Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi suất ‘đè’… tiền đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc cho các ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất huy động VND nhưng lượng tiền gửi vẫn không đạt được như ý, lãi suất bình quân liên ngân hàng vẫn ở mức cao… Nhu cầu tín dụng cuối năm đang vào mùa, khiến áp lực tiền đồng thêm căng thẳng. 
Có thể thấy, chưa bao giờ cuộc đua lãi suất lại diễn ra khốc liệt như thời điểm này. Từ ngày 8/11 đến nay, có ngân hàng đã gần 10 lần điều chỉnh lãi suất huy động, mỗi lần như vậy, các ngân hàng lại treo bảng thông báo mức lãi suất “to đùng” ở những vị trí dễ quan sát.
Chạy đua huy động
Ngày 17/11, Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động VND. Cụ thể, dù vẫn công bố lãi suất các kỳ ngắn hạn một tuần, hai tuần, ba tuần và dài hạn một tháng, hai tháng, ba tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng ở mức 12%, nhưng ACB tặng cho các khách hàng 0,15% lãi suất thưởng thêm vào thời điểm đáo hạn. Như vậy, trên thực tế lãi suất các kỳ hạn thả nổi của ACB đã ở mức 12,15% một năm. Đối với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất thưởng thêm của ACB còn cao hơn, ở mức 0,36% một năm. Ngoài việc đẩy lãi suất các kỳ từ 1 tuần đến 3 tuần lên mức 11,90% một năm; các kỳ từ 1 tháng – 12 tháng lên mức 12%, Eximbank còn đưa ra chương trình rút thăm trúng thưởng và tặng quà hấp dẫn. Với những khách hàng gửi từ 150 triệu đồng trở lên, Eximbank tặng quà từ 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Không những thế, Eximbank còn đưa ra các kỳ hạn “cực ngắn” cho khách hàng cá nhân (qua đêm) một ngày, hai ngày với lãi suất từ 4,8% đến 5,4% mỗi năm. Còn mốc lãi suất cao “kỷ lục” mà SEABank lập 13%, đã chính thức bị SHB “xuyên thủng” trong ngày 19/11. Tại đây, mức lãi suất bậc thang đối với VND các kỳ hạn từ một tháng đến 13 tháng “tiến lên” từ 13% – 13,50% mỗi tháng. Mức cao nhất tập trung từ 2 đến 3 tháng, chạm mốc 13,40% một năm.

Lãi suất huy động VND đã được các ngân hàng điều chỉnh theo hướng tăng. Ảnh: TNLinh.

Tuy vậy, cuộc đua lãi suất có vẻ vẫn chưa dừng lại, khi mức huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn không được như ý. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết số dư huy động VND giảm, nên bắt buộc ACB phải tăng lãi suất lên. “Chúng tôi đang thiếu VND mà các ngân hàng nhỏ “chạy trước”, muốn giữ được mức huy động cũ, bắt buộc chúng tôi phải tăng lãi suất huy động lên”, ông Toại nói.
Lệch cung – cầu
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà Nước, lãi suất qua đêm và bình quân liên ngân hàng công bố đến ngày 16/11 vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 10,36%, lãi suất 1 tuần ở mức 12,70% một năm; một tháng ở mức 13,14% một năm. Trước đó, ngày 11/11, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn một tuần đứng ở mức 13,20% một năm, một tháng lên mức 13,47%. Như vậy, biến động lãi suất liên ngân hàng chưa thực sự “dễ thở”.
Chuyên gia Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng, chính lãi suất qua đêm và lãi suất bình quân liên ngân hàng là “hoạt động sân sau”, khiến cho vấn đề VND càng khó xử lý. “Số dư VND đang giảm, chúng ta nói thiếu VND thì chưa đúng, nhưng áp lực về tiềm năng là rất lớn. Trong khi đó, các ngân hàng dù đẩy lãi suất lên cao, nhưng huy động không dễ, và họ lại có “sân sau”, vì thế đồng tiền lưu thông trên thị trường sẽ thiếu”. Theo tiến sĩ Dương, với tình hình “đua” lãi suất ở các ngân hàng như hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp bằng biện pháp hành chính (như năm 2008), thì rất khó giải quyết. “Tình hình này nếu không can thiệp, về cuối năm áp lực lên VND càng nặng vì nhu cầu tín dụng VND tăng nhanh. Nhưng chúng ta phải đè lãi suất bằng công cụ thị trường chứ không thể kìm đường tăng lãi suất bằng công cụ hành chính. Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết vấn đề thanh khoản tiền đồng, bơm tiền ra thị trường mở và kiểm soát cho vay hiệu quả… dù những biện pháp này vẫn chỉ là tình thế”, ông Dương nói. 

Phải kéo lãi suất xuống
Đó là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp Bàn giải pháp ổn định thị trường vàng, lãi suất, tỉ giá, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chủ trì sáng 11/9. Hiện nay, lãi suất cho vay nhiều ngân hàng đã chạm mức 18%, 19%, 20%; giá vàng quá biến động, lãi suất tăng vọt và giá USD cũng tăng theo, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Thời điểm cận Tết càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và nhất là phải có cách để “kéo lãi suất xuống”. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, các cơ quan ban ngành liên quan, doanh nghiệp.

Mỹ Dung / TTO

Bình luận (0)