Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lãi suất khó giảm dịp cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với lãi suất cho vay trung – dài hạn, ở lĩnh vực ưu tiên các NH áp dụng chỉ khoảng 8%/năm, những lĩnh vực cho vay bình thường khác khoảng 9% – 10%/năm; cá biệt một số lĩnh vực rủi ro cao, kỳ hạn cho vay dài thì lãi suất có cao hơn.

Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhu cầu vốn cho nền kinh tế vào thời điểm cuối năm thường rất cao, vì các doanh nghiệp (DN) không chỉ cần vốn để đẩy mạnh hoạt động phục vụ mùa tết mà còn cần lượng lớn tiền để chi trả lương, thưởng cuối năm. Các ngân hàng (NH) cho biết, mặc dù không căng thẳng thanh khoản nhưng do nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đang dần siết lại, nên các NH khó giảm lãi suất. 
Thanh khoản bớt dồi dào 
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm ở mức 21% thì cần cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, trong đó việc hạ lãi suất để kích thích vay vốn sản xuất kinh doanh là một trong những giải pháp. Thế nhưng ngay từ đầu quý 4-2017, nhiều NH nhỏ đã rục rịch tăng lãi suất huy động để hút vốn cho vay cuối năm. Mới đây, thêm nhiều NH nữa cũng tham gia vào làn sóng tăng lãi suất huy động, tăng khuyến mãi “khủng” để hút vốn. 
Cụ thể, từ nay đến ngày 16-1-2018, khách hàng là DN gửi tiền tiết kiệm tại NH VietCapital Bank sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm. Khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm hoặc chỉ tái tục tiền gửi ở mức 20 triệu đồng sẽ có cơ hội nhận được hàng ngàn phần quà (xe máy, máy giặt…), trị giá lên đến hàng tỷ đồng.
Tương tự, từ nay đến 28-2-2018, khách hàng gửi tiết kiệm với chương trình “Lộc vàng như ý – tiền tỷ đến nhà” tại NH Maritime Bank sẽ có cơ hội nhận giải thưởng đặc biệt 1 tỷ đồng/giải và hàng ngàn giải thưởng khác trị giá 1 – 30 triệu đồng/giải… 

Lãi suất khó giảm dịp cuối năm ảnh 1
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: HẠNH NHUNG
Lãnh đạo một NH thương mại tại TPHCM nhìn nhận, do cung cầu mùa kinh doanh cuối năm tăng cao, thanh khoản của ngân hàng đã bớt dồi dào nên buộc phải tăng lãi suất kèm khuyến mãi và đưa ra nhiều giải thưởng để hút tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của mùa vụ kinh doanh cao điểm nhất trong năm. 

Ở một diễn biến khác cho thấy, sau cao điểm hút tiền về cuối tháng 11, trong tuần đầu tháng 12-2017, thị trường ghi nhận dòng tiền khá lớn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm trở lại hệ thống, thông qua kênh tín phiếu.
Cụ thể, từ ngày 4 đến 8-12, dù NHNN vẫn tiếp tục gọi thầu tín phiếu để hút tiền cân đối, nhưng lượng đáo hạn lớn khiến lượng bơm ròng trở lại hệ thống ở mức cao.
Trên thị trường mở, xu hướng thanh khoản có những thay đổi rõ rệt. NHNN giảm khối lượng phát hành tín phiếu xuống 21.800 tỷ đồng, trong khi khối lượng đáo hạn tăng mạnh lên 55.900 tỷ đồng. Sau 2 tuần hút ròng lần lượt 15.820 tỷ đồng và 18.500 tỷ đồng, NHNN đã bơm ròng khoảng 34.100 tỷ đồng ra nền kinh tế.
Trên thị trường liên NH, diễn biến lãi suất cũng đảo chiều so với tuần trước. Lãi suất đã tăng nhanh ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng lần lượt từ 0,75% và 0,9% lên 1,3% và 1,5%. Còn lãi suất các kỳ hạn 1 và 3 tháng tăng nhẹ lên 2,2% và 4,53%. 
Với diễn biến trên, nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu thanh khoản đã bước vào chu kỳ tăng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh cho tới cuối năm.
Chỉ giảm khi điều kiện vĩ mô cho phép 
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 là 21% – 22%, dư địa cho vay vẫn còn nên nhiều NH cho biết muốn giảm lãi suất để thúc đẩy tín dụng, nhưng trong bối cảnh hiện nay rất khó. Bởi lẽ, tỷ lệ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của các NH đang ở mức rất thấp.
Trong khi đó, lãi suất huy động đầu vào khó giảm tương ứng, do áp lực lạm phát và tỷ giá. Để giảm được lãi suất cho vay, phải giảm được lãi suất huy động, trong khi hiện tại, lãi suất huy động khó điều chỉnh giảm. 
Lãnh đạo một NH thương mại chia sẻ: “Lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan hệ cung cầu vốn trên thị trường, tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố khác có liên quan như chính sách điều hành tỷ giá, tình hình an toàn hoạt động của hệ thống NH … Tuy nhiên, khi lãi suất đầu vào tăng thì đầu ra sẽ khó giảm. Nếu có cũng phải qua tết, chứ từ nay đến cuối năm sẽ khó”. 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cũng cho biết, việc các NH tăng lãi suất đầu vô để hút vốn nhiều hơn không chỉ phục vụ đầu ra, mà còn đảm bảo các chỉ số thanh khoản đáp ứng quy định tại Thông tư 36 của NHNN theo hướng siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Thông tư 36 quy định, từ đầu năm 2018, chỉ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh xuống còn 45%. 
Lãi suất khó giảm dịp cuối năm ảnh 2
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn phục vụ mùa cao điểm cuối năm. Ảnh: HUY ANH
Liên quan đến lãi suất cho vay, ông Minh cho rằng, từ năm 2011 đến năm 2016, lãi suất huy động giảm 7% – 10%, lãi suất cho vay còn giảm mạnh hơn, từ 10% – 11%.

