Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làm bạn cùng con

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
“Cuộc sống hiện đại có thể không còn nỗi lo con trẻ bị thiếu ăn, thiếu mặc, hay thiếu thuốc men, nhưng lại nhiều nỗi lo vì những dẫn dắt điên rồ không biết bắt đầu từ đâu, từ khi nào…”, lời tâm sự này của một bà mẹ hai con khiến nhiều người tò mò.

Không lường hết hậu quả
Chị Tú Cẩm (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), nhắc lại một số trường hợp đau lòng mà chị từng biết. Chẳng hạn, trường hợp một bé trai hơn 10 tuổi sinh sống tại TPHCM. Bố mẹ em người nước ngoài, đang hoàn tất thủ tục ly hôn. Bé ít được gần gũi với bố mẹ mà thường chơi với người giúp việc, cũng là người nước ngoài. Bé hay tâm sự với người giúp việc, nhưng rất tiếc hôm trước xảy ra sự cố, người này quá mệt nên hứa sẽ trò chuyện với bé vào sáng hôm sau.
Nhưng ngay hôm đó, bé đã tử vong do nhảy lầu. Một trường hợp khác, cũng là học sinh hơn 10 tuổi, cá cược với các bạn rằng, nhảy từ lầu cao xuống sẽ rơi trúng hồ bơi. Bạn bè chưa kịp cản thì bé đã rơi xuống tử vong. 
Chị Tú Cẩm chia sẻ: Tôi nhớ có lần đi châu Âu, trong lúc cùng bạn chờ tàu điện ngầm, bạn nói rằng, tàu điện ngầm là phát minh tuyệt vời, chỉ tiếc không ít bạn tuổi teen đã chọn tàu làm phương tiện kết thúc cuộc sống của mình. Tàu điện cũng giống như nhà cao tầng, chỉ cần một phút nông nổi là mọi thứ thật khó cứu vãn. Những sự việc này rất đau lòng, khiến nhiều phụ huynh xót xa, bối rối. Thời buổi bây giờ dạy con, làm bạn với con không dễ dàng. Những suy nghĩ xuất phát từ trong đầu chúng, làm sao mình biết hết được. 
Làm bạn cùng con ảnh 1
Trẻ cần được vui chơi, được quan tâm và yêu thương.

Trên một chuyên trang về gia đình, anh Nguyễn Văn Viết (hiện đang công tác tại một trường học ở Đắk Lắk) chia sẻ câu chuyện của mình hơn 25 năm về trước. Lúc đó, anh còn là một học sinh lớp 5, đi hái măng rừng cùng các bạn. Vào buổi trưa, cả nhóm cùng trèo lên một cây cổ thụ khá cao để vui chơi, tránh nắng. Trong đầu anh Viết suy nghĩ miên man và tính nhảy thử từ ngọn cây (cách mặt đất từ 7-10m) xuống đất, vì tin rằng gió sẽ bạt đi và anh được tán rừng phía dưới đỡ.
“Tự dưng tôi liên tưởng đến tình huống đi xem phim khuya về rồi vượt rào vô nhà. Hàng rào có hơn 1m mà trèo qua, tiếp đất muốn gãy chân. Rồi có hôm nhảy từ một cành cây xuống ao, chỉ khoảng hơn 1m mà tiếp nước thấy muốn rách lồng ngực. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi không nhảy vì lo không chết cũng què chân”, anh Viết kể lại.
Quan tâm đến trẻ nhiều hơn
Anh Nguyễn Văn Viết đánh giá, thời buổi này, tính cách của trẻ ít nhiều chịu tác động từ những gì học được trên Internet. Do vậy, chỉ còn cách gia đình cố gắng làm “lá chắn” hỗ trợ trẻ, bảo vệ các em trước những tiêu cực từ xã hội. Trẻ hay bắt chước và thích nổi loạn ở những “đốt” tuổi nhất định (3-5 tuổi; 11-13 tuổi…) nên gia đình cần yêu thương, quan tâm trẻ nhiều nhất có thể. 
Với chị Lê Thúy Diễm (ngụ chung cư Ấn Quang, quận 10, TPHCM) việc chơi, làm bạn với con về lý thuyết thì dễ, nhưng thực hiện không đơn giản. Bởi phụ huynh thường bận rộn công việc, học hành…
“Tuy vậy, muộn còn hơn không, hãy quan tâm đến trẻ ngay từ bây giờ để bớt hối tiếc. Mình gửi cháu cho chị gái ở quê để mải mê kiếm tiền, cải thiện cuộc sống. Nhưng thời gian trôi đi nhanh quá, bé ngày một lớn và mình giật mình khi thấy nhiều lúc mình như người xa lạ vì bé ít khi tâm sự gì với mẹ”, chị Thúy Diễm tâm sự. 
Chị D.Đ., có con gần 7 tuổi đang điều trị rối loạn tâm lý tại quận 7, TPHCM, cho biết, chỉ những người cha, người mẹ thực sự sâu sát mới phát hiện ra con có vấn đề. Có những phụ huynh đã không theo dõi sát diễn biến tâm lý của trẻ, thậm chí né tránh việc con mình có dấu hiệu trầm cảm… Chính vì thế, trẻ bị bỏ qua khoảng thời gian “vàng” để điều trị tâm lý, sức khỏe tâm thần.
Bằng chứng, con chị D.Đ. được phát hiện sớm, đang điều trị tích cực nên sức khỏe tâm lý của cháu được cải thiện đáng kể. Từ một đứa trẻ dễ cáu gắt, ngại tiếp xúc, đi vệ sinh không tự chủ, nay bé đã làm được nhiều thứ và hoạt bát hơn. Bé mạnh dạn trò chuyện cùng người lạ mà không khóc nhè hoặc hoảng sợ.
Không chỉ có tình thương yêu của ba mẹ, mà người thân, thầy cô giáo cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối trẻ với cộng đồng. Không ít trẻ chán ghét, tự hủy hoại bản thân (đập đầu vào tường, lăn ra đất khóc…) khi phải đến trường học, hoặc gặp mặt bạn bè. Những biểu hiện này đều cho thấy trẻ đang gặp những câu chuyện khó nói, cần được sẻ chia.
Đặc biệt, gia đình luôn là hạt nhân vững chắc trước sự “tấn công” tiêu cực từ bên ngoài. Nếu trẻ có những rắc rối về tâm lý, phụ huynh cũng nên đưa trẻ thăm khám tại các bệnh viện, hoặc các chuyên gia tâm lý uy tín.
Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, khoảng 50% có biểu hiện trầm cảm ban đầu ở độ tuổi 14. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, ở Việt Nam tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8%-29% ở trẻ em và vị thành niên.
 

GIA BẢO (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)