Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2010, Việt Nam đã có tới 345 thương vụ mua bán sát nhập DN (M&A) được công bố với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,7 tỷ USD, tăng 65% về giá trị so với năm 2009.
Các thương vụ điển hình là Ngân hàng Liên Việt với Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện, Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria… Mà hầu hết các DN bị mua lại là những DN đang rơi vào tình trạng “đói vốn” để sản xuất, hoạt động.
Được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua, có lẽ không ai khác ngoài Công ty Cổ phần dược Viễn Đông (DVD). Kể từ khi nhiều lãnh đạo Công ty bị bắt giữ vì làm giá cổ phiếu thì công ty phải đối diện với nhiều khó khăn.
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết rơi vào tình cảnh rất khó khăn do lãi suất vay vốn quá cao, nhiều DN phải bán bớt hay chuyển nhượng một phần tài sản để có thể tồn tại.
Sau đó, các ngân hàng giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty và yêu cầu công ty có phương án tiếp tục hoạt động kinh doanh cũng như bán một số tài sản để giảm bớt áp lực lãi vay. Ngoài ra, Công ty cũng phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, người lao động và các đối tác có liên quan.
Do đó, các cổ đông đã chấp thuận kế hoạch bán một số tài sản hiện có để thanh toán khoản lãi vay 728 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2010), đồng thời để bổ sung nguồn vốn tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Trong đó, cụ thể nhất Công ty dự kiến bán Nhà máy Lili of France cho Ngân hàng An Bình với giá tương đương khoản đầu tư ban đầu là 300 tỷ đồng và sau đó DVD sẽ thuê lại nhà máy này để duy trì hoạt động sản xuất. Dự kiến, DVD cũng sẽ bán thửa đất dự định xây trụ sở tại số 88 đường Lũy Bán Bích, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh có giá trị sổ sách là 26,3 tỷ đồng và bán số cổ phiếu Savifarm đang nắm giữ với giá trị sổ sách gần 36,6 tỷ đồng…
Năm 2010, Vinaconex đã thành công trong quá trình đàm phán với Acuatico của Singapore về việc bán một phần vốn tại Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex và mang về 327 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2011, Vinaconex sẽ quyết liệt bán vốn tại khoản đầu tư lớn nhất Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm phả.
Việc bán tài sản “hết thời” của các DN là bình thường. Tuy nhiên, ở một số DN bán các tài sản đang vận hành, hoạt động tốt. Nhiều chuyên gia nhận định trong cuộc Họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 tại báo Đầu Tư, áp lực chi phí lãi vay buộc DN phải bán tài sản để trả nợ và hoạt động kinh doanh trì trệ không có khả năng tiếp tục triển khai dự án.
Lý do để bán các tài sản được đưa ra nhiều nhưng theo các công ty chứng khoán cho biết, đa số các DN bán tài sản đều có khó khăn về vốn, kinh doanh thua lỗ. Cực chẳng đã, DN phải bán bớt một số tài sản để trả nợ và cơ cấu lại nguồn vốn và sản xuất.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh vật tư (C&T), cho biết: “Hiện tại DN vốn tự có là chủ yếu và một số rất nhỏ vốn vay ngân hàng với lãi suất 20,5%. Tuy nhiên, đồng vốn bỏ ra quá lớn nên các kế hoạch về lợi nhuận của DN hầu như đều “đổ bể”. Trong cân đối nguồn vốn, DN đã phải dừng đầu tư vào một số dự án”.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển kinh tế bùng nổ vừa qua, các DN có rất nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, điều đó càng được cổ vũ với sự dễ dàng trong huy động vốn từ ngân hàng và dân cư… Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn thì sự phát triển quá nhanh về chiều rộng không tập trung cho thế mạnh và năng lực của mình đã khiến DN gánh phải trả giá đắt khi lãi suất ngân hàng của Việt Nam vào hạng “tốp đầu” của thế giới.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm Các dự báo, diễn biến chung của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt lạm phát của Việt Nam năm 2011 khó kiềm chế dưới 15% nên lãi suất ngân hàng vẫn có thể tiếp tục được duy trì ở mức cao. Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, với lạm phát khoảng 15%, lãi suất huy động “hợp lý” cũng phải là 16 – 17%, lãi suất cho vay 18 – 19%.
Vì vậy, DN nào sử dụng càng nhiều nợ vay hoặc không quản trị được tình hình tài chính hiệu quả thì để có thể tồn tại, nhiều DN phải bán bớt hay chuyển nhượng một phần tài sản là điều không muốn cũng vẫn phải làm.
Nguồn Tamnhin.net
Bình luận (0)