Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi suất: Chặn đầu vay thay cho đầu gửi?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trước tình trạng một số tổ chức tín dụng lách trần lãi suất tiền gửi 14%/năm bằng các hợp đồng ủy thác vốn đầu tư, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc chọn giải pháp giải tỏa lãi suất tiền gửi, nhưng khống chế lãi suất tiền vay.  

Lách trần lãi suất
Nếu như hai tuần cuối của tháng 3/2011, thị trường 2 (liên ngân hàng) căng thẳng về lãi suất và quy mô giao dịch bị thu hẹp thì tuần đầu tháng 4/2011, thanh khoản đã ổn định hơn, dù lãi suất vẫn cao.
Nhiều cán bộ của một số ngân hàng thương mại lớn thường xuyên hoạt động trên thị trường 2 hài hước rằng: “Chúng tôi đang… thất nghiệp”. Lý do của sự nhàn hạ này được hiểu là hiện nay, các ngân hàng ít vay mượn của nhau do đã tích đủ dự  trữ bắt buộc và dự trữ thanh toán.
Còn vì sao lãi suất thị trường 2 chưa giảm là bởi lãi suất huy động thị trường 1 nếu tính bình quân các kỳ hạn vẫn từ 16% trở lên. Các ngân hàng dùng nhiều “chiêu” để lách trần lãi suất huy động 14%/năm mà hình thức “ủy thác vốn đầu tư” áp dụng cho khách hàng lớn hoặc khách hàng tổ chức là một ví dụ.
Theo đó, khách hàng ký với ngân hàng hợp đồng “ủy thác vốn đầu tư”, hình thức này không giống như sổ gửi tiết kiệm nhưng bản chất lại giống hệt và muốn lãi suất bao nhiêu là do hai bên thỏa thuận.
Một kiểu khác tinh vi hơn để áp dụng cho khách hàng cá nhân là ghi “khống” vào sổ tiết kiệm. Ví dụ, khách hàng gửi 100 triệu đồng, muốn nhận lãi suất 17%/năm thì ngân hàng có thể ghi vào “dư có” trên sổ tiết kiệm là 103 triệu đồng, còn lãi suất trên sổ vẫn là 14%/năm. Dĩ nhiên, hình thức này còn kèm theo thỏa thuận hai bên nếu khách hàng rút tiền trước hạn.
Tất nhiên, các ngân hàng cũng rất cảnh giác để tránh “sập bẫy” thanh tra, nếu không phải người quen, hoặc được giới thiệu từ mối quen thì khách hàng không thể gửi được ở mức giá vốn như nói trên.
So sánh lãi suất tiền gửi với lạm phát, một chuyên gia của Hiệp hội Ngân hàng nói rằng: lãi suất huy động 14%/năm đã từ rất lâu và không phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là khi ADB dự kiến lạm phát năm 2011 của Việt Nam có thể lên tới 13%.

Hết quý 1/2011, tổng huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 1,5% nhưng tiền gửi VND giảm 2,8%, còn tiền gửi ngoại tệ tăng (Ảnh: VnEconomy)
Vị này tính toán, so sánh tháng sau với tháng trước trong 3 tháng quý I/2011, thấy rằng: lạm phát tháng 1 tăng 1,74%, tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3, tăng 2,17%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi chỉ 14%/năm, chia đều cho 12 tháng thì  mỗi tháng chỉ 1,16%. “Tất nhiên, các cơ quan điều hành sẽ phải tìm mọi cách hãm tốc độ tăng lạm phát. Không ai để tốc độ tăng lạm phát cả năm như mấy tháng đầu năm nhưng nhìn vào thực tế lạm phát mấy tháng qua, người gửi tiền không so kè mới lạ”, vị này nói.
Xung quanh chuyện lách trần lãi suất, một lãnh đạo của VietinBank cho rằng: “Đó chưa phải là xu hướng”. Theo ông, một số trường hợp dâng lãi suất lên là do họ quản lý thanh khoản chưa tốt, quản lý tài sản nợ/có và dự phòng thanh toán đối với những tài sản có tính lỏng cao còn yếu hoặc một số ngân hàng lớn nâng lãi suất để giữ chân khách hàng.
Đảo chiều khống chế?
Liên quan đến vấn đề khống chế trần lãi suất huy động 14%/năm, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho rằng, đến giờ vẫn không hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước không chặn lãi suất tiền vay mà lại chặn lãi suất tiền gửi. Vì, nếu chỉ chặn “đầu vào”, buông “đầu ra” thì lợi nhuận ngân hàng hiện đang ở mức quá lớn, giới hạn chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) có thể lên tới 9%!
“Một nguyên lý là chống lạm phát thì phải tăng lãi suất, nhưng với trần lãi suất huy động 14%/năm thì lạm phát khó giảm vì lãi suất cho vay vẫn… vô tư. Chưa kể, tỷ giá cũng là yếu tố tác động tới việc giảm lạm phát nhưng hiện tại, tỷ giá đã tăng tới 9,3% từ đầu năm đến nay”, ông này nói thêm.
Trước thực tế đó, vị chuyên gia của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc “trần lãi suất huy động 14%/năm” đang áp dụng hiện nay.
“Theo tôi, nên mở toang lãi suất huy động thị trường 1, khống chế lãi suất cho vay ở mức 18%/năm và nền kinh tế buộc phải chấp nhận lãi suất cao. Ngân hàng Nhà nước chỉ cần giữ hai “chốt”: tăng trưởng tín dụng dưới 20% và hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) không vượt quá 9%”, người này nói. “Lúc đó, ngân hàng thương mại dù có huy động về thì cũng chỉ giải quyết nhu cầu thanh khoản chứ không phải cho vay ra và tự khắc lãi suất sẽ giảm. Làm vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa đỡ tốn “mồi” cung ứng tiền vừa chống lạm phát có hiệu quả”.
Tất nhiên, nếu theo lời “tư vấn” này thì Ngân hàng Nhà nước phải có cơ sở bảo vệ quan điểm khống chế lãi suất cho vay ở mức nào.
Năm 2008, Ngân hàng Nhà nước từng khống chế lãi suất cho vay bằng Quyết định 16, theo đó, “lãi suất cho vay không được vượt quá 150% so với lãi suất cơ bản” nhưng quy định này đã được dỡ bỏ do quá nhiều bất cập.
Trong Luật Ngân hàng Nhà nước mới ban hành cũng chỉ ghi một câu rất chung chung: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi”. Vậy nên, cơ sở nào để khống chế lãi suất cho vay là điều không dễ dàng đối với Ngân hàng Nhà nước trong lúc này.
Liên quan đến câu chuyện “trần lãi suất”, vị chuyên gia nêu trên cũng đưa ra những con số đáng lưu tâm: hết quý 1/2011, tổng huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 1,5% nhưng tiền gửi VND giảm 2,8%, còn tiền gửi ngoại tệ tăng. Đặc biệt, trong khi tiền gửi VND của dân cư tăng 5,7% thì tiền gửi VND của tổ chức giảm 11,7%.
Như vậy, phải chăng lãi suất VND đang là một trong nhiều nhân tố góp phần làm cho tiền gửi VND bị giảm? Và nếu tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng không như mong muốn, nhất là trong điều kiện lãi suất huy động bị khống chế thì Ngân hàng Nhà nước muốn thực thi các công cụ điều hành cũng rất khó.

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)