Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lại xin tăng trợ giá xe buýt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong khi khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt có trợ giá ngày càng giảm, Sở GTVT TP.HCM lại tiếp tục xin tăng kinh phí trợ giá xe buýt thêm 330 tỉ đồng/năm.
Sở GTVT đề xuất tăng trợ giá xe buýt thêm 330 tỉ đồng/năm  /// Ảnh: Ngọc Dương
Sở GTVT đề xuất tăng trợ giá xe buýt thêm 330 tỉ đồng/năm. ẢNH: NGỌC DƯƠN
Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp khảo sát của Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM về “Trợ giá xe buýt – Hiệu quả và giải pháp” diễn ra tại Trung tâm quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) TP sáng 31.7.
Trợ giá ngàn tỉ đồng mỗi năm vẫn không đủ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLGTCC TP, cho biết TP.HCM có 143 tuyến xe buýt, trong đó có 105 tuyến có trợ giá. Nếu như năm 2002, các tuyến xe buýt phổ thông được trợ giá khoảng 39,18 tỉ đồng thì đến năm 2012, con số đã tăng lên đến 1.290 tỉ đồng. Năm 2018, kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỉ đồng, bằng với năm 2017. 

TP.HCM nghiên cứu thí điểm buýt mini
Ông Trần Chí Trung cho biết Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đang hoàn chỉnh đề án thí điểm xe buýt mini (xe buýt cỡ nhỏ) để trình lấy ý kiến Sở GTVT TP trong tuần này. Theo đó, 30 tuyến buýt mini với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng từ 4 – 6 m sẽ dự kiến triển khai thí điểm tại quận 1, quận 10 và quận Tân Bình, bắt đầu từ năm 2019.

Theo trung tâm, trong điều kiện các đơn vị vận tải thực hiện đầu tư thay thế xe buýt mới, giá nhiên liệu, giá nhân công đều tăng nên doanh thu vẫn chưa đủ cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động. Đó là lý do Sở GTVT đã có văn bản đề xuất UBND TP xem xét, bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 lĩnh vực trợ giá xe buýt thêm khoảng 330 tỉ đồng/năm.
Đáng chú ý, tuy mức trợ giá qua từng năm đều tăng nhưng khối lượng vận chuyển trên các tuyến buýt có trợ giá lại giảm đều. Thống kê 6 tháng đầu năm, chỉ có 100,1 triệu lượt hành khách sử dụng xe buýt trợ giá, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2017. Ông Trung lý giải việc giảm khối lượng vận chuyển như trên đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan như quy hoạch mạng lưới tuyến chậm, chưa phù hợp với nhu cầu đi lại, đầu tư phương tiện mới chưa đáp ứng kế hoạch, năng lực tài chính, quản lý điều hành của một số hợp tác xã yếu kém… Một số nguyên nhân khách quan như phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, thiếu trầm trọng bến bãi dành cho hoạt động vận tải công cộng…
Nhiều ý kiến không đồng tình với cách trợ giá trên chi phí của DN như hiện nay do liên quan đến hiệu quả hoạt động của DN. Trung tâm nên nghiên cứu trợ giá trực tiếp về đầu ra là khách hàng. Bên cạnh đó, xem xét cắt, giảm trợ giá đối với những đơn vị hoạt động kém hiệu quả hoặc thường xuyên vi phạm, đồng thời thống kê chi tiết tính đến nay đã có bao nhiêu tuyến buýt “thoát” trợ giá, đánh giá từ khi không trợ giá, hiệu quả của những tuyến đó như thế nào.
Nên bỏ hẳn trợ giá?
Theo ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP: Mục tiêu ban đầu của TP khi quyết định chi mỗi năm 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt là nhằm hỗ trợ DN trong quá trình phát triển hệ thống xe, cải thiện phương tiện, chất lượng, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng. Từ đó doanh thu tăng lên, tiền hỗ trợ từ ngân sách sẽ giảm dần và tiến đến “thoát” trợ giá. Vì thế, đề xuất tăng trợ giá do sản lượng sử dụng xe buýt giảm là đi ngược lại với mục tiêu này.
Ông Bình cũng chỉ ra rằng tại nhiều khu vực, người dân không sử dụng xe buýt không phải do chất lượng xe cũ hay thái độ phục vụ của nhân viên. Đơn cử như một số tuyến buýt, sau khi thay mới xe số lượng hành khách sử dụng vẫn giảm. Vì thế Trung tâm QLGTCC TP cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân, đánh giá để tìm ra phương án giải quyết hợp lý, có thể đẩy mạnh các hoạt động như quảng cáo trên xe buýt để đầu tư, giảm chi ngân sách TP.
Đồng tình, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nhận xét: Báo cáo của Trung tâm QLGTCC chưa đánh giá cụ thể về hiệu quả của việc trợ giá xe buýt và làm sao để nâng cao hiệu quả này. Trung tâm cần xây dựng tiêu chí hiệu quả đối với việc sử dụng và quản lý khoản trợ giá từ trung tâm đến các hợp tác xã, DN, chủ xe…
“Dịch vụ giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng là một phần của dịch vụ công. Phương thức hợp tác công – tư, chuyển giao một phần việc trong dịch vụ công của đơn vị quản lý nhà nước sang các đơn vị tư nhân. Chính vì thế, việc xây dựng bộ tiêu chí cho việc quyết định trợ giá hay không trợ giá, trợ giá ở mức độ nào để làm cơ sở thông qua kế hoạch trợ giá hằng năm là rất cần thiết”, ông nói.
 
Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường – Ủy ban MTTQ TP.HCM, thẳng thắn đề xuất nên bỏ hẳn trợ giá xe buýt. Theo ông, chính sách trợ giá xe buýt chỉ phù hợp vào những năm 1970 – 1980, khi các hợp tác xã chủ yếu dựa vào nhà nước, cần hỗ trợ đầu tư phương tiện. Giờ hình thái kinh tế đã thay đổi, hợp tác xã vốn đến đâu thì làm đến đó, cứ kéo dài chính sách cũ này sẽ khiến các hợp tác xã ỷ lại.
Ông Ninh cho rằng Sở GTVT TP phải đi từ tận gốc vấn đề: Hoạt động của xe buýt kém hiệu quả là do không thuận tiện, không phù hợp với cuộc sống, hoạt động kinh tế của người dân, không phải từ chuyện giá cao hay thấp. Trong khoảng 10 triệu dân ở TP hiện nay, chỉ có khoảng gần 2 triệu người có điều kiện đi xe buýt. Với nhu cầu như vậy, việc “đổ” tiền vào thay mới toàn xe to, xe mới không chỉ lãng phí mà còn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)