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của hầu hết các môn thấp hơn trung bình điểm học bạ lớp 12. Riêng môn Giáo dục công dân có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao hơn điểm trung bình học bạ lớp 12 ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác. TS. Lê Trường Tùng cho rằng có lẽ năm 2021 nên là năm cuối cùng sử dụng phao cứu sinh trong xét tốt nghiệp THPT.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)