Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi suất “nhảy múa”: lợi ngắn, hại dài

Tạp Chí Giáo Dục

Vì nhiều lý do, các ngân hàng thương mại đang ngấm ngầm bước vào một cuộc đua lãi suất huy động khá quyết liệt, dù ai cũng hiểu, cuộc đua này tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cho từng ngân hàng cũng như toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

Trong cuộc đua này, nhiều “sáng kiến” về chính sách lãi suất đã được các ngân hàng áp dụng để “lách” những quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước như: lãi suất thưởng, trả lãi trước, trả lãi định kỳ, rút vốn linh hoạt…

Những “chiêu thức” huy động vốn lãi suất cao trước mắt có thể đem lại lợi nhuận khá cho những người có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm nhưng toàn bộ nền kinh tế sẽ phải “oằn mình” cõng lãi suất cho vay cao “ngất ngưởng”.

Trước tình hình lạm phát tăng cao, những “chiêu thức” huy động vốn lãi suất cao trước mắt có thể đem lại lợi nhuận khá cho những người có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm nhưng toàn bộ nền kinh tế sẽ phải “oằn mình” cõng lãi suất cho vay cao “ngất ngưởng”.
Đến mức nào đó, khi đồng vốn không còn khả năng sinh lời, doanh nghiệp sẽ không dám vay, sản xuất kinh doanh đình trệ, thất nghiệp gia tăng và hậu quả của suy giảm kinh tế thì tất cả mọi người đều gánh chịu. Đây là một bài toán khó đòi hỏi Ngân hàng nhà nước phải kịp thời ban hành những chính sách phù hợp cho toàn hệ thống.
Muốn làm được điều này, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần có một cái nhìn thật khách quan và chính xác đâu là bản chất của cuộc đua lãi suất này.
Cuộc đua lãi suất trước hết xuất phát từ nhu cầu thực tế của các ngân hàng là nhằm đảm bảo yêu cầu thanh khoản tối thiểu cho quá trình hoạt động. Thế nhưng, việc nới lỏng quá mức các chính sách về lãi suất cũng như các điều khoản ưu đãi cho khách hàng nhằm thu hút, níu kéo hay giữ chân khách hàng như hiện nay có thể tạo thêm áp lực lớn hơn cho rủi ro thanh khoản nối tiếp.
Một trong những chính sách lãi suất “linh hoạt” đang được áp dụng hiện nay là cho phép khách hàng được rút tiền trước hạn so với kỳ hạn đã cam kết gửi.
Trước đây, đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn, nếu rút trước hạn sẽ bị xem như gửi không kỳ hạn và phải chịu mức lãi suất thấp hơn so với mức mà ngân hàng cam kết (thường là lãi suất tiền gửi không kỳ hạn).
Chính sách này đặt khách hàng vào tình thế phải cân nhắc thiệt hơn để lựa chọn: hoặc rút trước hạn – chấp nhận mức lãi suất thấp hoặc tiếp tục gửi để hưởng trọn lãi suất.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu như các chính sách này của ngân hàng không còn nữa mà thay vào đó thường là tính lãi trên số kỳ thực gửi.
Trong tình hình này, đã đến lúc, ngân hàng Nhà nước phải ban hành ngay một văn bản pháp lý nhằm yêu cầu các ngân hàng xây dựng lại quy chế và chính sách tiền gửi một cách minh bạch, rõ ràng và thống nhất. Trong đó, cần phải có những tiêu chí cụ thể để định nghĩa và phân loại các khoản tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và cả những biến thể của nó một cách rõ ràng. Cần có một khuôn khổ pháp lý chung, tránh để xảy ra tình trạng áp dụng quá nhiều “sáng kiến” về chính sách lãi suất như hiện nay.
Theo DNS

Bình luận (0)