Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lại một cái Tết vắng anh

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng gặp nhau vào tháng 6-2013 khi chị ra đảo Song Tử Tây thăm anh (ảnh chị Thu cung cấp).
Ngày anh bước lên con tàu dũng mãnh hướng về biển Đông, hành trang mang theo không chỉ có sức mạnh của tuổi trẻ mà còn có cả một tình yêu vừa chớm.
Hơn 10 năm nhập ngũ, trong đó có quá 5 năm công tác trên đảo Song Tử Tây, Thiếu úy Vũ Huy Lợi (sinh 1983, quê Gia Bình, Bắc Ninh) được 3 lần phép. Lần về từ tháng 8-2013 đến hết tuần đầu của tháng 12-2013, anh cố tình dành hết thời gian cho con nhưng con gái vẫn còn “lạ” bố.
Yêu từ thuở tiễn anh ra đảo
Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm trong khu dân cư thuộc P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân mà vợ con anh đang ở tạm với gia đình vợ ngập tràn tiếng nói cười của trẻ. Theo anh Lợi đó là thứ không thể nào có trên đảo Song Tử Tây. Dù con gái 3 tuổi Vũ Ngọc Tường Loan không cho bố bế, không cho bố gần nhưng anh vẫn cố. Có khi con bé khóc thét rồi mách mẹ vì “Con không ưng nhưng bố cứ “lì””. Hầu như đêm nào anh Lợi cũng gọi điện về cho vợ con. Qua sóng điện thoại, con gái vẫn gọi bố và những câu hỏi ngây thơ của một đứa trẻ. Tuy nhiên, đã kết thúc 4 tháng phép bên gia đình nhưng con anh vẫn không chịu cho bố bế. Con bé dạn dĩ, lanh lợi, miệng “líu lo” nhưng trước mặt anh, cháu luôn rụt rè, bẽn lẽn. Bố mẹ “dụ” bằng mọi cách để bố được bồng con bé nhưng nó vẫn không ưng. Đến khi mẹ nhắc tới món quà bố Lợi mang từ đảo về, đó là một vỏ ốc xinh xắn thì nó mới đồng ý để bố bế trong trạng thái khiên cưỡng.
Thiếu úy Vũ Huy Lợi nhập ngũ tháng 2-2003 tại Quảng Ninh. Sau thời gian học tập, năm 2008, anh tình nguyện công tác ở đảo Song Tử Tây (Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Cam Ranh) với nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật vũ khí huấn luyện. Ngày anh bước lên tàu ra đảo, hành trang mang theo không chỉ có tuổi trẻ, cống hiến mà còn có hình bóng của người con gái cùng huyện, học sau anh một lớp. Đó là chị Phùng Thị Thu (sinh năm 1984), hiện công tác tại Văn phòng Đảng ủy P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM.
Biết nhau lâu, thế nhưng tình yêu của anh chị nảy nở lúc anh đặt chân lên tàu. Tiếng yêu chỉ kịp nói vội khi còi tàu hụ báo hiệu sắp rời bến. Những cánh thư qua lại như sợi dây thắt chặt và bền vững cho tình yêu của họ, dẫu có bão tố sóng gầm. Thấm thoắt, từ khi biết nhau đến ngày cưới, đã tròm trèm 20 năm. Quãng ấy, mỗi người một nơi, anh chị không có thời gian về ra mắt gia đình hai bên. Ngày gia đình biết mặt dâu, rể cũng chính là ngày cưới. Chính xác là mùng 8 Tết năm 2010, chị Thu trở thành vợ của lính đảo Vũ Huy Lợi. Thiếu úy Lợi nhớ lại: “Ngày 24 Tết âm lịch năm 2010, tôi về phép để chuẩn bị cưới vợ. Lúc về, thấy tôi, mọi người bảo thằng này “ngơ ngơ”. Đó là cách nói khéo thay cho ý: “Thằng này khờ”. Vợ tôi cũng bảo thế. Đúng là tôi cảm thấy mọi thứ lạ lẫm, chưa thể thích nghi ngay với cuộc sống ở đất liền. Những ngày nằm trên tàu, tôi đã cảm nhận được điều đó, mọi thứ thật không dễ chút nào”. Cái mặn mòi, rắn rỏi của biển khơi đã quyện vào con người anh và không dễ mất đi trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Nhắc đến món quà ốc biển của bố, bé Loan mới cho bố bế trong trạng thái bị… ép
Chị Thu làm dâu đúng tuần cũng là thời gian anh hết phép. Tháng 6-2011, Chị Thu hạ sinh bé gái Vũ Ngọc Tường Loan. Mỗi người phụ nữ có một khái niệm về hạnh phúc khác nhau nhưng niềm hạnh phúc ấy càng nhân lên khi ngày họ sinh con có chồng ở cạnh. Chị Thu cũng không ngoại lệ. Hôm ấy, anh gọi điện về, được nghe giọng vợ thủ thỉ “Con gái giống bố lắm”, nghe tiếng con khóc đòi bú, anh chẳng nói được gì nhiều vì hạnh phúc ngập tràn lên cả khóe mắt. Con được 3 tháng, anh về phép. Một tháng phép có thể là dài nhưng với một người lính đảo, một người chồng, người cha chỉ như một ngày không hơn.
