Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị “Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ” vừa diễn ra tại TP.HCM. Nhiều ý kiến cho biết, trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần đưa ra các quyết định giảm lãi suất điều hành, từ đó lãi suất vay vốn có phần hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao. Lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiện phổ biến 10-11%, trước đây chỉ khoảng 7-9%; vay trung dài hạn 11-13%/năm, trước đây 8,5-11% nên nhiều DN phải cân nhắc việc vay vốn đầu tư mới và mở rộng quy mô.
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất vay cần phải giảm dưới 10% thì doanh nghiệp mới có lãi
Mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm (LTTP) TP.HCM – cho rằng, lãi suất vay 10% gây khó khăn cho tái sản xuất, khấu hao trang thiết bị. Hiện nay các DN trong ngành sản xuất, chế biến LTTP đều có mức tỷ suất lợi nhuận từ 11-12%, chưa trừ khấu hao và lãi ngân hàng. Nếu DN phải vay với mức lãi suất trên 10%/năm thì DN sẽ lỗ và tỷ suất lợi nhuận sẽ bị âm.
“Lãi suất cho vay cần đưa về dưới 10%/năm, các DN trong ngành LTTP khoảng 7-8%/năm mới có thể giúp DN tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tăng khả năng mua sắm, tiêu thụ hàng hóa sản phẩm, tạo sức cầu nội địa để bù đắp kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ giảm trong năm 2023”, bà Chi kiến nghị.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – đề nghị, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành về lãi suất để tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN.
Tại TP.HCM, dự báo các tháng còn lại của năm 2023, kinh tế – xã hội của TP sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức khi DN thành lập mới giảm về số lượng, về vốn, sức mua trong nước và bên ngoài. Vấn đề đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn kể cả trong và ngoài nước. Qua nhiều lần lãnh đạo TP.HCM làm việc với Hiệp hội DN TP cho đến hiện tại thì gần 50% số DN sản xuất cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng; một bộ phận DN có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn và tạo tính thanh khoản…
Ông Mãi nhấn mạnh: “Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành về lãi suất để hướng tới giảm lãi suất cho vay là thách thức đối với điều hành vĩ mô của NHNN. Tuy nhiên, cần ngồi lại bàn bạc để có giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết nhu cầu vốn lưu động và thanh toán ngắn hạn cho các DN”.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, Thông tư 03 của NHNN cần giảm bớt điều kiện cho vay để DN dễ tiếp cận.
Bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết, DN tiếp cận các nguồn vốn này gặp rất nhiều khó khăn. Gói tín dụng nhắm vào đối tượng phải có khả năng phục hồi nên ngành ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng hưởng lợi từ chính sách này. Các DN vừa và nhỏ càng khó tiếp cận mức lãi suất này do năng lực quản lý còn hạn chế cũng như chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của ngành nghề sản xuất, phương án sản xuất. Một số DN khác dù đủ điều kiện nhưng có tâm lý e ngại vay do khi tham gia chương trình phải làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán…
“Từ thực tế này, mong NHNN sớm có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn nữa đối với những DN đang thực sự khó khăn”, bà Hòa đề xuất.
Ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – cho rằng, khi ban hành chính sách phải xem vì sao chính sách đó không khuyến khích các đơn vị tham gia. Đề nghị NHNN sớm trình Quốc hội điều chỉnh chương trình lãi suất 2% gói 40 ngàn tỷ sang các chương trình hỗ trợ khác để sớm phát huy được hiệu quả.
Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, có 59 khách hàng tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, được đánh giá chưa hiệu quả. Còn tại tỉnh Tây Ninh, đến nay, dư nợ cho vay mới giải ngân được 677 tỷ đồng cho 17 khách hàng với số tiền lãi được hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình khoảng 2,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị NHNN tiếp tục triển khai các chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, kéo dài thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay lãi suất 0% đối với các DN không có đơn hàng mà vay để trả lương cho công nhân. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như giảm lãi suất cho vay góp phần khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực cho các DN trong giai đoạn hiện nay.
Cân nhắc giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới
Đây là phát biểu của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trước ý kiến phản ánh của các DN, lãnh đạo địa phương.
Chia sẻ các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới, trong đó, đối với điều hành lãi suất, bà Hồng cho biết, có thể cùng là DN như nhau nhưng nếu vay ngân hàng có tình hình tài chính tốt thì sẽ giảm được lãi suất nhiều. Còn vay ở những ngân hàng có tình hình tài chính không tốt thì lãi suất được giảm ít, thậm chí có những DN không được giảm. Do đó, vẫn có tình trạng các DN cho rằng mức lãi suất không giống nhau và vẫn cao.
“Về việc này, Chính phủ và NHNN đã có chỉ đạo đối với các tổ chức tín dụng phải đồng hành cùng DN và người dân tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất”, bà Hồng nói.
Bà Hồng cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, chia sẻ với DN và người dân đối với vấn đề lãi suất.
Về vấn đề tín dụng, bà Hồng cho biết, vừa qua NHNN ban hành Thông tư 02 và Thông tư 03 để giải quyết khó khăn cho DN. Trong các cuộc họp Chính phủ, NHNN cũng kiến nghị chính sách này cần phải đồng bộ với các chính sách khác.
Riêng những khó khăn về tín dụng và lãi suất, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, TP phải phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương làm rõ vì sao DN không thể vay vốn được tại ngân hàng. Với những khó khăn trong tiếp cận các gói tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải cách thủ tục hành chính để DN dễ tiếp cận vay.
Bà Hồng nhìn nhận, mặc dù lãi suất chưa được như mong muốn của DN nhưng NHNN đang tiếp tục có các giải pháp để giảm và để tỷ giá ổn định.
“NHNN luôn mong muốn làm sao để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định, an toàn kinh tế vĩ mô. Việc điều hành chính sách tiền tệ phải đánh đổi giữa các mục tiêu, để duy trì lạm phát thấp, ổn định tỷ giá”, bà Hồng nói.
Linh Anh
Bình luận (0)