Đó là mô hình đang được thực hiện ở Trường THPT An Dương Vương, TP.HCM từ năm học 2011-2012 đến nay.
Học sinh Trường THPT An Dương Vương (TP.HCM) làm bài kiểm tra ở sân trường – Ảnh: từ Facebook của Trường THPT An Dương Vương |
Ngày kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2015-2016 ở Trường THPT An Dương Vương, các dãy bàn ghế được xếp ngay ngắn thành từng hàng trải đều khắp sân trường.
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các học sinh (HS) đi vào khu vực chỗ ngồi của lớp mình và ngồi theo đúng số báo danh (mỗi HS một bàn, mỗi dãy bàn cách nhau khoảng 1,5m).
Theo cô Trần Thị Bích Thu – cán bộ phòng giáo vụ của nhà trường: “Tùy vào thời gian kiểm tra của từng môn mà nhà trường sắp xếp cho HS kiểm tra vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Để tránh thời tiết nắng nóng, buổi sáng HS sẽ làm bài kiểm tra trên sân trường ngay từ tiết đầu tiên (6g45), còn buổi chiều thì bắt đầu từ lúc 15g, khi ấy sân trường rất mát mẻ”.
Động lực để học tập
Thầy Trần Đức Thành, hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương, cho biết: “Chúng tôi thực hiện mô hình cho HS làm bài kiểm tra ở sân trường từ năm học 2011-2012. Việc này bắt nguồn từ công tác sinh hoạt HS lớp 10 vào đầu năm học của nhà trường.
Khi ấy, giáo viên hỏi vui: “Trong khi làm bài kiểm tra, em nào giở tài liệu thì giơ tay trái, em nào copy bài bạn thì giơ tay phải, em nào làm cả hai thì giơ hai tay”. Các em cũng rất vô tư, giơ cả hai tay.
Trước khi làm hiệu trưởng nhà trường, tôi từng có thời gian làm công tác thanh tra và đứng lớp dạy HS. Tôi biết nhiều trường hợp HS giở tài liệu bị thầy cô phát hiện nhưng không hề thấy xấu hổ. Thậm chí, ngay chính một số giáo viên cũng cho đó là bình thường. Vì vậy nhà trường quyết tâm thực hiện mô hình nói trên”.
Làm bài kiểm tra ở sân trường được áp dụng cho những đợt kiểm tra toàn khối (sau khi HS học hết một chương trong sách giáo khoa), kiểm tra giữa kỳ và cuối học kỳ đối với tất cả HS khối 10, 11 và 12. Mục đích là để rèn luyện cho HS tính trung thực, sự công bằng trong học tập.
“Nếu không học bài thì các em sẽ nhận điểm 0 chứ không thể làm cách này, cách nọ để được 7-8 điểm như những bạn có học hành đàng hoàng” – thầy Thành cho biết thêm.
Ông tâm sự: “Năm đầu tiên, các giáo viên cũng áp lực ghê lắm. Nhiều phụ huynh gọi điện trách móc thầy cô dạy như thế nào mà con tôi chỉ có 2-3 điểm. Nhà trường phải giải thích rằng đó là điểm thực của HS, nếu muốn đạt điểm cao không có cách nào khác là HS phải nỗ lực học tập”.
Cô Võ Hồng Sa, giáo viên môn văn Trường THPT An Dương Vương, nhận xét: “Việc cho HS làm bài ở sân trường đã tạo động lực để HS cố gắng học tập tốt hơn. Lần đầu tiên thực hiện hình thức này, điểm của HS có thấp hơn các kỳ kiểm tra trước khiến các em rất lo lắng, sau đó không dám lơ là, lười biếng nữa. Bản thân giáo viên chúng tôi cũng phải xem lại cách giảng dạy của mình để điều chỉnh cho phù hợp”.
