Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi suất gần 20%, chục ngàn tỷ đổ vào cuộc đua nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít DN kinh doanh thua lỗ trong quý I/2020 vẫn đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Lãi suất trái phiếu đang tăng, có DN phát hành trái phiếu riêng lẻ lãi suất lên tới 15% – 19,5%/năm.
Nóng trái phiếu doanh nghiệp
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, lượng trái phiếu DN phát hành thành công trong tháng 4/2020 đạt hơn 30.120 tỷ đồng. Con số này khá cao nếu so với cả quý 1/2020 là hơn 47.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, tháng 4 là thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, để chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngừng hoạt động nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất sôi động.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2020, lãi suất trái phiếu DN cao nhất, thuộc về Công ty cổ phần Ðầu tư IDJ Việt Nam là 13%/năm, còn lại dao động từ 10,5%-12,5%/năm. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, có những DN phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất lên tới từ 15%-19,5%/năm.
Mặt bằng chung lãi suất trái phiếu DN tăng là lý do hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân.
Không những thế, có không ít DN kinh doanh thua lỗ trong quý I/2020 nhưng vẫn đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Mệnh giá trái phiếu có giá trị từ 5 triệu – 1 tỷ đồng, kỳ hạn linh động 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 3 năm và 5 năm,… Kỳ hạn càng dài, lãi càng cao.
Đặc biệt với các DN bất động sản, trái phiếu DN là kênh huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh nguồn tín dụng ngân hàng bị siết chặt. Huy động vốn từ trái phiếu DN tiếp tục là “cứu cánh” cho các DN bất động sản. Trong tháng 4/2020 DN bất động sản có lượng phát hành lớn với hơn 9.650 tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng đầu năm dòng vốn huy động qua kênh trái phiếu của nhóm này đạt trên 29.200 tỷ đồng.
Một số DN đang đẩy mạnh việc tiếp cận các nhà đầu tư cá nhân để phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với những lời mời chào đầy hấp dẫn. Chẳng hạn như: mua trái phiếu DN không khác gì gửi tiết kiệm ngân hàng, được đảm bảo trả cả gốc lẫn lãi, không những thế, lãi suất còn cao gấp 1,5- 2 lần so với gửi tiết kiệm; ngoài lãi cao, còn được tặng những món quà có giá trị,…
Nếu so sánh với gửi tiết kiệm ngân hàng, kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất cao nhất hiện nay là 8%/năm thì mua trái phiếu DN thời hạn tương tự sẽ được hưởng lãi suất từ 12%/năm trở lên. Nếu mua số lượng lớn còn được tặng quà là vàng miếng, phiếu chăm sóc sức khỏe hay những chuyến du lịch,… khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng sang mua trái phiếu DN.
Đánh giá mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân, đầu tư vào trái phiếu DN đã tăng lên gần 30% trong những tháng đầu năm 2020 so với mức 9% trong năm 2019.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, mặt bằng chung lãi suất trái phiếu DN tăng là một trong những lý do hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân. Trong khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm, mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu DN và lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng lớn sẽ kích thích nhu cầu đầu tư vào kênh này, mặc dù lãi suất trái phiếu tăng cao đồng nghĩa với việc mức độ rủi ro cũng đang ngày càng lớn.
Nhiều người rút tiền mua trái phiếu doanh nghiệp thay vì gửi ngân hàng
Ham lãi cao, rủi ro lớn
Nhận định của giới chuyên môn cho rằng, trong lúc huy động vốn từ ngân hàng còn tương đối khó khăn, kênh trái phiếu DN sẽ tiếp tục sôi động và có thể dẫn tới cạnh tranh tăng lãi suất.
Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu DN, Bộ Tài chính mới đây có văn bản khuyến nghị việc đầu tư cần được cân nhắc kỹ và thận trọng.
Nhà đầu tư cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ. Trái phiếu DN phát hành ra công chúng phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó, để phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, DN chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho bên mua và cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo Bộ Tài chính, thị trường xuất hiện thông tin về việc một số DN phát hành trái phiếu với lãi suất từ 14%/năm trở lên được coi là cao. Vì vậy, không nên mua trái phiếu DN chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ những rủi ro có thể xảy ra.
Đặc thù của trái phiếu DN là công cụ nợ do DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi khả năng trả nợ của DN phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải cân nhắc trước khi mua.
Một số rủi ro đó, theo Bộ Tài chính là: DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, do mất khả năng thanh toán; không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn…
Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý, kênh đầu tư này khác với tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Phát hành trái phiếu chưa hẳn là huy động vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN, có khi chỉ để cơ cấu lại các khoản nợ.
Nếu DN phát hành trái phiếu với lãi suất cao cần tìm hiểu thêm, có thể nguyên nhân xuất phát từ khó khăn nội tại như lịch sử tín dụng có vấn đề, kinh doanh không khả thi, vay vốn không minh bạch.
Trần Thủy (theo vietnamnet)

Bình luận (0)