Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lái xe buýt xin đừng… “buôn dưa lê”

Tạp Chí Giáo Dục

nh minh ha. Ảnh: I.T

Từ nhiều năm nay tôi vẫn thường đi xe buýt với ít nhất 1 tuần 6 buổi, và một buổi 2 lượt. Trong những lần đi xe buýt ấy, tôi để ý thấy có không ít tài xế trong khi làm việc, thay vì chú tâm lái xe cho an toàn, thì họ lại vừa lái xe vừa “buôn dưa lê”, nghĩa là chuyện trò rôm rả, liên hồi với tiếp viên phục vụ trên xe, cũng như hành khách thường đi xe buýt mà anh tài đó quen thân…

Việc giao tiếp, nói chuyện là nhu cầu của không chỉ riêng ai, và tài xế họ nói chuyện cũng sẽ là bình thường, và tôi nghĩ trong quy định hành nghề xe buýt thì cơ quan chủ quản cũng không có cấm họ nói chuyện.

Thế nhưng, theo tôi và tôi nghĩ rất nhiều người cũng sẽ đồng quan điểm với mình, đó là: khi tài xế lái xe buýt nói riêng, cũng như lái các loại xe khác nói chung thì nên hạn chế việc nói chuyện, nếu không cần thiết, bởi sự mất tập trung trong khi làm việc sẽ rất có thể gây ra những hậu quả khó lường trên đường. Thực tế thì đã có một số lần tôi thấy, do mải mê nói chuyện mà tài xế đã bị phân tâm, giảm sự chú ý, nên quên cả việc mở cửa cho khách xuống trạm, mặc dù trước đó khách đã bấm chuông (đèn) với ý thông báo sẽ xuống trạm tới.

Việc tài xế không chú tâm nên quên nhiệm vụ mở cửa xe cho khách xuống trạm còn đỡ, nhưng nguy hiểm hơn đó là có một số lần tôi còn chứng kiến chiếc xe buýt mình đang ngồi chút xíu nữa thì bị va đụng với những xe đang dừng đèn đỏ ở phía trước, chỉ vì lỗi do tài xế mải mê nói chuyện nên không chú ý! Rất may là sự cố va chạm chưa xảy đến, chứ không thì sẽ có nhiều chuyện phức tạp đối với cả tài xế, cũng như liên lụy tới hành khách (trễ giờ làm, giờ học…).

Một vụ mới đây nhất, là minh chứng cho sự mất tập trung khi tài xế xe buýt nói chuyện, mà tôi chứng kiến, đó là cách đây 1 tuần, khi chiếc xe buýt mà tôi đang đi chạy trên một tuyến đường tại trung tâm thành phố, đã tông nhẹ vào một chiếc xe gắn máy chạy phía trước, làm chiếc xe móp méo một phần tại đuôi xe. Xe buýt dừng để giải quyết hậu quả, và trong khi chủ xe gắn máy đổ lỗi cho tài xế xe buýt chạy ẩu, thiếu quan sát…, thì tài xế xe buýt lại “quát mắng” đổ cho người điều khiển xe máy chạy tạt vào đầu xe buýt… Thế nhưng tôi và khoảng vài chục hành khách trên chuyến xe buýt đó thừa biết lỗi là của người tài xế trẻ tuổi, bởi do anh ta mải mê cười đùa nói chuyện với một khách nữ ngồi ngay sát phía sau ghế lái trên suốt hành trình nên mất tập trung, rồi gây ra sự cố. Tôi còn quan sát thấy, trong lúc nói chuyện với cô gái, anh tài xế này còn quay mặt xuống phía sau, như vậy là quá nguy hiểm, khi chỉ cần một tích tắc mất tập trung là có thể gây tai nạn trên đường…

Ngoài tình trạng một số người thường “buôn dưa lê” trong khi làm việc, thì tôi cũng thấy có không ít tài xế xe buýt trong khi cầm vô lăng vẫn sử dụng điện thoại một cách tùy tiện, gây nguy hiểm, mất an toàn cho các phương tiện khác lưu thông trên đường, cũng như hành khách đang ngồi trên xe buýt.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019 thay thế Nghị định 46 đã tăng mạnh mức phạt với nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông. Cụ thể quy định với tài xế lái ô tô, nếu dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 600.000-800.000 đồng)!

Từ thực trạng nguy hiểm, đáng báo động nêu trên, rất mong công ty, xí nghiệp xe buýt tại các tỉnh thành phố cần tuyên truyền, nhắc nhở cũng như quán triệt tài xế hạn chế “buôn dưa lê” trong khi làm việc, nếu không thấy cần thiết, để tập trung vào nhiệm vụ điều khiển xe chạy cho an toàn. Ngoài ra, việc tài xế xe buýt sử dụng điện thoại di động bằng tay trong lúc lái xe cũng phải cấm và phạt nặng để ngăn ngừa hiểm họa tai nạn giao thông có thể xảy đến bất cứ lúc nào…

Đng Đc (TP.HCM)

 

Bình luận (0)