Mục tiêu không phải là điểm số
Theo các giáo viên và HS Trường THPT An Dương Vương, thời gian chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra toàn khối là thời gian vui nhất và… mệt nhất. Bởi giáo viên nam và HS nam có nhiệm vụ khiêng bàn, giáo viên nữ và HS nữ có nhiệm vụ khiêng ghế, xếp ngay ngắn thành từng hàng.
“Lần đầu tiên làm quen với cách thức thi này, em cảm thấy khá lạ lẫm và hơi sợ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ làm nhiều lần nên em cũng quen dần. Em cũng dần hình thành thói quen học tập khoa học, nghiêm túc, biết sắp xếp thời gian học bài hợp lý, tránh trường hợp học tủ, học vẹt. Cá nhân mình phải hoàn toàn chủ động trong bài thi, chứ mỗi bàn một người, đâu có thể lỡ quên mà hỏi bạn bè như hồi xưa được” – Trương Quang Khải, HS lớp 10A1, nói.
Trong khi đó, Lâm Thành Trung, HS lớp 10A1, lại khẳng định: “Điểm số có phần thấp hơn so với hồi em học THCS, nhưng quan trọng là em học thật, hiểu thật và biết lực học của mình đang ở mức độ nào để cố gắng. Do đó, dù có điểm thấp nhưng em vẫn tự hào đó là điểm của chính mình”.
Tương tự, Hoàng Minh Anh, HS lớp 12A4, tâm sự: “Em cảm thấy rất hứng thú với hình thức thi ngoài trời, mỗi người một bàn như thế này. Việc này giúp em nâng cao ý thức tự giác học tập, hiểu sâu hơn bài học về sự trung thực, thật thà. Năm nay cũng là năm cuối cấp, tụi em đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Nhờ có hình thức thi này mà em tự tin hơn và không sợ bị khớp với cách thi nghiêm túc, quy củ tương tự trong kỳ thi tuyển sinh”.
Tốn công sức, nhưng kết quả mỹ mãn Từ khi thực hiện việc cho HS làm bài kiểm tra ở sân trường, tinh thần học tập của HS tăng lên thấy rõ (thể hiện rõ nhất qua kết quả thi đại học hằng năm của các em). Trong quá trình chuẩn bị cho các em làm bài kiểm tra, cán bộ – nhân viên của nhà trường cũng khá vất vả: 110 giáo viên, nhân viên của trường được huy động hết để phục vụ công tác này. Sân trường được trang bị đầy đủ mái che và các dụng cụ y tế khi cần thiết. Tuy nhiên, vào những thời điểm trời đổ mưa thì còn vất vả hơn: nhà trường phải tổ chức cho HS làm bài kiểm tra ở nhà ăn, trong phòng học (chỉ 12 HS/phòng) và ở hành lang. Thầy TRẦN ĐỨC THÀNH (hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương) |
Để học sinh biết chấp nhận điểm số thực của mình Mô hình cho HS làm bài kiểm tra ở sân trường có nhiều ích lợi thì ai cũng biết rồi. Nhưng với quy chế xét tốt nghiệp THPT như hiện nay: 50% xét điểm học bạ của HS, 50% là điểm thi (kỳ thi THPT quốc gia), nên có người đã hỏi tôi làm như trường thì thiệt thòi cho HS lắm. Trong khi một số trường thực hiện phương châm cứu HS, làm cho học bạ của các em toàn điểm đẹp, giúp các em có điều kiện thuận lợi để đậu tốt nghiệp THPT, riêng trường tôi lại siết cho chặt. Mục tiêu của trường chúng tôi là dạy HS biết chấp nhận điểm số đúng với thực lực của mình, để các em có thể tiến xa hơn vào cổng trường đại học, chứ không chỉ đậu tốt nghiệp THPT. Nếu trong quá trình học, giáo viên dễ dãi về điểm số với HS thì các em sẽ khó có tinh thần học tập nghiêm túc. Mà như vậy thì sẽ khó đậu đại học. Cô VÕ HỒNG SA (giáo viên môn văn Trường THPT An Dương Vương) |
HẢI QUÂN – HOÀNG HƯƠNG/TTO
Bình luận (0)