Chị Thu tâm sự: “So với bạn bè, mình thua thiệt nhiều nhưng có chồng lính đảo là cái mà người khác không có được. Tình yêu thương gia đình hun đúc tình yêu nước, yêu biển đảo, vì thế trong mọi hoàn cảnh, đức hy sinh luôn cần thiết. Hơn nữa, dẫu khó khăn nhưng sự khó khăn của một người vợ, người mẹ ở đất liền không như ở ngoài đảo”.
Đảo – đất liền gần hơn
Mỗi lần về phép, anh và những đồng đội trên đảo Song Tử Tây lên tàu đầu tiên. Từ đó, tàu phải đi theo lý trình Đảo Đá Lam – Đá Thị – Sơn Ca – Nam Yết – Sinh Tồn – Đá Lớn – Cam Ranh mất khoảng trên dưới 15 ngày nếu thời tiết đẹp. “Từ đảo về đất liền, dù cảm giác đường về cứ dài thêm ra, có say sóng mệt nhừ vẫn cảm thấy thoải mái. Với người lính đảo, khoảng thời gian trên đường về đất liền không bồn chồn, rạo rực bằng lúc vừa đặt chân lên cầu cảng Vùng 4 – Cam Ranh nhìn quanh tìm mẹ, vợ con hoặc người thân của mình”, Thiếu úy Lợi trải lòng.
Trước đây, với lính đảo, có 4 thứ quý nhất là rau xanh, nước ngọt, văn công và thư nhà. Tuy nhiên, hiện một vài đảo đã có thể tự cung cấp đủ rau xanh. Nước ngọt thì vẫn còn hiếm nhưng “chữa cháy” bằng nước lợ ở giếng san hô hoặc trữ nước mưa. Các đoàn từ đất liền cũng thường xuyên ra thăm đảo mang theo lời ca tiếng hát. Thư nhà cũng ít đi vì đã có sóng điện thoại. “Những năm gần đây, nhiều đoàn ra thăm đảo nhưng ít khi được ở lại đêm để giao lưu, sinh hoạt. Đó là thứ chúng tôi quý nhất. Không chỉ chúng tôi muốn được nắm tay thật chặt, muốn hỏi thăm từng người từ đất liền ra mà chính người ra thăm đảo cũng rất muốn điều đó. Một ngày tâm sự với họ vẫn là thiếu. Càng thiếu khi biết đâu, trong số hàng trăm người ấy có một người cùng quê với mình”, Thiếu úy Lợi chia sẻ.
Chia tay, chỉ còn đúng 24 giờ nữa là anh phải xa gia đình sau gần 4 tháng về thăm nhà. Tôi có cảm giác như thời gian trôi thật nhanh. Một ngày đêm chắc gì đã đủ để anh – chị gửi gắm, dặn lời nhau… Thời gian khắc nghiệt quá. Ngày anh về phép, chị đưa Tường Loan đi đón bố. Chị đứng trên cầu cảng Cam Ranh. Anh trên con tàu dũng mãnh từ biển Đông trở về đều có chung suy nghĩ: “Con sẽ lạ bố”. Chị gạt nước mắt hạnh phúc, nói với con gái: “Bố của con đó. Gọi bố đi con”. Con bé nhìn mặt bố, nói: “Chú” khiến bố mẹ nghẹn ngào. Anh ôm cả hai mẹ con thật chặt, thật lâu như cố để con quen hơi nhưng không thể. Đến lúc anh phải lên đường, 4 tháng – khoảng thời gian khá dài nhưng chưa đủ để con gái quen, chạy ùa vào lòng mỗi khi bố gọi tên con.
Trần Trọng Tri
“Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng vẫn thường động viên, an ủi nhau để vượt qua bằng điện thoại. Dù phải sống xa nhau nhưng chúng tôi thấy rằng tình yêu dành cho nhau ngày càng lớn. Các cô, các chú lãnh đạo thành phố, cơ quan đoàn thể đến thăm và động viên, tôi cảm thấy ấm áp, mọi lo lắng đều tan biến. Nhiều khi thấy trống vắng, tôi lại tự an ủi mình: Lấy chồng lính đảo mà…”. (chị Phùng Thị Thu)
 

Bình luận (0)