Từ đầu năm đến nay lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm. Có thể nói mức lãi suất hiện nay đã giảm 40-60% so với thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Không ít ngân hàng cuối năm 2022, đầu năm 2023 có mức lãi suất huy động trên 10% nhưng nay chỉ còn hơn 4%. Và đà giảm này sẽ vẫn còn tiếp tục do nhu cầu vay quá ít…
Lãi suất huy động giảm sâu nhưng tiền vẫn tiếp tục “đổ” vào ngân hàng
Nghịch lý ngân hàng nhỏ lãi suất thấp
Lâu nay lãi suất huy động của các ngân hàng nhỏ bao giờ cũng cao hơn các ngân hàng lớn. Bởi chỉ có như vậy mới thu hút được khách hàng gửi tiền. Riêng 4 big bank (VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank), lãi suất huy động lúc nào cũng cực thấp, thậm chí có những thời điểm thấp hơn các ngân hàng ngoài quốc doanh tới 2-3%/năm. Nhưng thời điểm này thì ngược lại… Khá nhiều ngân hàng nhỏ có mức lãi suất huy động còn thấp hơn 4 big bank.
Một trong số đó phải kể đến SCB. Gần cuối quý IV năm 2022, SCB là ngân hàng tiên phong trong việc nâng lãi suất huy động lên gần 2 con số. Theo đó, mức lãi suất 9,5% rồi 9,95%/năm được ngân hàng này duy trì trong một thời gian dài – kéo đến gần hết quý I năm 2023. Có thể nói mức lãi suất này cao nhất nhì hệ thống ngân hàng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, từ tháng 4-2023 đến nay, SCB cũng là ngân hàng có nhiều lần hạ lãi suất huy động nhất. Đến thời điểm đầu tháng 3 này, lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng (lãi cuối kỳ) của SCB chỉ còn 4%/năm. Nếu so với cuối năm 2022, đầu năm 2023 giảm gần 6%/năm.
Một ngân hàng ngoài quốc doanh khác là PGBank, hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023 cũng có mức lãi suất huy động tương đối cao – 9,5%/kỳ hạn 12 tháng (lãi cuối kỳ). Đến tháng 3-2023 thì lãi suất bắt đầu được điều chỉnh giảm dần. Và tới thời điểm này, lãi suất huy động của PGBank chỉ còn 4,7%/năm/kỳ hạn 12 tháng (lãi cuối kỳ). Theo đó, so với hồi cuối năm 2022 và đầu năm 2023, lãi suất đã giảm hơn 50%.
Có mức lãi suất huy động lên tới 9,5%/năm/kỳ hạn 12 tháng, thậm chí với kỳ hạn 13 tháng lên tới 10,5%/năm vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, đến nay lãi suất huy động của SaigonBank cũng giảm sâu – chỉ còn 5%/năm/kỳ hạn 12 tháng (lãi cuối kỳ), kỳ hạn 13 tháng còn 5,1%, các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng đều là 5,4%/năm. Dù vậy, mức lãi suất này cũng được cho là cao so với nhiều ngân hàng ngoài quốc doanh khác.
Hiện nay số ngân hàng có mức lãi suất huy động từ 5%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đối với 4 big bank, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, trong khi phần lớn các ngân hàng ngoài quốc doanh có mức lãi suất huy động lên tới 9, 9,5, thậm chí 10%/năm/kỳ hạn 12 tháng thì các ngân hàng này có mức lãi suất là 7,4%/năm. Đây được coi là mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng quốc doanh từ trước đến nay. Dù mức lãi suất cao như vậy nhưng so với các ngân hàng nhỏ thì vẫn thấp hơn trên 2%/năm. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, 3 “ông lớn” VietinBank, BIDV, Agribank có mức lãi suất huy động là 4,8%/năm/kỳ hạn 12 tháng; riêng Vietcombank là 4,7%/năm. Mức lãi suất này thuộc nhóm trung bình cao so với mặt bằng lãi suất hiện nay của toàn hệ thống.
Lãi suất giảm nhưng người dân vẫn… gửi tiền
Lãi suất huy động cao, thậm chí lên tới 2 con số thì việc người dân “đổ” tiền vào ngân hàng kiếm lời là bình thường. Nhưng hiện nay, lãi suất huy động giảm sâu như vậy mà nhiều người có tiền vẫn chọn kênh ngân hàng…
Chị Nguyễn Hà Anh (nhân viên văn phòng) là một ví dụ. Chị Hà Anh cho biết: “Với tổng thu nhập của 2 vợ chồng hơn 40 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt, tiền học của 2 con thì mỗi tháng vợ chồng chị cũng còn dư gần 10 triệu đồng. Theo đó, trung bình mỗi năm 2 vợ chồng dư được một khoản tiền hơn 100 triệu đồng. Số tiền này đều gửi ngân hàng. Thời điểm này cũng là thời điểm đáo hạn, thấy giá vàng lên từng giờ, lãi suất ngân hàng thì giảm từng ngày nhiều lúc cũng đắn đo có nên mua vàng hay tiếp tục gửi ngân hàng. Tính đi tính lại rồi cũng chọn gửi ngân hàng. Lãi suất cao thì tiền lời nhiều, lãi suất thấp thì tiền lời ít đi nhưng an tâm. Còn mua vàng thì đầu óc chắc cũng “nhảy múa” theo giá vàng, cứ canh giá lên thì bán, giá xuống thì mua vào rồi thời gian đâu mà làm việc…”.
Bà Lê Thị Thanh (cán bộ hưu trí ở Nhà Bè) tỏ ra tiếc nuối khi năm ngoái nhân viên PGBank tư vấn cho bà gửi tiết kiệm 2 năm với lãi suất gần 10% nhưng bà từ chối và chỉ gửi 1 năm. Bây giờ đáo hạn, bà Thanh chỉ còn được hưởng lãi suất 4,7%.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm… |
“Lãi suất giảm một nửa nhưng tôi vẫn gửi. Giờ rút đem về nhà chờ lãi suất tăng rồi gửi thì sợ lại tiêu cái nọ cái kia. Còn mua vàng cũng hên xui lắm, người ta mua thì trúng, còn mình mua có khi lại lỗ…”, bà Thanh chia sẻ.
Không chỉ bà Thanh, chị Hà Anh mà nhiều người có tiền nhàn rỗi vào thời điểm này vẫn chọn gửi ngân hàng. Lãi suất cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là an toàn. Nói cho cùng vào thời điểm kinh tế – xã hội có nhiều biến động như hiện nay, buôn bán kinh doanh cái gì cũng có nguy cơ thua lỗ, mua vàng hay đô thì hồi hộp nên ngân hàng vẫn là kênh an toàn đối với những người “yếu bóng vía”, không có gan làm giàu…
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank – thừa nhận, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng. Mặt khác, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện nên vốn đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng thương mại. Ví dụ, tại Agribank, hiện nay đang huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng dù trước đó – ngay từ đầu năm 2024 Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng. Thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank giảm gần 1.200 tỷ đồng so cùng kỳ 2023.
Thùy Linh
Bình luận (0)