Ngoài lãi suất, các doanh nghiệp phản ánh vẫn rất khó tiếp cận vốn vay vì những điều kiện ngặt nghèo…
Ghi nhận của phóng viên, lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt. Ngân hàng (NH) TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa áp dụng biểu lãi suất mới nhất, trong đó các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng chỉ còn 5,4%/năm; các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất giảm mạnh, còn 7,5%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, gần như toàn hệ thống NH thương mại đều đã hạ lãi suất huy động về dưới 9%/năm.
Người giảm, người chưa
Không chỉ lãi suất huy động hạ nhiệt mà lãi suất cho vay cũng bắt đầu giảm sau một loạt động thái quyết liệt của cơ quan quản lý. Mới đây nhất, NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố giảm lãi suất tối đa 1 điểm % đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới. NH cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất từ 9,29%/năm cho các khoản vay tiêu dùng mua nhà, mua ôtô.
Một số doanh nghiệp (DN) đã nhận được thông báo giảm lãi vay của NH thương mại. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết vừa nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay 0,5 điểm % từ NH thương mại. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh DN còn khó khăn, dù mức giảm lãi vay chưa quá cao.
Nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì những điều kiện ngặt nghèo
Tổng giám đốc một công ty bất động sản đang có dự án là khu đô thị lớn tại TP Thủ Đức cho biết công ty của bà vừa nhận được thông báo của NH giảm lãi suất cho vay từ 10,2%/năm còn 9,2%/năm. Điều này khá tích cực với DN, cũng là tin vui với khách hàng của dự án của công ty. "Lâu nay, dự án của chúng tôi luôn đủ điều kiện mới mở bán và đủ pháp lý nên NH đối tác đều cho vay, giải ngân đều, không bị gián đoạn" – vị này thông tin.
Anh T.V.H cho biết được NH cấp hạn mức cho vay 20 tỉ đồng để kinh doanh nông sản tại Đông Nam Bộ dựa trên tài sản bảo đảm cho NH. "Sau khi nghe thông tin được giảm lãi suất, tôi liên hệ nhân viên NH thì được biết ở kỳ giải ngân vào tuần tới, khoản vay của tôi sẽ được giảm khoảng 0,5% so với mức 13% đã duy trì từ tháng 2 đến nay. Lý do giảm lãi suất vì tôi là khách hàng thân thiết" – anh H. chia sẻ.
Trong khi đó, một số khách hàng cá nhân phản ánh lãi suất vay mua nhà, vay tiêu dùng vẫn ở mức cao. Anh N.Q, khách hàng đang vay tiêu dùng qua lương tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), vẫn phải chịu lãi suất tới 14%/năm. Một số khách hàng đang vay mua nhà tại NH TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa nhận được thông báo khoản vay mua nhà ở mức 15%/năm…
Nhân viên tín dụng của một NH thương mại có trụ sở ở TP HCM cho biết đối với khách hàng đủ điều kiện vay, NH vẫn cho vay bình thường; chỉ những dự án khó, DN không đủ điều kiện thì NH không dám giải ngân vì sợ rủi ro.
Thống kê của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy lãi suất huy động hiện giảm khoảng 0,5-1,5 điểm % so với đầu năm, chủ yếu với các kỳ hạn trên 6 tháng khi thanh khoản hệ thống NH được cải thiện và nhu cầu tín dụng còn thấp.
Lãi suất cho vay cũng đang giảm (khoảng 1-2 điểm %) từ đầu năm khi nhiều NH tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Dù vậy, lãi suất vẫn còn ở mức cao và các tổ chức tín dụng vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi sản xuất – kinh doanh vẫn khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.
Khó hấp thụ vốn
Tuy vậy, không phải ai cũng được NH giảm lãi suất và cho vay, nhiều DN phản ánh đang rất cần vốn để duy trì sản xuất nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn. Bởi vì NH đòi hỏi quá nhiều hồ sơ, thủ tục, kèm theo các điều kiện, nếu đáp ứng được thì phải xếp hàng chờ nhưng không biết đến khi nào mới được giải ngân.
Ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy (chuyên kinh doanh cà phê), cho biết ông chấp nhận vay lãi cao vì đang cần vốn khoảng 50 tỉ đồng vào lúc này để thu mua nguyên liệu cũng như phát triển thị trường. Tuy nhiên, NH đưa ra quá nhiều thủ tục, trong đó có cả việc bắt buộc DN phải làm báo cáo kinh doanh 3 năm gần nhất, nếu hoạt động tốt thì mới được xem xét cho vay. Với điều kiện này, DN không thể đáp ứng được vì trong 3 năm đại dịch vừa qua hầu như DN nào cũng gặp khó khăn.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khánh Xương, cho rằng lãi suất cho vay có giảm nhưng mức trên 9%/năm vẫn còn khá cao với DN. Do đó, các DN xuất khẩu chọn giải pháp vay USD với lãi suất khoảng 3,8%-4%/năm (trước đây là 3,2%) thay vì vay bằng VNĐ.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, khi nghe tin các NH tung nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi, các DN và người chăn nuôi rất mừng. Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi phần lớn rất khó khăn, giá bán dưới giá thành nên các chủ trại chưa có nhu cầu vay vốn, nếu có vay cũng khó đáp ứng được các điều kiện. "Mong muốn lớn nhất của các chủ trại đang vay vốn là được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ giai đoạn dịch COVID-19 để tồn tại qua giai đoạn khó khăn này" – ông Ngọc bày tỏ.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nêu một thực tế là nhiều DN đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp vay NH để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu…. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì NH không chấp nhận nên DN rất khó khăn.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp. NH Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN nhằm giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn" – ông Hưng nói.
Ngoài ra, theo HUBA, hiện hệ thống NH siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho NH như định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỉ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kinh doanh của DN. Lãi suất cao là một trong những nguyên nhân khiến các gói tín dụng quy mô lớn đang được triển khai nhưng cả NH thương mại lẫn DN đều nhận định không dễ hấp thụ vốn trong bối cảnh hiện tại. Bởi quan trọng nhất với các DN lúc này là vay vốn để làm gì?
Chưa kể, một số NH thương mại phải kiểm soát lại tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn nên đã thông báo tạm ngừng giải ngân các khoản vay dài hạn. Cụ thể, một NH thương mại mới đây thông báo vì mục tiêu kiểm soát tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn và không tăng dư nợ cho vay trung – dài hạn, NH sẽ tạm ngừng giải ngân trung – dài hạn cho đến khi có thông báo mới.
Để hỗ trợ và tiếp sức cho DN, TS Cấn Văn Lực nhận định cần khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng hóa đối tác, thị trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thể chế… "Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với DN hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, xây dựng; khó khăn về vốn, đặc biệt là trái phiếu DN, giải ngân đầu tư công" – TS Cấn Văn Lực nói.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, với DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, có đến 70% vốn lưu động phụ thuộc vào nguồn vốn NH. Trong khi đó, nhiều DN đang gặp khó khăn về tài chính, dòng tiền bị tắc nghẽn do tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu sụt giảm mạnh, tồn kho bán thành phẩm/hàng hóa tại nhà máy lẫn thị trường tiêu thụ còn nhiều… khiến DN không có dòng tiền để nhập nguyên phụ liệu mới vào sản xuất. Trước thực tế này, HUBA đã kiến nghị bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, ngành NH cần xem xét đẩy mạnh cho DN vay vốn tín chấp hoặc thế chấp bằng hàng hóa, nguyên phụ liệu…
HUBA cũng vừa ký kết với NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, Sở Công Thương TP HCM chương trình kết nối NH – DN năm 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN kịp thời.
Ngoài ra, dự kiến định kỳ hằng tháng, HUBA sẽ tập hợp những ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc lẫn nhu cầu kết nối vay vốn của các DN. Bản tổng hợp này sẽ được gửi đến Sở Công Thương và NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM để kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc về vốn, lãi suất… cho DN. Trước mắt, HUBA tiếp tục kiến nghị NH Nhà nước chỉ đạo NH thương mại đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. "Số tiền hỗ trợ lên đến 40.000 tỉ đồng nhưng đến nay tỉ lệ giải ngân quá thấp trong khi hàng loạt DN đang khát vốn. Nguyên nhân là NH thương mại chưa tích cực, DN chưa mạnh dạn tiếp cận, xúc tiến hồ sơ để được vay vốn hỗ trợ" – ông Nguyễn Phước Hưng phân tích thêm.
|
Nhóm phóng viên (theo NLĐ)
Bình luận (0)