Ở bài viết trước, chúng tôi đã chia sẻ những kỹ năng, bí quyết để đạt điểm cao trong phần viết đoạn văn ngắn 200 chữ. Bài viết này chúng tôi cung cấp thêm cho thí sinh cách làm bài câu nghị luận văn học (câu 2/phần làm văn, 5 điểm) trong đề thi THPT quốc gia sắp tới.
Thí sinh hào hứng xem lại đề môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Ảnh: Anh Khôi |
Điểm khác biệt của câu hỏi này so với đề thi năm 2017 là có thêm kiến thức lớp 11, nên có sự tích hợp lớp 11 và lớp 12. Thông thường các dạng tích hợp theo thể loại văn bản: thơ và thơ, văn xuôi và văn xuôi, kịch và kịch… Kiến thức lớp 12 là yêu cầu cơ bản nên nằm ở vế đầu của câu hỏi, vế sau là chương trình lớp 11. Tuy nhiên, câu hỏi có thể linh hoạt thay đổi, chứ không phải hoàn toàn cứng nhắc như trên. Chẳng hạn đề thi thử của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội vừa qua.
Nội dung tích hợp trong đề thi là vô cùng phong phú. Muốn hệ thống được điểm này thí sinh chỉ cần ví dụ về thơ, ghi chú đánh số các bài thơ lớp 12 và các bài thơ lớp 11, sau đó lần lượt đối sánh theo hình thức cuốn chiếu sẽ thấy ngay những điểm tích hợp là gì. Như thiên nhiên và con người giữa các bài Tây Tiến (Quang Dũng)/Việt Bắc (Tố Hữu) với Tràng giang (Huy Cận)/Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử); như quan niệm về tình yêu, mùa xuân, tuổi trẻ giữa Sóng (Xuân Quỳnh) với Vội vàng (Xuân Diệu)…
Quan trọng nhất là thí sinh phải nắm được bao nhiêu dạng đề bài tích hợp để xây dựng dàn bài cho hợp lý. Khảo sát với số lượng lớn đề thi, chúng tôi thấy có các dạng tích hợp sau đây và cách làm chúng tôi gợi ý:
Quan trọng nhất là thí sinh phải nắm được bao nhiêu dạng đề bài tích hợp để xây dựng dàn bài cho hợp lý. |
Dạng thứ 1: Tích hợp theo kiểu so sánh, đối chiếu kiến thức lớp 12 và lớp 11. Chẳng hạn, đề cho hai đoạn thơ/hai đoạn văn xuôi… thuộc tác phẩm lớp 12 và lớp 11, sau đó yêu cầu (1)“cảm nhận về vẻ đẹp riêng”/nhận xét về những điểm tương đồng hoặc khác biệt của nó, hay (2)làm rõ một ý kiến/nhận định nào đó. Cách làm dạng 1: bước 1, giới thiệu chung (cả hai lớp 12 và lớp 11); bước 2, phân tích theo trình tự đề bài yêu cầu (phần nào yêu cầu trước thì phân tích trước); bước 3, so sánh, đối chiếu và rút ra nhận xét. Nếu (1)“cảm nhận về vẻ đẹp riêng” thì nhận xét những điểm giống nhau (nội dung và nghệ thuật) và điểm khác nhau (nội dung và nghệ thuât). Nếu (2)làm rõ một ý kiến/nhận định nào đó thì phải giải thích ý kiến/nhận định đó, sau đó diễn giải từ việc phân tích trên để làm rõ/chứng minh cho nó; bước 4, rút ra kết luận/ý nghĩa từ việc so sánh, đối chiếu trên.
Dạng thứ 2: Tích hợp theo kiểu liên hệ, mở rộng (khả năng ra đề rất lớn của năm nay). Nghĩa là đề cho một khía cạnh của lớp 12 (vế đầu của câu hỏi), sau đó liên hệ với một khía cạnh lớp 11 (vế sau của câu hỏi). Giống như đề minh họa năm 2018 vừa qua của Bộ GD-ĐT. Câu hỏi của đề tích hợp thường theo cấu trúc: “Từ A (lớp 12)…, liên hệ với B (lớp 11)… để làm rõ C. Cách làm gợi ý dạng 2: bước 1, giới thiệu A; bước 2, phân tích A; bước 3, giới thiệu B và phân tích B; bước 4, làm rõ C qua việc phân tích A và B. Nếu C là khái niệm khó thì phải giải thích. Cần tìm ra điểm đặc trưng/ điểm chung và riêng/ giống và khác của A và B để làm rõ C; bước 5, kết luận về ý nghĩa/ tác dụng của việc liên hệ, mở rộng.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)