Hiện nay, đối với lãi suất cho vay trung – dài hạn, ở lĩnh vực ưu tiên các NH áp dụng chỉ khoảng 8%/năm, những lĩnh vực cho vay bình thường khác khoảng 9% – 10%/năm; cá biệt một số lĩnh vực rủi ro cao, kỳ hạn cho vay dài thì lãi suất có cao hơn.
Như vậy, mặt bằng bình quân trung – dài hạn từ 9% – 10%/năm là ở mức khá hợp lý, nên khó có thể giảm thêm mà chỉ giữ ở mức ổn định này nhằm đáp ứng nguồn vốn cho DN và người dân dịp cuối năm. 
Tại buổi đối thoại với DN vừa được tổ chức tại TPHCM mới đây, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cũng cho biết, hầu hết các DN sản xuất bình thường đánh giá mức lãi suất hiện nay đối với họ đã là hợp lý.
Tuy nhiên, ông Tú khẳng định trong thời gian tới, khi điều kiện vĩ mô cho phép (bao gồm kiểm soát lạm phát và các chỉ số vĩ mô khả quan), NHNN sẽ xem xét đưa lãi suất cho DN vay giảm thêm nữ.
Chứng khoán và vàng tăng, tỷ giá VND/USD đi ngang sau khi FED tăng lại suất
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có quyết định nâng lãi suất đồng USD lần thứ 3 trong năm 2017, thị trường chứng khoán và vàng trong ngày 14-12 đồng loạt tăng giá, tỷ giá VND/USD đi ngang. 
Cụ thể, thị trường chứng khoán dậy sóng với phiên giao dịch buổi chiều khi dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu (CP) nhỏ. Hàng loạt các cổ phiếu nhỏ tăng mạnh, trong đó các mã CP như: AMD, VHG, JVC, VOS, DAH, MHC, ASP… đã tăng trần.
Không chỉ nhóm cổ phiếu nhỏ mà hàng loạt mã CP ngành ngân hàng và blue-chips như VCB, CTG, STB, MBB, REE… cũng đã vụt tăng kéo VN-Index tăng vọt gần 12 điểm, vượt 935 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14-12, VN-Index tăng 11,45 điểm (1,24%) lên 935,85 điểm với 250 mã CP tăng giá, 121 mã CP đứng giá và 110 mã CP giảm giá.
Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 1,02 điểm (0,92%) lên 111,47 điểm với 74 mã CP tăng giá, 108 mã CP giảm giá và 201 mã CP đứng giá và 74 mã CP giảm giá. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường gần 5.600 tỷ đồng. 
Mặc dù trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index giảm nhẹ về 93,353 điểm so với mức đỉnh của 1 tháng là 94,219 điểm vì nhà đầu tư đã bán ra đồng bạc xanh để chốt lãi do trước đó, nhà đầu tư đã dự đoán được quyết định tăng lãi suất của FED, nhưng tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại trong ngày 14-12 có xu hướng đi ngang quanh ngưỡng 22.750 đồng/USD. Chỉ riêng Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD tăng nhẹ 5 đồng/USD lên mức 22.680 đồng/USD mua vào và 22.750 đồng/USD bán ra. 
Giá USD giảm giúp giá vàng thế giới bật tăng và thoát khỏi vùng đáy của 4 tháng. Với đà tăng của giá vàng thế giới đã kéo giá vàng SJC trong nước tăng gần 100.000 đồng/lượng sau một thời gian dài giảm mạnh.
Cập nhật giá vàng SJC vào lúc 16 giờ 30 ngày 14-12, Công ty SJC niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,36 triệu đồng/lượng mua vào và 36,59 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 90.000 đồng/lượng so với hôm trước. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại thị trường New York đêm 13-12 (giờ Việt Nam) tăng 11,4 USD/ounce, đạt 1.256,4 USD/oz.
Vào khoảng 16 giờ 30 ngày 14-12, giá giá vàng giao ngay trên sàn Kitcom tại thị trường châu Á tiếp tục tăng lên 1.257,6 USD ounce mua vào và 1.256,6 USD/ounce bán ra. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương khoảng 34,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC gần 2 triệu đồng/lượng. 

NHUNG NGUYỄN/SGGP

 

 

Bình luận (0)