Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tổ chức triển lãm “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu – Cuộc đời và sự nghiệp” tại Bảo tàng TP.HCM nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1-7-1822/ 1-7-2022). Triển lãm diễn ra đúng thời điểm cả nước hướng đến kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam làm cho những người cầm bút bỗng nhớ đến 2 câu thơ bất hủ của ông trong bài thơ Than đạo “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Tiết mục tái hiện tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
Từ người xưa
Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương ý chí, nghị lực đáng cho nhiều thế hệ noi theo. Ngay từ thuở nhỏ ông đã phải trải qua những biến cố lớn của gia đình: Cha bị mất chức quan lại trong triều đình phong kiến, ông được gửi ăn học ở Huế từ năm 11 tuổi. Ở độ tuổi thanh xuân, mẹ mất vì thương khóc mẹ, ông lâm cảnh mù lòa, công danh dang dở, hôn thê bội ước. Dù vậy nhưng ông vẫn không nản chí. Mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học, làm thuốc giúp người dân nghèo và sáng tác thơ văn.
Mở trường dạy học, thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu đã giúp nhiều học trò đỗ đạt, giúp đời. Là người thầy thuốc, ông vừa chữa bệnh cứu người đồng thời thay đổi đời sống của dân, vận mệnh của đất nước.
Ở lĩnh vực sáng tác, ông là nhà thơ vĩ đại, là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại. Ông đã dùng ngòi bút của mình thể hiện những điều tốt đẹp, phê phán cái xấu.
Ông Võ Trọng Nam (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) nhìn nhận, từ khi ra đời, các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh những bài văn tế đậm chất bi tráng như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ của ông tiêu biểu là Lục Vân Tiên; Dương Từ – Hà Mậu đã đi vào tâm thức của người dân Nam bộ.
Quan niệm sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ nhất qua hai câu thơ bất hủ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì “Thuyền” là hình ảnh ẩn dụ nói về văn thơ và sự nghiệp văn chương. “Đạo” là đạo đức, đạo lý làm người. Văn chương là chở đạo, chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, thuyền cũng chẳng đầy. Sức chứa đạo đức, đạo lý của con thuyền văn chương là vô cùng to lớn và vô tận. “Thằng gian” là một khái niệm mang tính lịch sử. Trong chế độ phong kiến thối nát, dưới triều Nguyễn là bọn bất lương, bọn lừa thầy phản bạn, kẻ ác, kẻ xấu, bất nhân bất nghĩa. Khi thực dân Pháp đến cướp nước ta thì thằng gian là giặc Pháp và lũ Việt gian bán nước, bọn đầu hàng giặc. Chữ “đâm” và chữ “thằng” thể hiện một thái độ quyết liệt, đầy căm thù và khinh bỉ. Câu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” nghĩa là lấy thơ văn để đánh địch, đánh quyết liệt, đánh đến cùng thì ngòi bút cũng không mòn, trái lại càng đánh càng sắc bén.
Từ hai câu thơ ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã cho thấy văn chương có vai trò quan trọng, đó không chỉ dùng để giáo dục mà còn có thể làm vũ khí chiến đấu để bảo vệ đạo đức, nêu cao chính nghĩa, chống lại mọi kẻ thù của nhân dân.
Nghĩ đến người làm báo
Lời thơ của cụ Đồ Chiểu cũng khẳng định quyết tâm của nhà thơ. Thà đui mù, bệnh tật nhưng tình cảm, tấm lòng của ông vẫn trong sáng thủy chung với đời, vẫn lo cho dân, cho nước. Đạo mà con thuyền thi ca của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chở mãi vẫn không đầy chính là tư tưởng nhân nghĩa và tinh thần yêu nước chống xâm lăng của ông.
Ông Võ Trọng Nam (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) phân tích: “Đối với người làm báo cũng vậy. Làm báo cũng phải có đạo. Bởi làm báo là một nghề đặc biệt, có ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm của đông đảo quần chúng nên đạo đức người làm báo được hết sức coi trọng. Nếu khi xưa, đạo làm người của người Việt Nam là người “Trung quân, ái quốc”; “Lá lành đùm lá rách”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Đến thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh đạo làm người được nâng lên một tầm cao mới đó là: Trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa; là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; là đoàn kết trên dưới một lòng, là biết trọng tình thương và lẽ phải…
Ông Võ Trọng Nam (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, bìa trái) cùng đoàn đại biểu tham quan triển lãm về cụ Đồ Chiểu
Từ khi nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra đời, những chuẩn mực đạo đức làm báo dần dần được hình thành và ngày càng hoàn thiện với tầm cao mới. Bác Hồ đã khơi dậy trong những người viết báo cách mạng đạo đức làm báo là phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ đại đa số nhân dân. Nhiều lần Người dạy các nhà báo là trước khi đặt bút viết phải tự đặt cho mình câu hỏi: “Viết để làm gì? Viết cho ai đọc, ai xem”, và Người tự trả lời “Viết để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; viết cho cán bộ, đảng viên và đại đa số nhân dân xem”. Người khẳng định một chân lý giản đơn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”…”.
Báo chí và đội ngũ những người làm báo phát triển và hoạt động cùng với dòng chảy của lịch sử. Đa số các nhà báo thể hiện đầy đủ phẩm chất chính trị trong hoạt động nghề nghiệp và là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí. Điều đó có thể thấy rõ qua những cột mốc khó quên trong thời gian qua. Điển hình như đợt dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta cũng như tại TP.HCM, nếu những tuyến đầu chống dịch phải ngày đêm túc trực để cứu bệnh nhân thì những nhà báo, phóng viên cũng không ngại hiểm nguy đi vào vùng dịch để quan sát và dùng ngòi bút của mình để viết những điều tích cực, tuyên truyền cái tốt đến bạn đọc, người dân, giúp họ có thêm động lực vượt qua khó khăn, dịch bệnh. Bên cạnh đó, lực lượng báo chí cũng theo sát, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống dịch góp phần đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở về trạng thái “bình thường mới”. Trong số đó, có những nhà báo, phóng viên đã bị nhiễm bệnh Covid-19 và hy sinh. Sự đóng góp của họ đã trở thành tấm gương sáng ngời trong đội ngũ những người cầm bút viết báo.
Hậu Giang
Bình luận (0)