Người tiêu dùng hiện lo ngại, việc EVN tăng giá mua điện đối với 10 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện than sẽ khiến chi phí đầu vào tăng cao và rất có thể giá bán lẻ điện sẽ tăng tương ứng thời gian tới.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa điều chỉnh giá mua điện đầu vào cho hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện than (công suất dưới 30MW) nhằm giảm lỗ cho các nhà máy.
Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), trong quá trình chuyển đổi hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với bên mua duy nhất là EVN (theo Quy định ở Thông tư 41 về giá phát điện và hợp đồng mua bán điện) nhằm thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ ngày 1/7 tới, đã có hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện than đuợc EVN điều chỉnh giá mua điện năm 2012, tăng thêm 5% so với giá mua năm 2011 và so với các hợp đồng đã ký cho cả đời dự án trước đó. Lý do Bộ Công thương đưa ra là giá phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ và một số nhà máy điện chạy than trên đang gặp khó khăn về chi phí đầu vào do biến động về về lãi suất, tỷ giá.
Đối với các nhà máy điện công suất trên 30MW, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho hay, EVN chưa thể tăng giá mua điện đối với các nhà máy điện này, bởi tình hình tài chính của EVN cũng rất khó khăn, không có nguồn tài chính để thực hiện nếu điều chỉnh giá. Hơn nữa, EVN và các bên liên quan cũng cân nhắc, tính toán việc các nhà máy điện có công suất trên 30MW có thực sự gặp các vấn đề khó khăn về chi phí đầu vào như các nhà máy điện nhỏ hay không.
Trước đó, EVN đã được Bộ Công thương cho phép tự quyết tăng giá bán điện ở mức 5% nếu giá đầu vào tăng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng bổ sung thêm rằng, qua hơn 10 tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, cho dù chỉ thực hiện chào giá và thanh toán theo cơ chế thị trường đối với 5% sản lượng điện phát của các nhà máy tham gia bán điện (95% sản lượng còn lại thanh toán theo hợp đồng sẵn có) song hầu hết các nhà máy đều chào giá cao hơn giá hợp đồng cố định.
Tính ra, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã thanh toán 1.178 tỷ đồng cho các nhà máy theo sản lượng chào giá. Chỉ riêng 2 tháng (tháng 12/2011 và tháng 1/2012) là các nhà máy bán điện chào giá thấp hơn hợp đồng và số tiền thanh toán cho sản lượng điện chào là 33 tỷ đồng và 103 tỷ đồng.
Người tiêu dùng hiện lo ngại, việc EVN tăng giá mua điện đối với 10 nhà máy thủy điện nhỏ và nhiệt điện than trên sẽ khiến chi phí đầu vào tăng cao và rất có thể giá bán lẻ điện sẽ tăng tương ứng thời gian tới. Bởi trước đó, EVN đã được Bộ Công thương cho phép tự quyết tăng giá bán điện ở mức 5% nếu giá đầu vào tăng.
Cụ thể, khi giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công thương chấp thuận.
Sáng 31/5, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.
Theo Dự thảo Quyết định Quy định về giá bán lẻ điện, giá bán lẻ điện được điều chỉnh trên cơ sở giá bán điện bình quân. Khi có biến động các thông số đầu vào cơ bản của khâu phát điện, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh. Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là ba tháng.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo.
Còn trong trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trên 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, Bộ Công Thương phê duyệt phương án điều chỉnh giá bán điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khi giá biến động trên 5% thì EVN báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau 15 ngày làm việc mà Bộ Công thương chưa có ý kiến, dự thảo luật cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.
Hoàn tất đợt thanh tra các DN bán điện cho EVN
Bộ Tài chính cho biết, vừa hoàn thành việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất điện ngoài EVN, vẫn còn một số sai phạm bị phát hiện. Việc thanh tra được tiến hành trong tháng 3 và tháng 4 tại 16 doanh nghiệp trên cả nước với nội dung thanh tra tập trung vào giá bán điện và hợp đồng bán điện cho EVN; giá thành sản xuất điện và kết quả sản xuất, kinh doanh điện năm 2011.
Kết quả sơ bộ bước đầu nhìn chung cho thấy, giá bán điện của hầu hết các công ty cho EVN đảm bảo trong khung giá mua bán điện do Bộ Công thương (trước đây là Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp) ban hành.
Tuy nhiên, thanh tra tài chính cũng xác định một số sai phạm như việc ký kết hợp đồng mua, bán điện của một số công ty và EVN còn chưa kịp thời dẫn đến xác định giá bán điện theo giá tạm tính, có công ty chưa kê khai thuế GTGT theo quy định; việc điều chỉnh hợp đồng chưa thống nhất giữa các công ty; việc điều chỉnh giá mua điện cũng chưa thống nhất đối với tất cả các công ty bán điện cho EVN.
16 doanh nghiệp được thanh tra có tổng sản lượng điện bán cho EVN năm 2011 chiếm tỷ lệ 91,3% tổng sản lượng điện của 30 đơn vị bán cho EVN, chiếm tỷ lệ 40,45% tổng sản lượng điện mua của EVN năm 2011 và đại diện cho 04 loại hình sản xuất điện (thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí). Tổng sản lượng điện sản xuất năm 2011 của 16 công ty là 32,691 tỷ kwh, đạt 80.84% sản lượng theo công suất tối đa của các Nhà máy; tổng sản lượng điện bán cho EVN là 28,731 tỷ kwh đạt 91,36% sản lượng theo kế hoạch mua điện của EVN. (Minh Tùng)
Theo Đất Việt
Bình luận (0)