Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lại thêm một quy định vô bổ!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định mới của ngành giáo dục, giáo viên (GV) phải làm “Sổ lưu văn bản” trong năm học. Khi có một văn bản gì, dù không thuộc lĩnh vực mình phụ trách, tất cả phải lưu và đóng thành tập để… xem và thực hiện (!).

Ý kiến của đông đảo GV về vấn đề này là một quy định hết sức vô bổ, không có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy, công tác… Thử hình dung mỗi GV có một cuốn sổ, một trường cả trăm GV, một tỉnh có cả ngàn GV thì việc tốn kém thời gian và tiền bạc như thế nào! Văn bản gốc do bộ phận văn phòng, hành chánh lưu. Như vậy, văn phòng phải làm thêm một động tác nữa là photo ra cả trăm bản cho mỗi GV về lưu vào sổ! Vừa tốn giấy in, vừa tốn mực in, thật lãng phí!

Từ xưa đến nay, mọi công văn, chỉ thị, thư từ liên hệ công tác đều do văn phòng nhà trường lưu vào sổ. Trong đó ghi rõ ngày đến, số công văn, ngày, cơ quan phát hành. Sau đó trình hiệu trưởng và căn cứ vào nội dung công việc, hiệu trưởng sẽ phân công cụ thể cho người phụ trách lĩnh vực đó. Các loại công văn còn được dán lên bảng tin hoặc đưa lên trang thông tin điện tử của nhà trường và mọi người có trách nhiệm mở ra và tham khảo. Trong lúc Nhà nước còn sử dụng thông tin qua mạng internet thì bây giờ ngành lại làm ngược lại: in các công văn trên mạng để lưu vào sổ!

Thiết nghĩ giảm được món nào thì nhẹ gánh cho GV món đó; nay “sáng tạo” ra “Sổ lưu văn bản” thì vô tình khiến GV phải làm dối, làm đối phó khi nhà trường “kiểm tra” hồ sơ, sổ sách mà thôi! Xin nói thật lòng là chẳng mấy ai đọc văn bản này nọ thật kỹ đâu; phân công nhiệm vụ thì làm, phần “nghiên cứu văn bản” thì để cho người có trách nhiệm nghiên cứu.

Các nhà quản lý nên thường xuyên về cơ sở, gặp GV để trao đổi, chia sẻ để thấy được phần nào gánh nặng chương trình; áp lực thời gian, áp lực xã hội lên trường học! Nếu ở miết trong phòng lạnh thì mọi chủ trương, mọi quy định đều xa rời thực tế mà câu chuyện về “Sổ lưu văn bản” là một thí dụ.

Lê Trường Sa

Bình luận (0)