Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lãi to lại kêu lỗ không chịu giảm giá xăng

Tạp Chí Giáo Dục

Thua lỗ là lý do các DN đầu mối gây sức ép để đòi tăng giá và viện cớ chưa chịu giảm giá. Tuy nhiên, 6 tháng qua, DN xăng dầu đã lãi ngàn tỷ nhờ tăng giá, các đại lý cũng ấm no khi được tăng hoa hồng. Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt khi giá luôn tăng không giảm.
Lãi lớn nhờ tăng giá
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 với mức lãi trước thuế gần 900 tỷ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh xăng dầu chiếm tỷ trọng  43%, đạt gần 390 tỷ đồng. Đây cũng là mảng hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Petrolimex trong 6 tháng đầu năm.
Hai DN xăng dầu đang niêm yết trên sàn cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lạc quan. Công ty Cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC) trong quý II có lợi nhuận gộp (chủ yếu từ xăng dầu) đạt 22,2 tỷ đồng, tăng tới 44% so với cùng kỳ. Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu (COM) cũng có lợi nhuận gộp tăng tới 54% trong quý II, đạt 45,7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu của SFC và COM lần lượt tăng 11% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Petrolimex cho biết lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do điều hành giá xăng dầu trong nước đã tiệm cận hơn với thị trường. Khi điều hành giá xăng dầu tiệm cận hơn với giá thị trường thì DN sẽ có lợi nhuận.
Nhận định này hoàn toàn đúng với các DN chỉ là hoạt động đại lý phân phối được hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá bán và giá vốn cũng như thù lao từ doanh nghiệp đầu mối. Tính toán của đại diện COM cho hay, doanh thu quý II tăng là do giá bán xăng dầu cao hơn cùng kỳ, như xăng tăng 10%, các loại dầu hỏa, diezel tăng khoảng 6%. Từ đó, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu của công ty cũng tăng theo.
Từ việc lãi lớn của các DN xăng dầu soi lại những cú tăng giá xăng trong nửa đầu năm để thấy có một lộ trình tăng trưởng, song giữa giữa giá xăng và lợi nhuận của DN. Thậm chí, với giá xăng lên mức kỷ lục thì cũng là lúc DN lãi đậm.
Hiện giá xăng dầu đang neo ở mức kỷ lục 25.070 đồng một lít xăng RON 95 và 24.570 đồng một lít xăng RON 92. Bên cạnh đó, thực tế thị trường ghi nhận đã có nhiều đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong quí II. Riêng từ ngày 14/6 đến 17/7, giá bán lẻ các mặt hàng này đã tăng 3 lần, đẩy giá xăng vượt mức 24.500 đồng/lít. Không những thế, khi giá bán tăng thì trong trong báo cáo của Petrolimex là giá vốn hàng bán được ghi nhận thấp hơn cùng kỳ.
Cùng với việc lãi đậm, các DN đầu mỗi cũng đã rỗng rãi chi hoa hồng cho các đại lý. Thông tin từ các đơn vị đại lý phân phối cho biết, nửa đầu tháng 8, DN đầu mối lãi nên mức chiết khấu đã tăng cao có thể lên tới 800-900 đồng/lít.
Lãi lớn vẫn kêu lỗ, không chịu giảm giá
Trong khi lãi lớn nhờ giá xăng liên tục tăng thì DN xăng dầu lại viện cớ giá đang lỗ để không chịu giảm giá xăng dầu dù những tuần đầu tháng 8, giá xăng dầu thế giới xuống thấp.
Tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ngày 15/8 cho biết, giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore trong phiên giao dịch ngày 13/8 ở mức 114,9 USD/thùng. Với mức giá nhập khẩu bình quân 117,16 USD/thùng, mức trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít, lợi nhuận định mức tạm thời 100 đồng/lít, cộng với các khoản thuế, phí khác, giá cơ sở xăng A92 cao hơn giá bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) khoảng 300 đồng/lít. Tuy nhiên, hiện xăng A92 đang được sử dụng quỹ bình ổn giá mức 300 đồng/lít nên mặt hàng xăng A92 hòa vốn.
Đại diện Petrolimex cho biết, tính theo mức giá bình quân 10 ngày trở lại đây, kinh doanh xăng đang có lãi vài chục đồng mỗi lít, dầu FO lãi hơn 200 đồng/kg. Riêng với dầu DO và dầu hỏa thì Petrolimex vẫn lỗ 300-600 đồng/lít tùy mặt hàng. Công ty TNHH và Dịch vụ Đồng Tháp – cho biết giá nhập khẩu xăng bình quân 10 ngày ở khoảng 113 USD/thùng thì doanh nghiệp không bị lỗ.
Trong ngày 13/8 giá xăng A92 tại Singapore là 114,91 USD và ngày 14/8 là 114,2 USD/thùng, nhưng trước đó giá xăng chỉ ở mức 112,88 USD/thùng. Mặc dù vậy, các DN xăng dầu vẫn cho rằng, dựa trên giá nhập khẩu trung bình 10 ngày kể từ ngày 14/8 trở về trước, DN xăng dầu có thể lời được gần 630 đồng/lít với xăng A92, dầu DO lỗ khoảng 20 đồng/lít. Trường hợp tính giá cơ sở 30 ngày tính đến ngày 14-8, xăng A92 lời 90 đồng/lít và dầu DO lỗ 60 đồng/lít.
Do vậy, với giá xăng dầu thế giới 10 ngày gần đây (từ 13.8 trở về trước) thì DN thừa nhận đã có lãi, nhưng do quy định tính giá bình quân 30 ngày nên các DN này vẫn trì hoãn việc giảm giá.
Đại diện Petrolimex giải thích thêm, nếu tính giá bình quân 10-15 ngày thì hoàn toàn có thể giảm giá, nhưng theo quy định hiện hành, DN phải dự trữ lưu thông trong vòng 30 ngày, nên giá cơ sở cũng được tính trung bình 30 ngày. Do vẫn bị lỗ trước đó (giá thế giới bình quân tuần cuối tháng 7 tăng cao), chưa đủ bù lỗ, nên khả năng giảm giá còn chờ… 1 tuần nữa, nếu giá thế giới vẫn đứng như hiện nay.
Dù giải thích cách nào đi nữa thì đang có một sự phi lý lớn giữa số lãi của DN và điệp khúc kêu lỗ để tăng giá xăng dầu. Trong mọi giải thích của mình, DN thường lờ đi con số lãi ngàn tỷ mà luôn tận dụng tối đa quy định để lấy mức giá cao nhất của bình quân 30 ngày để báo cáo lên cơ quan quản lý để tránh phải giảm giá và tiếp tục thu lợi.
Bám vào quy định này nên DN vẫn thu lợi lớn và tiếp tục có quyền kêu lỗ không chịu giảm giá hay liên tục đòi tăng giá khi có thể. Tuy nhiên, món lợi ngàn tỷ và những kêu ca của DN và người dân về những khó khăn do tăng giá xăng dầu thường không nằm trong các tính toán của DN xăng dầu.
Ngọc Sơn (VEF)

Bình luận (0)