Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi suất ngân hàng không minh bạch

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan quản lý sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính thay cho biện pháp kinh tế.

Chủ đề lãi suất là nội dung làm nóng tại lễ công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2011 do Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm 17/5. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Quốc gia, lãi suất đang méo mó và không minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Điều này khiến cho lãi suất đến tay doanh nghiệp (DN) lên tới 25%/năm hay lãi suất ngắn hạn lại đắt hơn lãi suất dài hạn… Nguyên nhân là do cơ quan quản lý sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính thay cho biện pháp kinh tế. Nói cách khác là dùng mệnh lệnh hành chính cộng với phương pháp điều hành hành cứng nhắc. Lỗi là do điều hành chứ không phải thị trường.
Các doanh nghiệp xoay sở rất khó khăn khi lãi suất cho vay
của các ngân hàng khá cao.
Điều hành lãi suất giật cục

Nói rõ hơn, ông Nghĩa nhận định: Thị trường liên ngân hàng được xem là chủ chốt của ngân hàng trung ương nhưng hiện nay vai trò của nó rất mờ nhạt… Ngân hàng trung ương không cần phải xem lãi suất thị trường là bao nhiêu mà chỉ cần quan tâm đến thị trường liên ngân hàng.

Nếu lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ổn định thì vốn đến thị trường ổn định. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại lại cho nhau vay đến 22%-25%/năm. Trong khi đó, quy định ngân hàng vay của dân không được vượt quá 14%/năm. Đây là điều hết sức phi lý.

Ông Nghĩa cũng lo ngại điều hành chính sách tiền tệ năm nay có thể sẽ giống như năm 2010. Thực tế, năm trước cách điều hành giật cục, thiếu nhất quán. Sáu tháng đầu năm thì thắt chặt tiền tệ nên tăng trưởng tín dụng chỉ 10% và cung tiền tăng 7%, còn sáu tháng cuối năm thì lại nới lỏng khiến tăng trưởng tín dụng đạt 31% và cung tiền tăng tới 28%. Bóp cho đến mức không thể thở được, thế nên khi thả ra, thị trường không thể sống nổi. Và năm nay cách điều hành cũng đang gần như vậy. Bốn tháng đầu năm nay, tăng trưởng tiền tệ là 1% và tín dụng tăng 4%. Nhiều DN cho hay là họ đang trong tình trạng bên bờ vực phá sản.
Nên thắt chặt và nới lỏng một cách đồng đều
Theo ông Nghĩa, lẽ ra chúng ta điều hành nới lỏng và thắt chặt một cách đồng đều thì thị trường không khó khăn như hiện nay. Thực tế cho thấy lãi suất năm nay còn cao hơn cả năm 2008 và cao nhất trong vài chục năm trở lại đây. “Khi lãi suất cao, vốn cũng chảy vào khu vực phi sản xuất. Có nhiều DN nói với tôi là chúng em hiện có hai cách để tồn tại, một là ném công nhân ra đường, hai là đi đầu tư đất chứ lãi suất 22%-25%/năm thì không thể kinh doanh được” – ông Nghĩa băn khoăn.

Hai kịch bản kinh tế năm 2011

Kịch bản thứ nhất với chính sách thắt chặt tiền tệ một cách kiên nhẫn (có thể kéo dài hết năm) đi liền với cắt giảm chi đầu tư công một cách nghiêm khắc như tinh thần Nghị quyết 11. Dự báo, lạm phát vẫn có thể cao tới 15,5%, tăng trưởng đạt khoảng 6,2%.
Kịch bản thứ hai mức lạm phát lên đến 18% nếu Chính phủ không đủ quyết liệt trong việc chống lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô. Động thái này có thể xảy ra khi chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm. Khi đó, tăng trưởng đạt khoảng 6,5% nhưng khả năng không thể kiềm chế lạm phát là rất cao.
Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC THÀNH, chủ biên Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam năm 2011

Mặt khác, theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội), chính sách tiền tệ thắt chặt rất bị động, chủ yếu đi sau lạm phát. Nói cách khác là chính sách lãi suất chủ yếu thực hiện nhằm làm cho lãi suất phù hợp hơn với mức lạm phát cao, thay vì mang tính chủ động để kiềm chế lạm phát.

Để chính sách lãi suất góp phần quan trọng trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô, ông Thành đề xuất: NHNN cần có chính sách để đưa đường cong lãi suất trở về mức dương. Đồng thời, chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thắt chặt trong một thời gian nữa. Khi đó, lạm phát có thể tiếp tục tăng đồng nghĩa với việc lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao.

Điều này đồng nghĩa với việc DN sẽ cực kỳ khó khăn trong việc tiếp cận vốn và tăng trưởng năm nay sẽ không cao. Nhưng về lâu dài lạm phát sẽ được kiểm soát và tăng trưởng sẽ bền vững và hiệu quả.
Về điều này, ông Võ Đại Lược, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng việc tăng trưởng quá nóng trong những năm qua đang để lại hậu quả cho năm nay và các năm sau.
Vì mục tiêu năm nay là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì tăng trưởng phải bền vững và hiệu quả. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải dựa vào việc đổi mới công nghệ và đổi mới thể chế chứ không thể dựa vào vốn, vào tài nguyên như hiện nay. Mô hình tăng trưởng mà chỉ phụ thuộc vào vốn, vào tài nguyên không còn giá trị hay nói thẳng là đã “hết hạn sử dụng”.
Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

Bình luận (0)