Trên đoạn đường từ phường Đông Lương, thị xã Đông Hà xuống khu vực các xã Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Đại, Triệu Phước… của huyện Triệu Phong phải đi qua sông Hiếu. Vậy mà bắc qua con sông lớn vào loại nhất nhì tỉnh Quảng Trị ấy chỉ có một cây cầu phao chênh vênh.
Những ai lần đầu đi trên cây cầu phao ấy đều có chung một cảm giác sợ hãi vì cây cầu có vẻ như sắp sập bất cứ lúc nào. Cầu dài hơn 200m, được treo bằng một sợi dây cáp chỉ to hơn ngón chân cái, những tấm ván đã mục ruỗng, thủng lỗ chỗ. Cheo leo, vắt vẻo là thế nhưng đó lại được coi là “cây cầu huyết mạch” của huyện Triệu Phong, mỗi ngày gánh hàng nghìn lượt người qua lại, trong đó rất nhiều là học sinh ở huyện Triệu Phong đang học tập tại thị xã Đông Hà.
Em Nguyễn Ngọc Linh, học sinh trường THPT Đông Hà, cho biết: “Hàng ngày phải đi học trên cây cầu này em rất sợ. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa đi rất nguy hiểm, nước lũ thường dâng rất nhanh qua không kịp đôi lúc phải vội quay lại, nếu không có mắc kẹt giữa sông. Nhưng nếu không đi đường này thì phải đi bằng đường cầu An Mô rất xa”.
Được biết cây cầu này là sự đầu tư tự phát của năm hộ gia đình. Chị Hoàng Thị Nga, một trong năm “chủ đầu tư” của chiếc cầu phao này cho biết: “Thấy bà con đi lại bằng đò ngang vất vả và nguy hiểm quá, chúng tôi bàn nhau làm cây cầu tạm để đi lại đỡ phức tạp, chứ chờ nhà nước đầu tư thì đến bao giờ”.
Trong khi đó, “nghe đồn” đã có dự án xây dựng một cây cầu kiên cố bắc qua khúc sông này nhưng đã hai năm nay chưa thấy tăm hơi gì cả. Khi chưa có cầu kiên cố thì những chiếc cầu phao vẫn là tối ưu. Chị Nga còn cho biết thêm: “Người dân chờ mãi không có cầu mới mà cái cầu này thì đã quá tải, người dân lại sắp hùn nhau xây tiếp tục xây thêm một cây cầu phao mới”.
Đi tiếp xuống khu vực giữa xã Triệu Độ và Triệu Phước lại thấy một cây cầu nữa cũng cheo leo không kém. Đây là cây cầu liên xã được xây dựng cách đây đã 15 năm, tuy là cầu bê tông nhưng cầu rất nhỏ và đặc biệt là không có lan can, vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, người già, nhất là khi trời tối.
Cụ Nguyễn Văn Giác sống gần sông cho biết: “Con sông chảy qua làng không rộng lắm nhưng nước rất sâu. Buổi đêm đi qua cầu không cẩn thận rất dễ sảy chân rơi xuống cầu. Đã có mấy vụ như thế rồi”.
Triệu Phong là một vùng quê chiêm trũng, có nhiều sông ngòi kênh rạch, và phương tiện qua sông chủ yếu vẫn là những cây cầu tạm như trên. Bao nhiêu cây cầu là bấy nhiêu sự rình rập nguy hiểm.
Chính chị Nga cũng đã thừa nhận: “Làm thì có làm nhưng thực chất chúng tôi không thể đảm bảo bất cứ điều gì hết. Vì cầu phao chỉ là “nước nổi thì bèo nổi”, nhưng nếu cầu bị đứt, bị trôi thì chúng tôi cũng chẳng biết làm như thế nào…”.
Đình Long – Nguyễn Khánh
Bình luận (0)