Giáo dục hiện đại đề xướng thay đổi quan niệm về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh theo hướng loại bỏ dần những yếu tố tạo nên sự xa cách trong giao tiếp giữa các bên. Một người thầy theo tiêu chuẩn hiện đại, không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn phải là người bạn giúp các em trưởng thành; là người bạn nắm rõ những tâm tư, khúc mắc mà học sinh gặp phải để cùng giải quyết vấn đề theo cách tích cực. Để nhận được sự tin tưởng của học sinh, người thầy phải dành nhiều tâm sức và cả thời gian để chuyện trò, tâm sự cùng các em.
Trước hết, chúng ta cần công nhận với nhau về những ích lợi, những ưu điểm mà người thầy sẽ có được khi áp dụng phương pháp làm bạn cùng học sinh. Sự gần gũi là giá trị đầu tiên mà chúng ta đạt được. Đã qua rồi thời kỳ mà hình ảnh người thầy là cả một khoảng trời xa cách khó hiểu khó gần, học sinh gặp giáo viên là khúm núm, nói chuyện ấp a ấp úng không thành tiếng. Sự gần gũi, thân thiện là một trong những điều kiện giúp cho công tác truyền tải kiến thức của thầy cô giáo đối với học sinh được nhẹ nhàng hơn, dễ dàng suôn sẻ hơn. Bên cạnh đó, chính sự gần gũi cũng sẽ tạo tiền đề để học sinh sẵn sàng trải lòng với thầy cô giáo khi các em gặp những rắc rối trong việc học hành lẫn những khúc mắc trong cuộc sống thường nhật. Việc nắm bắt kịp thời những tình huống, các vấn đề mà các em vướng mắc sẽ giúp người giáo viên chủ động hơn trong việc lựa chọn những phương án xử lý tối ưu nhất có thể. Qua đó, có thể giảm thiểu tối đa những câu chuyện buồn không đáng có vì thầy cô giáo và phụ huynh không kịp nắm bắt thông tin của con trẻ.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra ở đây cho người thầy: đâu là ranh giới cho việc làm bạn cùng học sinh? Nếu không làm chủ tình hình, nếu không cẩn thận mà sa đà quá mức cần thiết trong việc thân thiện với học sinh, người thầy sẽ tự mình gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. Kết hợp và xen kẽ giữa sự nghiêm nghị, chuẩn mực và sự gần gũi thân thiện với học sinh là một kỹ năng sư phạm mà người giáo viên cần ý thức và rèn luyện. Hiện nay Bộ GD-ĐT cũng đang đề xuất xây dựng bộ khung chuẩn mực nghề giáo. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được bàn luận và xem xét kỹ trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)