Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi suất tiền gửi còn 9%/năm: Gửi tiết kiệm vẫn an toàn nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều khách hàng đã đáo hạn sổ tiết kiệm trước ngày 11-6. Người dân gửi tiết kiệm lấy lãi 9% vẫn là an toàn nhất và tốt hơn cả.
uối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Thông tư 19 về trần lãi suất tiền gửi mới, tuy nhiên thị trường gửi-vay không có nhiều biến động.
Hạ lãi suất gây bất ngờ
Ngày 11-6, lãi suất tiền gửi còn 9%, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng VN còn 13%. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc NHNN giảm hẳn 2% lãi suất đã gây ngạc nhiên trong giới tài chính, bởi theo lộ trình dự tính thì mỗi quý sẽ giảm 1% lãi suất. Từ giờ đến cuối năm vẫn còn hai quý, nghĩa là lãi suất còn hạ nữa.
Ông cho rằng “nền kinh tế hiện gặp khó khăn, chi phí đầu vào của DN cao. NHNN cho rằng hạ lãi suất sẽ cứu được DN. Việc mạnh tay hạ lãi suất thể hiện sự quyết tâm và kỳ vọng của NHNN”.
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đúng theo lộ trình sẽ giảm mỗi quý 1% nhưng CPI tháng 5 lại giảm rất mạnh, buộc lòng NHNN phải mạnh tay hạ lãi suất để phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo ghi nhận tại một số NH, nhiều khách hàng đã tranh thủ đáo hạn sổ tiết kiệm trước ngày 11-6 để được hưởng lãi suất cao. Trước đó, một số NH đã tư vấn cho người dân nên gửi kỳ hạn dài, bởi thế việc đáo hạn trong những ngày qua không nhiều. Một số NH không làm thêm ngày cuối tuần, khác với các lần hạ lãi suất tháng 4, tháng 5.

Việc giảm lãi suất còn 9% liệu có làm giảm vốn huy động vào các ngân hàng?
Ảnh: HTD
Bà Nguyễn Thị Cúc (quận Tân Bình) cho biết: “Lãi suất 9% bây giờ chỉ bằng một nửa so với lãi suất một năm trước. Vì vậy chẳng còn mấy đồng lãi. Nhưng rút tiền tiết kiệm ra thì không biết làm gì sinh lời nên tôi cứ gửi NH tiếp đi đã”.
Việc giảm lãi suất còn 9% liệu có làm giảm vốn huy động vào các NH? Ông Hiếu cho rằng cần thêm vài ngày nữa mới có hiệu ứng rõ rệt. Hy vọng việc giảm lãi không tạo ra những biến động xấu cho thị trường. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi một dòng tiền sẽ chuyển hướng, đổ vào thị trường chứng khoán, vàng hoặc USD.
Ông Ngoạn thì cho rằng thị trường chứng khoán tăng nhưng đâu phải tất cả cổ phiếu đều tăng, vẫn có những mã giảm. Ngay cả cổ phiếu hôm nay tăng nhưng mai giảm cũng là chuyện rất bình thường, không phải ai cũng biết chơi chứng khoán. Giá USD lại ổn định, thị trường vàng cũng không có nhiều biến động, bất động sản đóng băng… Vì vậy, người dân gửi tiết kiệm lấy lãi 9% vẫn là an toàn nhất và tốt hơn cả.
Có trần làm méo mó
Theo ông Hiếu, việc áp trần lãi suất đang tạo tâm lý không tốt cho người gửi tiền lẫn người vay tiền. Cụ thể, người gửi tiền cứ muốn lãi suất cao hơn mức trần. DN đi vay cứ muốn lãi suất thấp hơn mức trần. Thế nhưng chỉ có một mức trần đó để áp khiến cả hai đối tượng này có cảm giác không thoải mái về lãi suất. Điều này tạo nên sự méo mó của thị trường hiện nay.
“Phải nhanh chóng tự do hóa lãi suất, khi thả nổi lãi suất hai đầu, cung và cầu sẽ gặp nhau ở một điểm là lãi suất bình quân. Như vậy mới thỏa mãn được mong muốn của người gửi và của NH” – ông Hiếu nói.
Theo TS Ngoạn, trước đây chúng ta đã từng không có trần lãi suất. Thế nhưng sau một thời gian thả nổi thì thị trường quá hỗn loạn. Bởi thế NHNN đã buộc lòng phải áp dụng trần lãi suất. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, thanh khoản của hệ thống NH ngày càng tốt hơn, nợ xấu cũng sớm được giải quyết thì sắp tới cũng nên bỏ trần lãi suất.
Liệu bỏ trần lãi suất thì thị trường có lại “quá hỗn loạn” nữa hay không? Ông Hiếu phân tích rằng trước đây chúng ta tự do lãi suất, sau đó một vài NH tăng lãi suất khiến nhiều NH khác “đua” theo. Thấy thị trường lãi cứ tăng hoài, chúng ta áp trần lãi suất. Nếu chúng ta cứ kiên trì tự do lãi suất thì bản thân thị trường sẽ phải tự điều tiết. NH cứ cho vay 20% mãi thì DN nào dám vay, tự NH phải điều chỉnh giảm lãi chứ. “Chúng ta phải kiên trì thì lãi suất sẽ theo chiều đi xuống chứ không tăng lên” – ông Hiếu nhấn mạnh.
YÊN TRANG (PL)

Bình luận (0)